Tổng thống Mỹ ngày 18/12 công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, nỗ lực toàn diện đầu tiên của chính quyền Trump trong việc mô tả thế giới quan chiến lược một cách bao trùm. So với chiến lược an ninh quốc gia thời Tổng thống Barack Obama, cách nhìn nhận về Trung Quốc dưới thời Trump có sự thay đổi đáng kể.
Nêu đích danh Trung Quốc là đối thủ
Dưới thời Obama, trong chiến lược công bố tháng 2/2015, Mỹ tuy chỉ ra những dấu hiệu cạnh tranh từ Trung Quốc nhưng vẫn chủ trương thúc đẩy hợp tác trên những lĩnh vực có lợi ích chung.
“Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc ổn định, hòa bình và phồn vinh. Chúng ta theo đuổi phát triển mối quan hệ xây dựng với Trung Quốc để mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước và thúc đẩy an ninh và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới", chiến lược năm 2015 viết về Trung Quốc.
Quan điểm đó ngay lập tức bị bác bỏ trong chiến lược an ninh quốc gia (NSS) mới của Washington: "Trong nhiều thập kỷ, chính sách của Mỹ bắt nguồn từ hy vọng rằng ủng hộ Trung Quốc trỗi dậy và hội nhập vào trật tự quốc tế sau chiến tranh sẽ giúp tự do hóa Trung Quốc. Trái với hy vọng của chúng ta, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng theo cách làm tổn hại đến chủ quyền các nước khác".
Tài liệu nhắc tới Trung Quốc như là một "cường quốc xét lại" bên cạnh Nga, chỉ đích danh đây là một trong 3 thách thức an ninh căn bản của Mỹ ngày nay (ngoài Trung, Nga là Iran, Triều Tiên và chủ nghĩa khủng bố). Tài liệu cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách "thay thế Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương", sắp xếp lại trật tự khu vực vì lợi ích của mình, liệt kê hàng loạt vấn đề như thâm hụt thương mại, trộm cắp dữ liệu, Biển Đông...
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới. Ảnh: Getty. |
NSS của Trump đánh giá rằng Trung Quốc và Nga "đang có ý đồ làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ". Cách tiếp cận có phần cực đoan này cho thấy sự chuyển hướng so với quan điểm trước đây, rằng Trung Quốc chỉ hành động chống lại Mỹ khi Washington ngáng chân Bắc Kinh theo đuổi các sáng kiến của mình, Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc, nói với SCMP.
Phiên bản NSS năm 2017 của Tổng thống Trump bao gồm những lời lẽ gay gắt và trực tiếp khi đề cập Trung Quốc: “Mặc dù Mỹ theo đuổi việc tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đang sử dụng việc mua chuộc và trừng phạt kinh tế, các hoạt động mở rộng ảnh hưởng và đe dọa ngầm bằng quân sự để lôi kéo các quốc gia khác ủng hộ nghị trình chính trị và an ninh của họ".
Bản báo cáo 55 trang cũng lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc ở Biển Đông: "Sự đầu tư cơ sở hạ tầng và những chiến lược thương mại của Trung Quốc củng cố cho tham vọng địa chính trị của họ. Nỗ lực của họ trong việc xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông đe dọa dòng chảy tự do của thương mại, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và làm xói mòn sự ổn định trong khu vực".
Bản đánh giá cho hay Trung Quốc đã phát động chiến dịch hiện đại hóa quân đội để hạn chế sự tiếp cận của Mỹ trong khu vực và cho phép Trung Quốc tùy nghi hoạt động nhiều hơn ở đó.
"Trung Quốc nói những tham vọng của họ là mang lại lợi ích đôi bên, nhưng sự bành trướng của Trung Quốc có nguy cơ làm xói mòn chủ quyền của nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" báo cáo nhấn mạnh. "Các quốc gia ở khắp khu vực đang kêu gọi về sự lãnh đạo xuyên suốt của Mỹ nhằm duy trì trật tự khu vực với sự tôn trọng chủ quyền và độc lập”.
NSS mới cũng lên án tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc, nêu nghi vấn về các công dân Trung Quốc đại lục làm việc tại các công ty công nghệ cao của Mỹ và sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ.
"Đây là đòn đánh lớn đầu tiên của Trump nhằm vào tình hình nhân quyền của Trung Quốc, ông lấy đó làm một công cụ trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh", Daly nhận định. "Điều này xoa dịu thực tế trước đây cho rằng ông Trump không quan tâm tới nhân quyền".
Mỹ - Trung bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hơn
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Trump ra lệnh tiến hành nhiều cuộc điều tra về hoạt động thương mại và đầu tư của Trung Quốc, trong khi các nghị sĩ Mỹ thúc đẩy các biện pháp thắt chặt kiểm soát hoạt động đầu tư của các công ty Trung Quốc ở Mỹ. Giới chuyên gia đánh giá đây là tín hiệu cho thấy sự chuyển hướng của Washington sau gần 3 thập kỷ tăng cường hợp tác kinh tế với Bắc Kinh.
"Chúng ta đang bước vào giai đoạn thứ ba của quan hệ, Mỹ một lần nữa nhìn nhận Trung Quốc về cơ bản là một đối thủ chiến lược về cả an ninh và kinh tế", David Lampton, giáo sư đồng thời là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Johns Hopkins, cho hay.
