Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 30/3, trả lời câu hỏi của Zing.vn về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Bắc Kinh sắp hoàn thiện những công trình quân sự lớn trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông và sẵn sàng triển khai vũ khí tới đây bất kỳ lúc nào, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ:
"Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin này. Việt Nam khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
"Các bên liên quan cần tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình cũng như đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông", ông Hải Bình nói thêm.
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc và Phillippines sắp tổ chức đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông, người phát ngôn cho biết quan điểm nhất quán của Việt Nam là hoan nghênh các bên tranh chấp giải quyết bằng hòa bình tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
"Đối với tranh chấp liên quan đến 2 bên thì giải quyết bằng song phương, tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì phải có sự tham gia của các bên", ông Lê Hải Bình nói.
Ông Lê Hải Bình phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ cuối cùng với tư cách người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 30/3. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Về kỳ vọng của Việt Nam đối với việc xây dựng, hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được các thành viên ASEAN bàn thảo ở Siem Riep, Campuchia, ông Lê Hải Bình khẳng định "lợi ích chung của các nước ASEAN và cộng đồng ASEAN là duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực Biển Đông".
"Trên cở sở đó, các nước ASEAN trong đó có Việt Nam, luôn nhất trí cần có 1 bộ quy tắc COC nhằm dảm bảo an toàn, an ninh, tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở tuân thủ các quy tắc của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước luật biển 1982".
Trước đó, trong một báo cáo công bố hôm 27/3, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ nhận định Trung Quốc dường như sắp hoàn thành những công trình quân sự lớn trên 3 đảo nhân tạo phi pháp lớn nhất ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ ba đảo nhân tạo phi pháp kể trên bao gồm đá Xu Bi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa. AMTI cảnh báo Bắc Kinh có thể điều động chiến đấu cơ cũng như trang thiết bị quân sự tới đây bất cứ lúc nào.
AMTI đưa ra phân tích trên dựa trên các ảnh vệ tinh chụp trong tháng này. Giám đốc AMTI Gregory Poling cho thấy sự xuất hiện của tháp radar mới trên đá Chữ Thập và Xu Bi.
Theo đánh giá của tổ chức này, với các căn cứ không quân tại 3 đảo nhân tạo phi pháp lớn nhất ở quần đảo Trường Sa và một căn cứ ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, máy bay quân sự của Trung Quốc sẽ có thể hoạt động gần như trên toàn bộ Biển Đông.
7 cấu trúc nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồ họa: NYT. |
Theo AMTI, các hệ thống radar cảnh báo sớm và giám sát tiên tiến trên đá Chữ Thập, Xu Bi, Châu Viên và đảo Phú Lâm, cùng những hệ thống quy mô nhỏ hơn ở nơi khác tạo nên mạng lưới radar bao trùm khu vực. Trung Quốc đưa các tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm cách đây hơn 1 năm và đã đưa các tên lửa hành trình chống hạm ra đó ít nhất một lần.
Bắc Kinh còn xây dựng những nhà chứa máy bay chắc chắn, có mái che di động, để có thể chứa bệ phóng tên lửa di động trên đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn, cùng với nhiều hầm chứa trên đá Chữ Thập để đủ chỗ cho 24 máy bay chiến đấu và 3 máy bay cỡ lớn, bao gồm máy bay ném bom.