Trung Quốc bổ nhiệm tư lệnh biển Hoa Đông
Nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Sái Anh Đĩnh, 58 tuổi, đã chính thức nhậm chức Tư lệnh Quân khu Nam Kinh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Mạng tin Sankei của Nhật Bản dẫn nguồn tin trang web Mạng tài chính mới của Trung Quốc hôm qua cho biết, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Sái Anh Đĩnh, 58 tuổi, đã chính thức nhậm chức Tư lệnh Quân khu Nam Kinh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Ông Sái Anh Đĩnh. |
Quân khu Nam Kinh là đơn vị quân đội có nhiệm vụ chủ yếu là đảm bảo an ninh trên biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và bộ phận tác chiến chống vùng lãnh thổ Đài Loan.
Ông Sái Anh Đĩnh được cho là người khá thông hiểu tình hình Eo biển Đài Loan và vùng biển xung quanh trên cương vị tư lệnh quân khu này.
Trong chuyến thăm Mỹ trên cương vị phó tổng tham mưu trưởng hồi tháng 8 vừa qua, ông Sái Anh Đĩnh đã phản đối mạnh mẽ lập trường của Mỹ coi Senkaku là đối tượng điều chỉnh của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ.
Liên quan đến các quan chức Trung Quốc, gần đây báo giới nước này thường xuyên đăng tải hình ảnh tái xuất bất thường của một số cựu lãnh đạo, gây tò mò cho dư luận quốc tế.
Ở Trung Quốc, các lãnh đạo sau khi nghỉ hưu thường hiếm khi xuất hiện trước công chúng ngoại trừ những sự kiện như Quốc khánh. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, các cựu lãnh đạo Lý Bằng, Chu Dung Cơ và Giang Trạch Dân đã liên tục lộ diện. Các nhà phân tích cho rằng động thái này cho thấy các cựu lãnh đạo vẫn nắm quyền lực đáng kể và muốn tác động vào các quyết định trước đại hội lần thứ 18, dự kiến khai mạc vào ngày 8/11.
Giáo sư Lưu Khang, chuyên nghiên cứu về châu Á và Trung Đông thuộc Đại học Duke – Mỹ, nhận xét sự xuất hiện của ông Lý cho thấy sự khó khăn và phức tạp của quá trình chuyển giao lãnh đạo ở Trung Quốc cũng như các quyết định về chính sách.
“Sự xuất hiện của ông Lý Bằng có thể gián tiếp gửi đi một thông điệp rằng sự giằng co về các chức vụ và các chủ thuyết vẫn đang diễn ra. Đây cũng là bằng chứng rằng cuộc tranh đấu hậu trường diễn ra quyết liệt hơn là chúng ta tưởng”, ông Lưu nói.
Một nhà phân tích chính trị ở Trung Quốc Trương Lý Phiên nhận xét: “Sự xuất hiện này dù vô tình hay hữu ý, ngụ ý rằng không phải tất cả các vấn đề quan trọng đều đã được chốt lại và rằng họ xuất hiện để yểm trợ cho những đồng minh của họ hay bày tỏ ủng hộ những chính sách mà họ muốn”.
Theo ông Trương, ông Giang và ông Lý là hai nhà cựu lãnh đạo có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc. Cả hai đều được báo chí đưa tin nhiều trong thời gian gần đây và không che giấu ý muốn tác động vào các quyết định quan trọng.
Theo Vietnamplus