Ngày 6/4, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở ở Washington, Mỹ) cho biết chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc đã xuất hiện rõ ràng trên hình ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm hôm 29/3.
Giám đốc AMTI Greg Poling cho biết đây không phải lần đầu Trung Quốc điều J-11 đến Biển Đông, nhưng là lần đầu tiên trong năm nay.
"Có thể còn nhiều "máy bay" trong nhà để máy bay gần đó", Reuters dẫn lời ông Poling nói tiếp, liên quan đến việc chỉ có một chiếc máy bay xuất hiện trong hình ảnh vệ tinh.
Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 29/3 cho thấy một chiếc máy bay đậu trên đường băng do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: AMTI.
|
Thông tin về việc Trung Quốc điều động máy bay ra Biển Đông xuất hiện ngay trước thềm cuộc gặp lần đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Tập đã đến Mỹ để bắt đầu cuộc gặp diễn ra trong 2 ngày 6 và 7/4.
Reuters cho biết chưa liên hệ ngay được với Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington để yêu cầu bình luận. Một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng việc chiến đấu cơ xuất hiện trên đảo Phú Lâm là điều đoán trước được.
"Nơi đó đã bị quân sự hóa nặng nề. Việc chúng ta thấy máy bay quân sự không có gì bất ngờ", ông nói.
Trong năm 2016, Trung Quốc từng điều động chiến đấu cơ J-11, JH-7 và tên lửa HQ-9 đến đảo Phú Lâm, ngang nhiên đưa binh lính và gia đình đến sinh sống tại đây.
Phú Lâm là hòn đảo lớn nhất trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp. Bắc Kinh tiến hành xây dựng đường băng phi pháp trên Phú Lâm từ đầu những năm 1990.
Các công trình Trung Quốc xây dựng phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đồ họa: CSIS/AMTI. Việt hóa: Phương Thảo. |
Các quan chức Mỹ từng cho rằng các cuộc điều động chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm của Bắc Kinh là một phần trong xu hướng quân sự hóa các đảo và làm dấy lên câu hỏi về ý định của Bắc Kinh tại Biển Đông, tuyến giao thương hàng hải quan trọng.