Trong phiên họp đầu tiên tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định chính sách của Mỹ trong vấn đề Đài Loan không thay đổi, nhưng Trung Quốc dường như nghĩ ngược lại.
"Chúng ta đang thấy sự ép buộc ngày càng tăng từ Bắc Kinh"
“Chính sách của chúng tôi về Đài Loan là không thay đổi. Chúng tôi quyết tâm duy trì hiện trạng khu vực này”, ông Lloyd Austin khẳng định trong bài phát biểu hôm 11/6.
“Tuy nhiên, điều đó dường như không đúng với Trung Quốc. Chúng ta đang thấy sự ép buộc ngày càng tăng từ Bắc Kinh. Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng các hoạt động quân sự khiêu khích và gây bất ổn gần Đài Loan”, bộ trưởng Mỹ cảnh báo.
"Những hành động đó bao gồm việc chiến đấu cơ của (quân đội Trung Quốc) đã bay gần Đài Loan với số lượng kỷ lục trong những tháng gần đây và điều này diễn ra gần như mỗi ngày", ông nói.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ “sẽ làm phần việc của mình để kiểm soát những căng thẳng này một cách có trách nhiệm, ngăn chặn xung đột và theo đuổi hòa bình và thịnh vượng".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: IISS. |
"Duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan không chỉ là vì lợi ích của Mỹ. Đó là vấn đề quốc tế quan tâm", ông cho hay. “Sự khác biệt xuyên eo biển phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình”.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xung đột về nhiều mặt, từ vấn đề Đài Loan cho đến các hoạt động quân sự ở Biển Đông.
Tại cuộc gặp giữa ông Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm 10/6, hai bên nhắc lại rằng họ muốn quản lý tốt hơn mối quan hệ của mình, mặc dù không có dấu hiệu cho thấy bất cứ bước đột phá nào trong việc giải quyết những khác biệt.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, cuộc họp an ninh hàng đầu của châu Á, Bộ trưởng Austin cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đứng về phía các đồng minh của mình, bao gồm cả Đài Loan. “Điều đó đặc biệt quan trọng khi Trung Quốc áp đặt cách tiếp cận mang tính cưỡng chế và gay gắt hơn đối với các yêu sách lãnh thổ của mình”, ông nói.
Trước đó, hôm 10/6, Bắc Kinh cho biết "sẽ không ngần ngại phát động cuộc chiến" nếu Đài Loan tuyên bố độc lập.
Ông Ngụy Phượng Hòa cho biết thêm Bắc Kinh sẽ "ngăn chặn mọi ý định về một 'Đài Loan độc lập' và kiên quyết giữ sự thống nhất của Trung Quốc đại lục".
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất. Mỹ không thiết lập quan hệ chính thức với đảo Đài Loan, song là bên cung cấp vũ khí lớn nhất để hòn đảo phòng thủ.
Các mối đe dọa khác
Cũng trong bài phát biểu, ông Austin đã nói về những mối nguy khác mà thế giới phải đối mặt, từ Covid-19 cho đến đe dọa trên không gian mạng, vũ khí hạt nhân.
Trong bối cảnh đó, ông nhận định các liên minh an ninh và quan hệ đối tác của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nguồn gốc sâu sắc của sự ổn định.
“Ngăn chặn tích hợp" sẽ tiếp tục là chiến lược trung tâm trong mối quan hệ với các đồng minh của chúng tôi”, ông nói. “Chúng tôi vẫn kiên định trong các cam kết phòng thủ đa phương của mình”.
Bộ trưởng Austin cho hay một số đồng minh châu Âu của Washington đã và đang triển khai tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hoạt động cùng với các đối tác của Mỹ ở đây theo những cách chưa từng có. Việc triển khai như vậy gửi đi một thông điệp về sức mạnh và sự ổn định.
Trong bài phát biểu, ông Austin cũng đề cập đến mối đe dọa vũ khí hạt nhân đến từ Triều Tiên.
“Mỹ luôn sẵn sàng để ngăn chặn các hành vi vi phạm và duy trì các cam kết”, ông cho biết. “Những hành động khiêu khích và thử tên lửa của Triều Tiên chỉ nhấn mạnh tính cấp thiết của nhiệm vụ của chúng tôi”.
Bộ trưởng Austin khẳng định kiên định trong các cam kết phòng thủ đa phương của mình. Ảnh: AFP. |
Ông cũng khẳng định Washington đang tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc để mở rộng răn đe đối với động thái phóng thử vũ khí hạt nhân và hệ thống tên lửa đạn đạo, trong khi vẫn “cởi mở” đối thoại ngoại giao với Triều Tiên trong tương lai.
Trong bài phát biểu tập trung vào cam kết của Mỹ đối với khu vực, ông Austin cho biết Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện của mình ở châu Á nhưng Washington hiểu sự cần thiết phải ngăn chặn xung đột.
"Chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu hoặc xung đột. Và chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, một NATO ở châu Á hay một khu vực bị chia cắt thành các khối thù địch", ông nói.
Bên cạnh những vấn đề trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đề cập đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, vốn là một ưu tiên ở Washington và các thủ đô phương Tây khác trong ba tháng qua.
“Chiến dịch quân sự của Nga đối với một nước láng giềng hòa bình đã khiến thế giới dậy sóng. Và lựa chọn đó đã nhắc nhở tất cả chúng ta về sự nguy hiểm của việc làm suy yếu một trật tự quốc tế bắt nguồn từ các quy tắc và sự tôn trọng”, ông nói.
Đối thoại Shangri-La 2022 vừa chính thức khai mạc vào tối 10/6 tại Singapore, với sự tham gia của các đại biểu từ hơn 40 nước và vùng lãnh thổ. Hội nghị sẽ kéo dài từ ngày 10 đến ngày 12/6.