Giới thiệu sản phẩm - dịch vụ mới, nâng cấp quy trình mà vẫn cắt giảm được chi phí và giữ giá vé cạnh tranh là bài toán khó với các hãng hàng không truyền thống.
Qua rồi thời giá rẻ yếu tố “tối hậu”
Tại Việt Nam, thị trường hàng không dân dụng đang nhộn nhịp với 3 mô hình kinh doanh chính: Hàng không truyền thống (FSC), hàng không chi phí thấp (LCC) và hàng không hybrid. Ở bình diện giá vé, FSC bán giá cao nhất, LCC thấp nhất và hybrid hoạt động ở khoảng giữa.
Mô hình hàng không truyền thống vốn có thế mạnh về phục vụ và dịch vụ - yếu tố tối hậu mà cả LCC và hybrid khó có được. Song những thay đổi từ LCC và mô hình hybrid cũng đang khiến các hãng FSC phải thích nghi bằng việc mở rộng khách hàng tới phân khúc bình dân, bên cạnh việc nâng cấp chất lượng dịch vụ, theo một nghiên cứu của Đại học Kinh tế Bucharest (Romania).
Nâng cấp dịch vụ theo tiêu chí xếp hạng của Skytrax hoặc liên kết với các hãng khác nhau là những phương thức tối ưu để hàng không truyền thống giữ vững vị thế. |
Theo Sabre.com, một số hãng FSC nổi tiếng đã thành lập các công ty con chuyên kinh doanh theo mô hình hybrid để cạnh tranh trực tiếp với LCC.
Tại Việt Nam, xét về chiến lược vận hành mô hình truyền thống, Vietnam Airlines Group là thương hiệu đang có các sản phẩm bao phủ đa dạng phân khúc khách hàng. Bên cạnh việc phối hợp triển khai thương hiệu kép với Jetstar Pacific để phục vụ phân khúc giá rẻ, hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines chủ yếu tập trung vào phát triển các dịch vụ trung và cao cấp theo tiêu chuẩn 4 sao Skytrax. Hoạt động này nhằm tạo ra các dịch vụ khác biệt mà các đối thủ LCC và hybrid khó có được.
Hàng không 4 sao trở lên - “hàng hiếm” ở châu Á
Vietnam Airlines với chiến lược về lộ trình hàng không 4 sao - tiệm cận 5 sao đang chứng tỏ vị thế đáng kể tại thị trường Việt Nam cũng như khu vực, khi có chất lượng tương đương với nhiều hãng hàng không lớn, theo Skytrax đánh giá.
Là một trong 10 hãng hàng không truyền thống được gắn 4 sao trở lên tại châu Á, Vietnam Airlines đang cho thấy sự thành công của hãng bay khi liên tục báo lãi lớn trong hoạt động kinh doanh chính.
Năm 2018, hãng thực hiện an toàn hơn 141.300 chuyến bay, vận chuyển 21,9 triệu lượt khách. Doanh thu cả năm của công ty mẹ đạt hơn 73.000 tỷ đồng, với gần 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Quý I năm nay, công ty mẹ Vietnam Airlines tiếp tục phát triển đạt hơn 19.300 tỷ đồng doanh thu và gần 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 36,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, nguồn doanh thu từ phân khúc trung bình và cao là lợi thế cạnh tranh nổi bật của Vietnam Airlines nhờ dịch vụ chất lượng 4 sao. Với việc chiếm đến 81% thị phần khách hàng doanh thu cao, nguồn khách này đã mang lại tăng trưởng 7% cho doanh nghiệp trong 5 năm (2013-2018).
Nguồn khách doanh thu cao là là lợi thế cạnh tranh của Vietnam Airlines. |
Xác định mục tiêu nắm giữ và mở rộng thị phần khách doanh thu trung bình và cao, Vietnam Airlines chủ động đưa ra các cải tiến về dịch vụ để nâng cao trải nghiệm của hành khách. Những điểm mạnh được ưa chuộng của hãng như ghế hạng thương gia có chức năng ngả hoàn toàn thành giường nằm, hay hệ thống giải trí không dây trên máy bay.
Năm vừa qua, Vietnam Airlines tập trung phát triển các hình thức làm thủ tục hàng không tiện lợi, vừa nâng cao trải nghiệm của hành khách, vừa giảm áp lực hạ tầng cho sân bay. Trong đó, nổi bật là dịch vụ làm thủ tục qua điện thoại và quầy làm thủ tục dành riêng cho gia đình có người cao tuổi, trẻ em lần đầu có mặt tại Việt Nam.
Vietnam Airlines cũng học hỏi các hãng hàng không có chất lượng dịch vụ hàng đầu thế giới như Singapore Airlines, Air France, Etihad, Emirates… để ra mắt dịch vụ “Chào đón và đưa dẫn ưu tiên” (Meet and Greet), đem đến cho hành khách trải nghiệm dịch vụ mặt đất thuận tiện.
Nhiều cải tiến về dịch vụ được Vietnam Airlines đưa ra để nâng cao trải nghiệm của hành khách. |
Năm nay, hãng sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 vào các lĩnh vực phục vụ mặt đất và trên không như ra mắt hình thức làm thủ tục lên máy bay mới, phát triển ứng dụng di động, triển khai lắp đặt Internet trên máy bay... Đồng thời, ẩm thực trên chuyến bay cũng là điểm nhấn với chuỗi món ăn chuẩn bị ra mắt do Đại sứ Ẩm thực Luke Nguyễn sáng tạo.
Cùng với đó, hãng dự kiến thay thế các sản phẩm không thân thiện với môi trường thông qua quy cách đóng gói vật tư vật phẩm, thay ống hút nhựa bằng ống hút giấy, nghiên cứu dao thìa dĩa nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm có thể tái chế…
Trong bối cảnh người dân yêu cầu khắt khe cả về giá thành và chất lượng dịch vụ, song vẫn sẵn sàng “chi đậm” nếu trải nghiệm xứng đáng, các hãng hàng không truyền thống vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển dù phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ hybrid và LCC. Nhờ dịch vụ đầy đủ, tiện nghi, mô hình hàng không FSC với chất lượng dịch vụ và trải nghiệm bay “đáng đồng tiền bát gạo” sẽ tiếp tục nắm giữ vị thế riêng.