Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thủ tướng Kishida: Không ai được hành động như thể không có luật lệ

Tại Đối thoại Shangri-La, thủ tướng Nhật Bản khẳng định thông điệp đề cao trật tự dựa trên luật lệ trong bối cảnh sự ổn định và an ninh có nguy cơ bị hành động đơn phương phá vỡ.

Thu tuong Kishida anh 1

18. Đó là số lần thủ tướng Nhật Bản nhắc đến hai chữ “luật lệ” trong bài phát biểu hôm 10/6 tại hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, còn gọi là Đối thoại Shangri-La.

“Luật lệ phải được tôn trọng. Kể cả khi chúng trở nên bất tiện, không một ai được phép hành động như thể luật lệ không tồn tại, và cũng không một ai được phép đơn phương thay đổi luật lệ”, vị thủ tướng khẳng định. “Nếu muốn thay đổi chúng, ta cần có sự đồng thuận mới”.

Bất chấp khoảng cách hơn 8.500 km giữa Singapore và Ukraine, cuộc giao tranh giữa lòng châu Âu vẫn được Thủ tướng Kishida lấy làm minh chứng cho thấy nguy cơ đối diện trật tự quốc tế.

“Không một nước hoặc khu vực nào trên thế giới có thể nhún vai cho rằng (cuộc giao tranh) này là ‘chuyện của người khác’”, ông nói. “Nó là tình thế làm lung lay chính nền tảng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

“Liệu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà chúng ta xây dựng thông qua nỗ lực, đối thoại và đồng thuận có được giữ vững? Hay chúng ta sẽ trở lại là thế giới vô pháp, nơi luật lệ bị phớt lờ và xâm phạm, hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực được chấp nhận, và nước mạnh cưỡng ép nước yếu bằng quân sự hoặc kinh tế?”, Thủ tướng Kishida nói. “Đó là lựa chọn chúng ta phải đưa ra ngày hôm nay”.

Thủ tướng Kishida đã có lựa chọn của mình. Trong bài phát biểu, ông cam kết nước Nhật sẽ góp vai trò lớn hơn để ứng phó mọi hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng tại châu Á.

Thu tuong Kishida anh 2

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu tại Đối thoại Shangri-La vào hôm 10/6. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Kishida muốn nước Nhật dẫn dắt

8 năm trước tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó Abe Shinzo cũng có bài phát biểu trước hàng trăm đại biểu, gồm nhiều quan chức quốc phòng và chính sách cấp cao tới từ nhiều nước.

“Lời kêu gọi tôn trọng luật lệ và thái độ phản đối hành vi thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là những thứ có thể được trông thấy ở cả hai bài phát biểu”, phó giáo sư Lionel Fatton, chuyên nghiên cứu về quan hệ an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Đại học Webster, Geneva, trả lời Zing.

Thu tuong Kishida anh 3

Phó giáo sư Lionel Fatton, chuyên nghiên cứu về quan hệ an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Đại học Webster, Geneva. Ảnh: Webster.

Nhưng điều khác biệt đáng chú ý là vai trò của Nhật Bản được đẩy lên hàng đầu trong phát biểu của Thủ tướng Kishida.

“Năm 2014, ông Abe nói về việc Nhật Bản là người chủ động đóng góp cho hòa bình. Ngay từ khi đó, ông Abe đã cố đưa Nhật Bản trở thành nước tham gia tích cực vào khu vực”, ông Fatton nói.

“Nhưng trong phát biểu của ông Kishida, điều này được thể hiện rõ hơn. Nhật Bản muốn tham gia cực kỳ tích cực, có thể là giữ vai trò dẫn dắt trong việc điều hòa các mối quan hệ quốc tế trong khu vực”, ông Fatton nhận định.

Bài phát biểu của ông Kishida cũng xoáy sâu vào an ninh kinh tế. Đây là điều gần như vắng bóng trong phát biểu năm 2014 của ông Abe hay của các nhà lãnh đạo khác từng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La suốt 15 năm qua, theo ông Fatton.

“Điều này hợp lý vì chúng ta đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng thật sự cho ta thấy được vai trò trung tâm của an ninh kinh tế”, ông Fatton nói. “Tác động của an ninh kinh tế tới an ninh quốc gia đã trở nên quan trọng hơn và điều này được thể hiện qua bài phát biểu của ông Kishida”.

Nhật Bản sẽ tăng cường năng lực phòng vệ

Thủ tướng Kishida cho biết Nhật Bản sẽ bước vào một kỷ nguyên mới của "ngoại giao thực tế". Theo Reuters, đây là một bước đi nữa của Tokyo để rời xa chủ nghĩa hòa bình hậu Thế chiến II và đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực.