Giai đoạn đầu tiên bắt đầu khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ nhằm chống lại ảnh hưởng của Liên Xô. Giai đoạn thứ hai bắt đầu vào đầu thập niên 1990, George H.W. Bush đẩy mạnh hợp tác thương mại giữa hai nước, chính sách này phù hợp với chính sách cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo Trung Quốc thời kỳ đó. Sự phối hợp của chính sách đôi bên mở ra mối quan hệ thương mại hai chiều cho hai nước. Trao đổi thương mại Mỹ-Trung tăng tới gần 580 tỷ USD năm 2016, tuy nhiên chênh lệch tới 250 tỷ USD theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Trump đã sử dụng số liệu về mức thâm hụt thương mại đó như một thứ vũ khí chính trị để đối đầu với các ứng viên khác trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, trong đó có Hillary Clinton. Tỷ phú New York khẳng định rằng quan hệ với Trung Quốc đã lấy đi "hàng triệu" việc làm của nước Mỹ. Ông lặp đi lặp lại tuyên bố này trong các phát biểu trên truyền hình, và luận điểm này tiếp tục xuất hiện trong chiến lược an ninh quốc gia mới.
Tổng thống Donald Trump tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida hồi tháng 4. Ảnh: Reuters. |
Những cảnh báo mới của Tổng thống Trump về Trung Quốc cũng lần đầu tiên nhắc đến đánh giá trong báo cáo công bố gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ. Báo cáo cho hay Mỹ "không chỉ có nguy cơ để mất ưu thế về công nghệ mà thậm chí còn tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng cường ưu thế công nghệ".
Tài liệu 49 trang của Bộ Quốc phòng Mỹ có tiêu đề "Chiến lược chuyển giao công nghệ của Trung Quốc: Làm thế nào đầu tư vào công nghệ mới nổi giúp Trung Quốc trở thành đối thủ chiến lược đe dọa vị thế Mỹ". Tài liệu nhấn mạnh sự chuyển giao công nghệ của Trung Quốc không chỉ tiến hành thông qua các hành vi đánh cắp thông tin hay tấn công mạng, mà còn qua các trung tâm nghiên cứu và đầu tư mạo hiểm, kiểu như Viện nghiên cứu về Deep learning của Baidu (vốn mệnh danh là Google của Trung Quốc) đặt tại thung lũng Silicon.
"Nói hai nước bước vào một kỷ nguyên mới có nghĩa là mối quan hệ Mỹ-Trung về cơ bản đang là mối quan hệ cạnh tranh và có thể chứng kiến nhiều sự đối đầu hơn nữa", theo ông Daly.
Lời nói có chuyển thành hành động?
Chính quyền Tổng thống Donald Trump trên thực tế đã thúc đẩy các nỗ lực nhằm kiềm chế hoạt động hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông. "Chúng ta đang chứng kiến nhiều hành động cụ thể hơn" cho thấy nỗ lực của Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc thách thức tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Bắc Kinh, Dean Cheng, nghiên cứu viên cao cấp của Heritage Foundation có trụ sở tại Washington, cho hay.
Chính quyền Trump đã phê chuẩn cho Hải quân Mỹ tiến hành "ít nhất 4 (cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở trong và xung quanh quần đảo Trường Sa", ông Cheng nói. "4 cuộc tuần tra trong vòng 11 tháng nhiệm kỳ của Trump đến nay là bằng với số cuộc tuần tra trong cả 4 năm của chính quyền trước. Bắc Kinh chắc chắn là không thể vui về điều này".
Tàu khu trục USS John S. McCain của Mỹ hoạt động ở Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn đặt câu hỏi liệu ông Trump có thể biến những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc thành hành động mạnh mẽ trên thực tế hay không, căn cứ vào sự bất nhất của Washington trong chính sách với Trung Quốc cũng như nhiều lĩnh vực khác.
Ví dụ như khi tranh cử hồi năm ngoái, Trump cam kết sẽ gán cho Trung Quốc cái mác là nước "thao túng tiền tệ", nhưng sau khi bắt đầu có những liên hệ trực tiếp với ông Tập Cận Bình thì Trump từ bỏ cam kết này.
Các tổng thống khác của Mỹ, đặc biệt là Bill Clinton và George W. Bush, cũng từng rút lui khỏi những cam kết cứng rắn với Bắc Kinh. Bush con nhận ra rằng ông cần sự ủng hộ của Trung Quốc về kinh tế và ngoại giao đối với cuộc chiến chống khủng bố, sau vụ tấn công lịch sử ngày 11/9.
"Vấn đề là liệu Trump có hiện thực hóa được những lời nói hào sảng này hành động hay không", chuyên gia Lampton đặt câu hỏi. "Nếu ông ấy làm được, thì nó sẽ đánh dấu giai đoạn thứ ba trong quan hệ Mỹ với Trung Quốc kể từ thời Nixon. Nếu không, Trump cũng chỉ giống như George W. Bush, người mới đầu nhanh chóng hứa hẹn nhưng sau đã phải thừa nhận mình cần Trung Quốc".
"Có thể rồi Trump cũng sẽ nhận ra ông ấy cần đến Trung Quốc", Lampton nhận định.