Việc ông Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng tạo ra hai trạng thái đối lập cho Bắc Kinh. Một mặt, quan điểm cứng rắn của ông Trump khi tranh cử cùng những hành động lúc mới đắc cử, như cú điện thoại với nhà lãnh đạo Đài Loan và mới đây là thương vụ vũ khí với Đài Bắc khiến giới chức Trung Quốc lo lắng.
Mặt khác, những yếu tố như phong cách đặc trưng doanh nhân của ông Trump, vai trò của những người thân cận và có quan điểm thân thiện với Trung Quốc như người con rể Jared Kushner, và việc Trump chán ghét hiệp định TPP, là những điểm tích cực để Bắc Kinh đặt hy vọng.
Chủ tịch Tập Cận Bình từng tiếp đón Tổng thống Trump trọng thị hồi đầu tháng 11. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, chiến lược an ninh quốc gia (NSS) mà chính quyền Trump công bố mới đây đã tuyên bố về một kỷ nguyên đối đầu mới, trong đó Trung Quốc bị gọi là một cường quốc đối thủ xét lại. Đây được xem là một tuyên bố mạnh mẽ, cũng như sự thừa nhận (dẫu muộn) rằng luôn tồn tại một sự đối đầu căn bản giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sự thay đổi ở cả hai bên
Trong quá khứ, những tuyên bố chính sách thường mang nhiều hàm ý và cố gắng vạch ra ánh sáng hy vọng cho tiềm năng hợp tác Mỹ - Trung. Tuy nhiên, nhiều người ở Washington và các nước phương Tây cho rằng những cử chỉ thân thiện này bị Trung Quốc phớt lờ.
Sự thay đổi thái độ từ phía Mỹ đặt trong bối cảnh là Đại hội Đảng lần 19 của Trung Quốc vừa kết thúc cách đây hai tháng đã tuyên bố về một kỷ nguyên mới của một Trung Quốc mạnh mẽ và tự tin. Điều này trái ngược với quan điểm của Đặng Tiểu Bình về sự khiêm nhường và cần thời gian.
Trên thực tế, quan điểm của các lãnh đạo ở Bắc Kinh hiện nay cho rằng lời khuyên này không cần thiết nữa. Chiến lược an ninh mới của Mỹ cũng chỉ thẳng thắn chỉ ra một điểm nổi bật trong sự trỗi dậy của Trung Quốc, đó là không phải quá trình trỗi dậy hoà bình như cách Bắc Kinh muốn thế giới tin vào.
Do vậy, sự thay đổi thái độ của Mỹ phản ánh vừa cả sự thất vọng nội bộ về những kết quả sau 3 thập kỷ gắn kết với Trung Quốc; cũng như phản ánh khao khát của Bắc Kinh là không cần kiềm chế trong chính sách đối ngoại nữa.
Vấn đề Đài Loan là một điểm cần quan tâm trong NSS mới. Sau cuộc bầu cử ở đảo này vào năm ngoái, thái độ của Bắc Kinh với chính quyền mới ở Đài Loan bỗng vô cùng quyết liệt. Bắc Kinh được cho là cũng gạt bỏ mọi nỗ lực từ Đài Bắc trong việc duy trì sự gắn kết mang tính xây dựng với những vấn đề lợi ích chung. Áp lực từ Bắc Kinh với Đài Loan chẳng những không tạo ra kết quả đột phá nào, mà còn khiến Washington dè chừng.
Một cuộc tập trận của lực lượng pháo binh Đài Loan hồi năm 2015. Ảnh: Reuters. |
Mỹ khẳng định quan hệ với Đài Loan
Ý định của Bắc Kinh là mong muốn như trở lại giai đoạn khuôn khổ quan hệ Trung - Mỹ - Đài hồi giữa thập niên 2000, hy vọng Washington sẽ xem Đài Loan như phía gây rối. Tuy nhiên, lịch sử không lặp lại mà còn giúp Đài Loan được đề cập trong NSS của Trump, trong phần nêu lên những hành động ưu tiên của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Chúng ta vẫn duy trì mối quan hệ mạnh mẽ với Đài Loan trên tinh thần tuân thủ chính sách Một Trung Quốc, cũng như Đạo luật Quan hệ với Đài Loan tạo điều kiện hợp pháp để cung cấp cho Đài Loan về nhu cầu quốc phòng và đối phó đe doạ”, NSS viết.
Trên thực tế, đây không phải nội dung hoàn toàn mới và đó là chính sách lâu nay của Mỹ. Tuy nhiên, nó hiếm khi được đề cập công khai trong một văn bản chính sách chính thức của Mỹ.
Cách tiếp cận của Bắc Kinh với Đài Loan phản ánh thái độ của nước này với những bên khác trong khu vực. Sự tự tin của Bắc Kinh thường dẫn đến những tuyên bố vụng về, càng làm củng cố sự ngờ vực về những ý định của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự quanh biên giới cũng tạo ra cảm giác hoài nghi tương tự. Việc Không quân Trung Quốc tăng cường điều máy bay ném bom tầm xa bay quanh đảo Đài Loan, cũng như việc Đài Loan thử nghiệm hệ thống phòng không đã gửi tín hiệu cảnh báo đến Mỹ và Nhật Bản.
Vào những ngày đầu tiên, chính quyền Trump có thể đã gửi đi tín hiệu khác chủ yếu do đội ngũ của ông thiếu kinh nghiệm về vấn đề châu Á. Tuy nhiên, bản chính sách NSS được viết một cách cẩn trọng và không mơ hồ về Đài Loan là thông điệp rõ ràng rằng Mỹ không thay đổi chính sách; ngoại trừ việc Bắc Kinh có thể thấy Washington sẽ tích cực gắn kết với Đài Bắc hơn nữa.
Do vậy, chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ đặt quan hệ Mỹ - Trung ra khỏi vòng mơ hồ, phản ánh sự thay đổi về thái độ trong vòng tròn hoạch định chính sách quốc phòng và đối ngoại Mỹ đã diễn ra lâu nay, ngay cả trước khi ông Trump trở thành ứng viên tổng thống chính thức.