Để thực hiện lời hứa tăng cường vai trò trong khu vực, Nhật Bản sẽ “củng cố năng lực phòng vệ của nước này một cách căn bản trong vòng 5 năm tới” và “bảo đảm tăng đáng kể” ngân sách quốc phòng, Thủ tướng Kishida nói.

Thu tuong Kishida anh 4

Khu trục hạm trực thăng Izumo của Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg.

Nhật Bản sẽ không loại trừ bất cứ lựa chọn nào, bao gồm “năng lực tấn công đáp trả”, và sẽ cân nhắc một cách thực tế những điều cần thiết để bảo vệ mạng sống người dân.

Dù vậy, ông Kishida cũng nhấn mạnh vị thế “nước yêu hòa bình” của Nhật Bản không thay đổi.

“Nỗ lực của chúng tôi sẽ diễn ra trong phạm vi hiến pháp và phù hợp với luật pháp quốc tế, theo cách không làm thay đổi vai trò và nhiệm vụ cơ bản mà Nhật Bản và Mỹ cùng chia sẻ trong quan hệ liên minh”, vị thủ tướng nói.

Không chỉ vậy, vị thủ tướng còn khẳng định sẽ tăng cường vai trò an ninh - ngoại giao của Nhật Bản trong khu vực, trong đó có việc cung cấp hỗ trợ hàng hải cho các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cụ thể, ít nhất 2 tỷ USD sẽ được Nhật Bản dành ra trong vòng 3 năm tới để hỗ trợ khí tài an ninh hàng hải, bao gồm tàu tuần tra, và cơ sở hạ tầng vận tải trên biển.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cho từng nước, tận dụng quan hệ hợp tác của QUAD và các khuôn khổ tổ chức quốc tế”, Thủ tướng Kishida nói.

Thu tuong Kishida anh 5

Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tham dự Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters.

Hài hòa với Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc không vỗ tay sau khi Thủ tướng Kishida kết thúc bài phát biểu dài 40 phút, phóng viên Ken Moriyasu của Nikkei viết trên Twitter.

Đã từ lâu, quan hệ Trung - Nhật gặp nhiều sóng gió. Tuần trước, tàu Trung Quốc bị phát hiện thực hiện khảo sát dưới đáy biển trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Nhật Bản mà chưa xin phép.

“Xuyên suốt bên dưới bài phát biểu này là Trung Quốc, dù khi nói về mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định tương lai của châu Á, Thủ tướng Kishida không trực tiếp nhắc tới Trung Quốc”, ông nói.

Trong phần hỏi đáp sau bài phát biểu, Thủ tướng Kishida cũng có câu trả lời rất hài hòa khi được hỏi về tầm nhìn quan hệ với Trung Quốc. Ông cho rằng đây là “mối quan hệ song phương quan trọng”.

“Nhật Bản đang phải thực hiện công việc rất khó khăn là vừa đảm bảo Trung Quốc không cố gắng dùng vũ lực thay đổi hiện trạng, vừa giữ quan hệ có tính xây dựng với Trung Quốc vì lợi ích kinh tế”, ông Fatton nhận định.

“Nhật Bản có lẽ muốn là lựa chọn thứ ba cho các nước đang chơi vơi giữa cuộc cạnh tranh của hai cường quốc. Họ cũng có thể đang thể hiện với Bắc Kinh và Washington rằng có con đường khác trong tương lai ngoài con đường cạnh tranh thuần túy”, ông Fatton nói.

Đối thoại Shangri-La 2022 được tổ chức trở lại sau hai năm bị hủy vì dịch. Trước Covid-19, sự kiện này được xem là diễn đàn hàng đầu châu Á về an ninh khu vực và được tổ chức hàng năm bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London từ năm 2002.

Năm nay, sự kiện sẽ đón tiếp khoảng 500 đại biểu gồm quan chức quân đội, chính khách và nhà ngoại giao cấp cao từ hơn 40 nước. Hội nghị năm nay còn có sự tham dự từ xa của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Hôm 11/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ có bài phát biểu về “Những bước tiếp theo trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ”. Một ngày sau đó, Bộ trưởng Ngụy sẽ khẳng định “Tầm nhìn của Trung Quốc đối với trật tự khu vực”.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á trở lại, tâm điểm dồn về Nhật Bản

Đối thoại Shangri-La đã trở lại đúng lúc hơn bao giờ hết, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt. Nhật Bản được mong đợi sẽ là tiếng nói hài hòa giữa các bên.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung lần đầu gặp trực tiếp

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa lần đầu gặp mặt trực tiếp trong ngày 10/6 trước thềm Đối thoại Shangri-La.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm