"Hệ thống y tế của chúng tôi đang chìm trong khủng hoảng. Nguồn cung oxy ngày càng không thể đáp ứng được nhu cầu, trong khi chúng tôi không còn vaccine", SCMP dẫn lời bác sĩ Samir Kumar Adhikari, người phát ngôn của Bộ Y tế Nepal.
Sự kết hợp của thảm họa
Khi làn sóng Covid-19 thứ hai nhấn chìm Ấn Độ và nước này phải phong tỏa, nhiều người lao động Nepal tại đây đã trở về nước. Một số trong đó đã mang theo biến chủng B.1.617 của virus SARS-CoV-2 trở về Nepal cùng với họ.
Giờ đây, gần 100% ca mắc Covid-19 ở Nepal là do biến chủng này gây ra, theo số liệu từ Bộ Y tế nước này. Trong những tuần tới, khoảng 400.000 người lao động Nepal sẽ tiếp tục trở về. Tuy nhiên, chỉ những người có triệu chứng mới được xét nghiệm do thiếu các thiết bị y tế cần thiết.
Theo SCMP, yếu tố thứ hai khiến dịch Covid-19 ở Nepal tái bùng phát là việc người dân nước này trở nên tự mãn sau đợt dịch đầu tiên. Tâm lý chủ quan của người dân xuất phát từ việc đợt dịch Covid-19 đầu tiên đã tác động nhẹ hơn dự kiến.
Một người đàn ông ném hoa cho người thân của ông, người đã qua đời vì Covid-19. Ảnh: Reuters. |
"Mọi người đã vô cùng bất cẩn", bác sĩ Retiesh Kanojia nói với SCMP. Theo ông, nhiều đám cưới lớn, lễ hội tôn giáo và mít tinh chính trị đã được tổ chức, trong bối cảnh số ca bệnh ở Nepal có xu hướng tăng lên.
Chính hai yếu tố trên, kết hợp với sự nghèo khó và hệ thống y tế yếu kém của Nepal, đã tạo ra một thảm họa nghiêm trọng. Kể từ ngày 1/5, mỗi ngày Nepal đều ghi nhận hơn 7.000 ca mắc mới - gấp vài chục lần số ca trung bình của hai tháng trước đó.
Số người tử vong do Covid-19 ở Nepal cũng tăng đột biến, khi chỉ trong vòng 24 giờ của ngày 19/5, nước này có gần 250 ca tử vong. Trong nhiều tháng trước, trung bình mỗi ngày Nepal chỉ ghi nhận khoảng 5 ca tử vong.
Một điều khác đáng lo ngại hơn là tỷ lệ xét nghiệm dương tính của Nepal ở gần mức 50%, cho thấy Nepal đã thực hiện quá ít xét nghiệm so với mức cần thiết.
"Tỷ lệ dương tính đạt 15% là rất đáng báo động. Vì thế, con số của Nepal là rất lớn", SCMP dẫn lời Sara Beysolow Nyanti, điều phối viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Nepal.
Tình đến ngày 19/5, Nepal đã ghi nhận tổng cộng hơn 480.000 ca mắc và hơn 5.600 ca tử vong do Covid-19. Bên cạnh đó, gần 115.000 người đang bị cách ly, và con số đó vẫn đang tăng nhanh.
"Từ Ấn Độ, cuộc khủng hoảng chuyển sang chúng tôi"
"Trong tuần đầu mắc Covid-19, các triệu chứng thường khá nhẹ, song tình hình sẽ chuyển xấu nhanh chóng và bệnh nhân có thể cần oxy. Chúng tôi lại không thể đáp ứng nhu cầu về oxy của bệnh nhân", bác sĩ Adhikari, người phát ngôn của Bộ Y tế Nepal nói.
Với nguồn cung hạn chế và nhu cầu quá lớn, chính phủ Nepal đã phải giới hạn số bình oxy mỗi bệnh viện được cấp nhằm đảm bảo nguồn oxy được phân phối công bằng. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến cho nhiều bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân mới.
"Chúng tôi có đủ nhân lực để chăm sóc bệnh nhân, nhưng chúng tôi không có đủ oxy", một bệnh viện tư tại Kathmandu đưa ra thông báo.
Một người phụ nữ Nepal nắm chặt hai bình oxy, bên ngoài một nhà máy ở thủ đô Kathmandu, Nepal. Ảnh: Reuters. |
Thông thường, Nepal có thể trông cậy vào nguồn cung oxy, cũng như nhiều nhu yếu phẩm khác, từ Ấn Độ. Song, với cuộc khủng hoảng trong nước, Ấn Độ không có nguồn lực để hỗ trợ.
Ông Adhikari cho biết Ấn Độ đã gửi một số lượng oxy cho Nepal bằng đường tàu hỏa và đường bộ, song điều đó không hề đủ. "Ấn Độ gặp khủng hoảng. Từ Ấn Độ, cuộc khủng hoảng đó chuyển sang chúng tôi", ông nói với SCMP.
Điều phối viên của LHQ cho biết cô cảm thấy "tan nát cõi lòng" khi phải chứng kiến tình cảnh hiện tại của Nepal. "Nepal đang không nhận được sự chú ý của thế giới trong việc chống dịch Covid-19. Đây là quốc gia nghèo nhất và thiệt thòi nhất", bà Nyanti nói.
Bà Nyanti cho rằng mặc dù Ấn Độ có số ca mắc cao kỷ lục, thì hệ thống y tế của Ấn Độ vẫn còn vững chắc hơn của Nepal.
"Nepal đang thật sự cầu xin oxy. Chúng tôi cần nhà máy sản xuất oxy, máy tạo oxy và các bình oxy", bà Nyanti cho biết.