Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến thăm nhà sản xuất ôtô điện BYD. Ảnh: CCTV |
Vào hôm 24/3, trong cuộc họp của nội các mới, Thủ tướng Lý Cường tiếp tục cam kết tập trung vào nền kinh tế thực bằng cách thúc đẩy khu vực tư nhân và ổn định đầu tư nước ngoài, South China Morning Post đưa tin.
Trước đó, ông Lý đã đến thăm trung tâm xuất khẩu phía nam của tỉnh Quảng Đông vào hôm 23/3, theo các nguồn tin.
Động thái này diễn ra sau chuyến đi đến tỉnh Hồ Nam vào hôm 21-22/3 để thăm các công ty như nhà sản xuất ôtô điện BYD và nhà cung cấp Lens Technology của Apple.
Phát biểu trước các giám đốc điều hành, bao gồm cả giám đốc Xiaomi Lei Jun, ở tỉnh Hồ Nam, tân thủ tướng Trung Quốc cho biết đã có những thay đổi lớn trong nước và quốc tế nhưng sản xuất vẫn là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế thực của đất nước.
“Khi tình hình trong và ngoài nước trải qua những thay đổi phức tạp và sâu sắc, sự phát triển của ngành sản xuất Trung Quốc đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng và những nỗ lực để củng cố ngành này phải được tăng cường”, Reuters dẫn lời ông.
Ông Lý kêu gọi các giám đốc điều hành “thúc đẩy sự độc lập và tự lực về công nghệ ở mức độ cao, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi và nâng cấp các ngành sản xuất truyền thống”.
Thủ tướng Trung Quốc cũng cam kết sẽ tạo ra môi trường thân thiện với doanh nghiệp cùng các chính sách định hướng thị trường và dựa trên luật pháp, đồng thời hỗ trợ chính sách để thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất tiên tiến.
Ngoài ra, ông Lý kêu gọi các doanh nghiệp giúp chuyển trọng tâm từ sản xuất sang đổi mới và từ sản phẩm sang thương hiệu, liên quan đến sự thay đổi từ “Made in China” thành “Created in China”.
Các công ty nên "đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và chuyển dịch hoạt động chế tạo thành sáng tạo và sản phẩm Trung Quốc thành thương hiệu Trung Quốc", ông nói.
Tân Thủ tướng Lý Cường (63 tuổi), thành viên đứng thứ hai trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ban Thường vụ Bộ Chính trị, đảm nhận công việc điều hành sự phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc, khi nước này đối mặt với một loạt thách thức trong nước và quốc tế.
Quốc gia này đang phải vật lộn với tình trạng xuất khẩu sụt giảm và căng thẳng leo thang với Mỹ cùng các đồng minh.
Năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi đại dịch chỉ tăng trưởng 3% - mức thấp thứ hai kể từ năm 1976. Năm nay, Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu khoảng 5%.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.