Đầu năm 2021, hàng loạt nước châu Á phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 mới. Ấn Độ ghi nhận hàng trăm nghìn ca nhiễm mới và hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày. Một số hình mẫu chống dịch ở Đông Nam Á, như Singapore, cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong số ca mắc Covid-19.
Đợt bùng phát dịch lần này đòi hỏi các quốc gia cần có chiến lược xét nghiệm đúng đắn để khoanh vùng, dập dịch. Một quốc gia nhỏ bé ở Đông Âu có thể mang tới bài học đáng chú ý cho các nước đang cố gắng kiềm chế dịch bệnh.
Bài học từ Đông Âu
Khi làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu, Slovakia kiểm soát thành công đợt bùng phát mới nhờ đi tiên phong trong việc xét nghiệm diện rộng cho phần lớn dân số.
Chính phủ Slovakia khuyến khích tất cả công dân trên 10 tuổi, trừ các đối tượng dễ bị tổn thương, đi xét nghiệm trong hai ngày 31/10 và 1/11/2020.
Các đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm những người trên 65 tuổi dành phần lớn thời gian ở nhà, người khuyết tật, người bị bệnh ung thư, những người có hệ miễn dịch không đảm bảo…
Người dân Slovakia xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Straits Times. |
Chỉ trong hai ngày, hơn 3,6 triệu người - tương đương với hai phần ba dân số Slovakia - được xét nghiệm. Kết quả thu được cho thấy hơn 1% mẫu dương tính với Covid-19, theo CNN.
Những người tham gia xét nghiệm và có kết quả âm tính sẽ được nhận giấy chứng nhận chính thức, thứ giúp họ có thể bỏ qua các biện pháp ngặt nghèo được áp đặt nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Những ai có kết quả dương tính sẽ được đưa đi cách ly hoặc chữa trị. Trong khi đó, những người từ chối xét nghiệm sẽ vẫn phải tuân thủ quy định phòng dịch.
“Chúng ta đã có một bước tiến lớn”, ông Igor Matovic, Thủ tướng Slovakia lúc bấy giờ, tuyên bố. Ông bày tỏ sự hoan nghênh với những người tham gia vào chiến dịch xét nghiệm lớn chưa từng có này, theo CNN.
“Ban đầu đây chỉ là một ý tưởng. Có một số cơ quan thảo luận về vấn đề này. Năm chuyên gia bệnh truyền nhiễm trên khắp Slovakia tham gia thảo luận. Chúng tôi ngồi lại với nhau mỗi thứ 5 hàng tuần, và chúng tôi đưa ra quyết định. Mọi việc diễn ra chỉ trong hai tuần”, tiến sĩ Martin Pavelka, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Slovakia chia sẻ trên Scientific American.
“Theo tôi, việc xét nghiệm diện rộng có kết quả đáng kể”, bà Pavelka nhận xét. Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa BMJ tháng 12/2021, các biện pháp xét nghiệm diện rộng của Slovakia giúp số ca nhiễm mới giảm 58%.
Xét nghiệm nhanh để mở rộng sàng lọc
Để xét nghiệm cho toàn dân, Slovakia không dùng phương pháp xét nghiệm PCR mà sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh dựa trên kháng nguyên (antigen).
Xét nghiệm PCR là phương pháp chẩn đoán dựa trên việc phát hiện axit nucleic của virus. Đây được coi là loại xét nghiệm vượt trội về độ nhạy và tỷ lệ chính xác, nhưng có giá thành cao.
Trong khi đó, phương pháp test nhanh dựa trên việc phát hiện kháng nguyên của virus. Phương pháp này có độ nhạy thấp hơn, nhưng chúng nhanh chóng cho ra kết quả và có giá thành rẻ hơn xét nghiệm PCR.
Phương pháp xét nghiệm PCR hàng loạt tạo gánh nặng tài chính cho các nước nghèo. Ảnh: Bloomberg. |
Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm tại Mỹ, giá dịch vụ xét nghiệm PCR cao hơn nhiều so với dịch vụ xét nghiệm nhanh.
Ví dụ, tại Trung tâm Y tế thuộc Đại học Rochester, bang New York, Mỹ, giá dịch vụ xét nghiệm PCR là 150 USD, cao gấp đôi so với giá dịch vụ xét nghiệm nhanh là 75 USD.
Tại Ấn Độ, giá thành xét nghiệm PCR dao động từ 400 đến 1.500 rupee (khoảng 127.000 đến 475.000 đồng), trong khi giá thành xét nghiệm nhanh dao động từ 300 đến 900 rupee (khoảng 95.000 đến 285.000 đồng) tùy theo từng bang, theo Indian Express.
Theo tiến sĩ Pavelka, xét nghiệm nhanh là biện pháp hiệu quả khi tình hình có dấu hiệu mất kiểm soát. “Khi bạn đột ngột phải đối mặt với một đợt bùng phát dịch bệnh, đây là biện pháp can thiệp hữu hiệu".
"Bạn đưa ra lệnh phong tỏa kéo dài một tuần và xét nghiệm cho mọi người. Đó có thể là cả một quốc gia hay chỉ một thành phố. Mọi thứ sẽ trở lại trạng thái bình thường, số ca nhiễm có thể giảm 50%”, bà nói.
