Thượng Hải từng được coi là hình mẫu chống dịch sau khi hơn 95% cư dân được tiêm chủng đầy đủ và chỉ ghi nhận 400 ca mắc cùng 7 ca tử vong do Covid-19 kể từ lúc đại dịch bùng phát.
Nhưng mọi thứ đã đảo ngược vào ngày 27/2, khi thành phố gần 25 triệu dân bất ngờ tuyên bố sẽ “tách đôi" trong 9 ngày để dập dịch.
South China Morning Post đánh giá Thượng Hải dường như đang đi theo mô hình chống dịch Thâm Quyến - phong tỏa nhanh chóng, ngắn hạn để ngay lập tức dập tắt đợt bùng phát dịch.
“Điều này cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang coi phong tỏa ngắn hạn là một chiến lược tốt hơn khi đối mặt với biến chủng phụ BA.2 của Omicron”, Larry Hu, nhà kinh tế học tại Macquarie Capital, cho biết.
Nhân viên an ninh trong bộ quần áo bảo hộ đứng bên ngoài các cửa hàng thực phẩm ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters. |
“Việc phong tỏa ở Thượng Hải cũng xác nhận rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách 'Zero Covid-19 năng động', ít nhất là cho đến trước Đại hội đảng vào mùa thu này”, ông nói thêm.
Tách đôi để dập dịch
Tại Thượng Hải, theo Tân Hoa xã, lấy sông Hoàng Phố làm ranh giới, từ 5h ngày 28/3 đến 5h ngày 1/4, lệnh phong tỏa tạm thời được áp dụng ở vùng phía đông và nam sông Hoàng Phố (trong đó có quận Phố Đông và các khu vực lân cận) để xét nghiệm PCR.
Sau đó, từ 3h ngày 1/4 đến 3h ngày 5/4, lệnh phong tỏa được áp dụng ở các quận nội thành phía tây sông Hoàng Phố. Người dân được yêu cầu không rời khỏi khu vực địa phương trong khi các phương tiện giao thông không thiết yếu phải dừng hoạt động.
Ông Lư Hồng Châu, người đứng đầu Bệnh viện Nhân dân Thâm Quyến số 3, đánh giá việc xét nghiệm và phân chia thành phố thành hai nửa với sông Hoàng Phố làm ranh giới là cách giúp Thượng Hải không đóng cửa hoàn toàn.
Cách tiếp cận này sẽ có tác động nhỏ hơn đến hoạt động của thành phố khi một bên tiếp tục hoạt động, còn một bên tạm đóng cửa để xét nghiệm.
Người dân nhận thực phẩm trong một khu vực bị phong tỏa ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters. |
Dù vậy, trong bối cảnh số ca mắc tăng hàng ngày, đại dịch và các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Quốc vẫn làm gián đoạn nền kinh tế và sinh kế người dân nước này.
Hôm 29/3, Trung Quốc báo cáo 1.228 ca mắc Covid-19 mới với hầu hết trường hợp được ghi nhận ở tỉnh Cát Lâm - nơi đang chạy đua trong nhiều tuần để kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Cho đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 70.000 người mắc Covid-19 trên khắp 31 tỉnh thành. Hầu hết bệnh nhân được cho là nhiễm Omicron - biến chủng đang lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới.
Hàng chục triệu người cũng được yêu cầu ở yên trong nhà hoặc các địa điểm cách ly khi chính quyền Bắc Kinh kiên quyết duy trì chiến lược "Zero Covid-19 năng động". Nhiều công ty phải tạm ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, gây sức ép lên nền kinh tế.
Hôm 29/3, các quan chức tỉnh Cát Lâm đã phải đứng ra xin lỗi sau khi đóng cửa hai chợ rau lớn ở Trường Xuân - thủ phủ của tỉnh - khiến nguồn cung thực phẩm này tới nhiều hộ gia đình gặp khó khăn.
Trước những thách thức đó, chính phủ Thượng Hải đã ban hành chính sách, từ cắt giảm tiền thuê nhà cho đến hoàn thuế, để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ “sống sót” sau cuộc khủng hoảng.
Điều chỉnh tiệm cận dần với thế giới
Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi “kiên trì” và “trách nhiệm” trong việc thực hiện chính sách “Zero Covid-19 năng động", nhưng nhấn mạnh ông muốn giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế và xã hội.
Điều này cho thấy mặc dù Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chiến lược “Zero Covid-19”, nước này sẽ không còn tìm cách chống dịch bằng mọi giá, mà chuyển sang tìm kiếm sự cân bằng tốt hơn giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh đó, mô hình phong tỏa ngắn ngày tại Thâm Quyến và Thượng Hải sẽ là công cụ hữu ích đối với Bắc Kinh. Bởi so với các biện pháp phong tỏa kéo dài nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng, từng được áp đặt ở địa phương khác, đợt phong tỏa 9 ngày hai giai đoạn tại Thượng Hải ngắn và để lại ít tác động hơn nhiều.
Thượng Hải thông báo sẽ phong tỏa ngắn ngày để tiến hành xét nghiệm hàng loạt. Ảnh: Reuters. |
Ding Shuang, một nhà kinh tế tại Standard Chartered, nhận định chính sách “Zero Covid-19 năng động" có thể sẽ được duy trì cho đến khi diễn ra Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm ngăn chặn dịch bùng phát. Nhưng chính sách này có thể được điều chỉnh để giảm bớt tác động kinh tế của nó.
“(Trung Quốc) đang chuẩn bị cho bước cuối cùng là thoát khỏi 'Zero Covid-19'”, ông Ding nói. “Bắc Kinh có khả năng sẽ điều chỉnh các biện pháp kiểm soát dựa trên kinh nghiệm của những nước khác đang sống chung với virus như Singapore”.
Trung Quốc đã và đang điều chỉnh chính sách Covid-19 của mình để giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế. Sự thay đổi này được thể hiện qua “Phương án chẩn đoán và điều trị Covid-19” phiên bản thứ 9 công bố ngày 15/3.
Theo đó, các trường hợp nhẹ không còn phải điều trị tại các bệnh viện chỉ định mà chỉ cách ly tập trung. Người nhiễm bệnh sau khi ra khỏi diện quản lý hoặc xuất viện, chỉ cần tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, thay vì bị cách ly và theo dõi sức khỏe 14 ngày. Cách làm này không chỉ rút ngắn thời gian, mà còn cho thấy sự giảm cường độ giám sát đối với người dương tính.
Cùng với việc cho phép người dân tự xét nghiệm bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên, các biện pháp nới lỏng mới được đánh giá là giúp giảm gánh nặng cho các bệnh viện và nguồn lực y tế, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với cuộc sống của người dân.
Các chuyên gia y tế cũng xác định những điều kiện tiên quyết để từ bỏ chính sách "Zero Covid-19", bao gồm đạt tỷ lệ tiêm chủng cao cho người già, tăng cường công suất điều trị tại bệnh viện và đảm bảo nguồn cung thuốc, như lô thuốc Paxlovid điều trị Covid-19 của Pfizer được Trung Quốc phê duyệt sử dụng khẩn cấp vào tháng 2.