Chiến lược biển đảo của Trung Quốc: 'Thay đổi nguyên trạng’
Đặc điểm nổi bật nhất của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo năm nay là “thay đổi nguyên trạng”, hay nói một cách nôm na là “biến không thành có”.
Tàu Hải giám Trung Quốc liên tục thách thức tàu tuần duyên Nhật Bản ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. |
Theo giáo sư Mỹ M. Taylor Fravel, trong các vụ tranh chấp với Philippines và Nhật Bản, Bắc Kinh đã sử dụng sự hiện diện của các cơ quan dân sự thực thi pháp luật để tạo ra các tình huống mới trên biển nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Trước tháng 4/2012, cả Trung Quốc lẫn Philippines đều không duy trì một sự hiện diện thường trực tại bãi đá ngầm Scarborough. Ngư dân của Philippines, Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc vẫn hoạt động trong và xung quanh các rạng san hô lớn. Trong quá khứ, đặc biệt là vào cuối năm 1990 và đầu những năm 2000, Hải quân Philippines đã bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở bên trong bãi đá ngầm Scarborough. Kể từ đó, lực lượng tuần tra Trung Quốc đã đến bãi đá ngầm Scarborough, nhưng không nỗ lực kiểm soát hiệu bãi đá ngầm này cũng như vùng biển xung quanh.
Tình hình đã thay đổi sau khi có sự đối đầu liên quan đến chủ quyền đối với bãi đá ngầm Scarborough. Tranh chấp bắt đầu vào tháng 4/2012, khi Hải quân Philippines tìm cách bắt giữ ngư dân Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực đầm phá này. Sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu, hai tàu Hải giám Trung Quốc (CMS) đã đến hiện trường, chặn lối vào đầm phá và không cho bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Sau khi các tàu đánh cá rời khỏi khu vực, tàu công vụ của cả hai bên vẫn ở lại để bảo vệ tuyên bố chủ quyền đối với bãi đã ngầm Scarborough. Đến cuối tháng 5, Trung Quốc đã triển khai ở khu vực này tới 7 tàu Hải giám và Ngư chính.
Vào đầu tháng 6, phía Philippines thông báo đã đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc, trong đó qui định hai bên cùng rút hết tàu khỏi khu vực tranh chấp. Mặc dù Trung Quốc không bao giờ công khai xác nhận sự tồn tại của thỏa thuận như vậy, hồi giữa tháng 6, tàu của cả hai bên đều đã rút khỏi vùng biển Scarborough, khi một cơn bão đang đến gần. Tuy nhiên, sau đó, tàu Trung Quốc đã quay trở lại và kể từ đó, duy trì một sự hiện diện thường trực tại các vùng biển quanh bãi đá ngầm. Trung Quốc cũng đã căng dây chắn lối duy nhất vào bên trong bãi đá ngầm Scarborough.
Trước khi xảy ra đối đầu, Trung Quốc không hề có sự hiện diện thường trực tại bãi đá ngầm Scarborough. Ba tháng sau, Trung Quốc đã kiểm soát trên thực tế bãi đá ngầm này và các vùng biển xung quanh, qua đó làm thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho mình. Trong một bài xã luận, tờ Global Times khẳng định Trung Quốc “đã củng cố kiểm soát trực tiếp” bãi đá ngầm này.
Một động thái tương tự hiển đang được tiến hành ở Biển Hoa Đông, liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước khi chính phủ Nhật “quốc hữu hóa” của ba trong số các đảo nhỏ của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong tháng 9/2012, tàu công vụ Trung Quốc đã tránh đi vào giới hạn 12 hải lý của lãnh hải xung quanh các đảo của Nhật Bản. Dường như, Trung Quốc và Nhật Bản đã có một thỏa thuận ngầm từ giữa những năm 2000 về việc hạn chế sự hiện diện của tàu và công dân gần các hòn đảo nói trên, trong một nỗ lực tránh xung đột leo thang.
Hồi tháng 9/2010, vụ bắt giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm giới hạn 12 hải lý và sau đó đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản. Một trong số các phản ứng của Trung Quốc là tăng số lượng các vụ tuần tra, do các tàu Hải giám và Ngư chính thực hiện, ở các vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Khi đó, các tàu công vụ Trung Quốc chỉ hoạt động ở vùng biển giáp ranh lãnh hải Nhật Bản và đôi khi chỉ xâm phạm trong một thời gian ngắn ngủi. Trên thực tế, phía Trung Quốc đã chấp nhận sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các vùng biển xung quanh (theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển).
Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản “quốc hữu hóa” ba trong số các hòn đảo của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã từ bỏ cách tiếp cận này. Thứ nhất, Trung Quốc đã ban hành đường cơ sở để đòi hỏi chủ quyền đối với các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và sau đó bắt đầu tiến hành tuần tra gần như hàng ngày trong những vùng biển mới được tuyên bố chủ quyền, trực tiếp thách thức sự kiểm soát của Nhật Bản. Các cuộc tuần tra này nhằm hai mục đích: để chứng minh rằng việc Nhật Bản mua lại các hòn đảo sẽ không ảnh hưởng đến các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và thách thức quan điểm của Nhật Bản là không có tranh chấp về chủ quyền các hòn đảo nói trên.
Mặc dù không kiểm soát các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, Trung Quốc hiện không còn chấp nhận sự kiểm soát trên thực tế của Nhật Bản. Ngày 31/10, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng một hiện trạng mới đã được tạo ra. Sau khi mô tả các vụ tuần tra của Trung Quốc là "thường xuyên", phát ngôn viên Hồng Lỗi nói rằng "phía Nhật Bản phải đối mặt với thực tế rằng một sự thay đổi cơ bản đã xảy ra ở quần đảo Điếu Ngư".
Trong cả hai trường hợp, Bắc Kinh đều hậu thuẫn cho những yêu sách bằng sự hiện diện cơ bắp nhằm củng cố lập trường của Trung Quốc và ngăn chặn mọi thách thức hơn nữa của đối phương. Những phản ứng này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng hành động đơn phương để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của nước này.
Theo Đất Việt