“Lúc này, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, bạn có thể sử dụng lại các biện pháp xét nghiệm, truy vết thông thường”, bà khẳng định.
Tốc độ hay chính xác?
Trong bài viết trên tờ Conversation, giáo sư Zoe McLaren tại Đại học Maryland, Mỹ, cũng cho rằng tốc độ nên được ưu tiên hơn sự chính xác trong bối cảnh đại dịch.
“Để làm giảm tốc độ lây nhiễm, cơ quan y tế cần phát hiện các ca nhiễm Covid-19 trước khi chúng lan rộng. Xét nghiệm sàng lọc là biện pháp hứa hẹn vì phương pháp này rẻ, có kết quả nhanh chóng, dễ sản xuất hàng loạt và không cần đưa vào phòng thí nghiệm”, bà viết.
Sau Slovakia, hàng loạt nước châu Âu, bao gồm Đức, Pháp, Anh hay Italy, cũng đã áp dụng phương pháp xét nghiệm nhanh. Ngay trong hai ngày 31/10 và 1/11/2020, khi Slovakia tiến hành xét nghiệm cho toàn dân, chính phủ Anh cử một đoàn chuyên gia đến để theo dõi cuộc xét nghiệm và rút ra bài học để áp dụng cho nước này.
“Họ quan tâm tới các bài học mà chúng tôi rút ra, cũng như kết quả xét nghiệm cụ thể”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Slovakia Marian Majer chia sẻ với Guardian.
Phương pháp test nhanh có lợi thế về tốc độ, nhưng không chính xác như phương pháp PCR. Ảnh: Philadelphia Inquirer. |
Ngày 21/5, giữa làn sóng bùng phát dịch thứ hai, Ấn Độ cũng nâng tỷ lệ xét nghiệm nhanh trong tổng số mẫu xét nghiệm lên 60%, dù Thủ tướng Narendra Modi từng khẳng định xét nghiệm PCR phải có tỷ trọng 70% vào tháng 3, theo India Today.
“Khi tỷ lệ lây nhiễm cao, xét nghiệm nhanh có thể giúp cách ly nhanh chóng các ca nhiễm”, giáo sư Balram Bhargava, tổng giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR) tuyên bố.
Những phương pháp mới
Một hình thức xét nghiệm mới đang nhận được chú ý của giới chức y tế cũng như người dân trên toàn thế giới. Đó là tự xét nghiệm tại nhà.
Ngày 19/5, Ấn Độ phê duyệt bộ xét nghiệm Covid-19 tại nhà của công ty Mylab Discovery Solutions mang tên Mylab CoviSelf. Sản phẩm này giúp người dân có thể tự xét nghiệm mà không cần đến cơ sở y tế.
Mylab CoviSelf sử dụng phương pháp test nhanh dựa trên kháng nguyên. Chúng cho ra kết quả sau 15 phút. Giá thành một bộ xét nghiệm là 250 rupee (khoảng 80.000 đồng).
ICMR khuyến cáo rằng sản phẩm này chỉ áp dụng cho những người có triệu chứng hoặc tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19.
Các bộ xét nghiệm tại nhà đã được Mỹ, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu phê chuẩn. Tuy vậy, hình thức này còn khá mới lạ đối với các quốc gia đang phát triển.
Các chuyên gia y tế coi xét nghiệm tại nhà là biện pháp hữu hiệu nhằm giảm giá thành xét nghiệm, giảm áp lực lên đội ngũ y tế và đưa ra kết quả nhanh chóng. Phương pháp này cũng làm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình xét nghiệm.
Tuy vậy, biện pháp này cũng có một số hạn chế. Tỷ lệ chính xác của việc tự xét nghiệm tại nhà thấp hơn nhiều so với việc được cơ quan y tế xét nghiệm.
Nguyên nhân có thể đến từ bản thân sản phẩm, hoặc người dùng thực hiện sai quy trình lấy mẫu từ dịch mũi hoặc xét nghiệm sai thời điểm.
Phương pháp tự xét nghiệm tại nhà có nhiều hứa hẹn, dù chưa phổ biến ở các nước đang phát triển. Ảnh: Axios. |
Kết quả âm tính giả có thể khiến người được xét nghiệm chủ quan và làm lây lan virus cho nhiều người khác.
Theo một báo cáo được phát hành vào tháng 3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật châu Âu (European CDC) cho rằng phương pháp này có thể bổ sung, nhưng không thể thay thế hoàn toàn các phương pháp xét nghiệm truyền thống.
Tuy vậy, một nghiên cứu của 3 nhà khoa học tại Đại học Harvard khẳng định việc xét nghiệm tại nhà có hiệu quả trong phòng ngừa dịch bệnh. Báo cáo cũng khuyến nghị đây nên được xem là một phần của chiến lược tổng thể chống lại đại dịch Covid-19, theo Indian Express.
“Bộ xét nghiệm nhanh tại nhà là một thành tựu lớn. Nó giúp mọi người có thể xét nghiệm để biết về tình trạng của mình mà không cần phải gặp bác sĩ”, ông Michael Mina, giáo sư Đại học Harvard nhận xét.