12 thành viên đội bóng nhí “Lợn Hoang” cùng huấn luyện viên đã giải cứu thành công trong chiến dịch tìm kiếm cứu nạn kéo dài 18 ngày. Ông Narongsak Osottanakorn, chỉ huy chiến dịch giải cứu, nói rằng họ đã hoàn thành một sứ mệnh tưởng chừng bất khả thi.
Những anh hùng thầm lặng
Khi chiến dịch tìm kiếm bước sang ngày thứ 7 nhưng vẫn chưa tìm thấy vị trí đội bóng, 2 thợ lặn hang động chuyên nghiệp Richard "Rick" Stanton và John Volanthen người Anh đã đến hiện trường trợ giúp việc tìm kiếm. Chính họ là những người đầu tiên tìm thấy đội bóng mắc kẹt tại vị trí được gọi là “Dốc Nern Nom Sao” vào ngày 2/7.
Stanton đã 57 tuổi, Volanthen bước sang tuổi 47, độ tuổi quá mạo hiểm cho việc cứu hộ hang động. Khi Stanton chuẩn bị lên đường sang Thái Lan hỗ trợ việc tìm kiếm, người thân của Stanton đã ngăn cản và nói rằng ông quá già để làm điều đó.
Chuyên gia hang động Volanthen ra khỏi hang Tham Luang sau khi tìm thấy vị trí đội bóng vào ngày 2/7. Ảnh: AFP. |
“Chúng tôi bảo Stanton đừng làm thế vì nó đã quá già để làm điều đó, nhưng nó nói với tôi rằng mẹ, con yêu công việc đó”, bà Vera, mẹ của chuyên gia hang động Stanton, nói với Telegraph.
“Nếu con chết ở đó, con sẽ chết trong hạnh phúc”, Stanton nói với mẹ trước khi lên đường.
Những ngày sau đó, nhiều thợ lặn chuyên nghiệp, chuyên gia y tế dưới nước, bác sĩ lần lượt đến Thái Lan hỗ trợ cho chiến dịch. Đặc biệt, Richard Harris, chuyên gia y tế dưới nước hàng đầu thế giới người Australia, đã hủy bỏ kế hoạch du lịch để đến Thái Lan, sau khi các thợ lặn Anh yêu cầu sự trợ giúp của ông.
Trước đợt giải cứu đầu tiên vào ngày 8/7, đặc nhiệm SEAL, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đăng bức ảnh đầy xúc động với 3 cánh tay nắm chặt nhau cùng thông điệp: “Chúng tôi, Hải quân Thái Lan cùng đội thợ lặn quốc tế sẵn sàng đưa đội bóng trở về nhà”.
Cứu hộ hang động là hoạt động rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hang Tham Luang trải dài hơn 10 km với nhiều hang động có độ cao khác nhau. Đoạn từ ngã ba “Sam Yak” đến “Dốc Nern Nom Sao”, nơi đội bóng bị kẹt dài 1,7 km với nhiều đoạn ngập nước cần phải bơi, một đoạn cần phải lặn.
Đặc biệt, đoạn ngã ba “Sam Yak” ngập nước có chiều rộng chỉ 0,72 m, rộng 0,38 m, các thợ lặn phải tháo bình oxy cầm trên tay mới chui lọt. Đoạn hang này được đánh giá là thách thức lớn nhất trong chiến dịch giải cứu, bất kỳ sai sót hoặc sự cố nào đều có thể phải trả giá bằng tính mạng.
Minh họa quãng đường mà đội cứu hộ phải vượt qua trong chiến dịch giải cứu. Đồ họa: Bangkok Post. |
Việc vượt qua đoạn này là một thách thức ngay cả với thợ lặn chuyên nghiệp, trong khi phần lớn thành viên đội bóng không biết bơi. Ngoài ra, hàm lượng oxy trong hang ở mức thấp làm tăng thêm tính nguy hiểm của việc giải cứu.
Hơn ai hết các thợ lặn hiểu rất rõ những nguy hiểm phải đối mặt khi tiến vào hang động để giải cứu đội bóng. Một cựu đặc nhiệm SEAL Thái Lan đã tử vong vì hết oxy cho thấy sự nguy hiểm của giải cứu hang động. Nhưng họ không thể bỏ mặc các em trong hang tối.
Sự hy sinh của cựu đặc nhiệm Thái Lan đã giúp lực lượng cứu hộ nhận ra được vấn đề và đưa ra giải pháp khắc phục, để cái chết của anh không trở nên vô nghĩa.
Mỗi em được hộ tống bởi 2 thợ lặn, ngoài ra các thợ lặn khác chốt ở trước và sau mỗi đoạn ngập nước để hỗ trợ khi cần thiết. Việc giải cứu được chia thành nhiều đợt để đảm bảo tối đa sự an toàn.
Sự hợp tác quốc tế tuyệt vời
110 đặc nhiệm SEAL Hải quân Hoàng gia Thái Lan là những người chịu trách nhiệm chính cho chiến dịch giải cứu. Một số thành viên đang tại ngũ, vài người đã xuất ngũ nhưng sẵn sàng trở lại nhiệm vụ khi đội bóng đang cần họ. Hỗ trợ cho họ là 13 thợ lặn chuyên nghiệp quốc tế.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa đặc nhiêm Thái Lan và thợ lặn quốc tế là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của chiến dịch. Ảnh: AFP. |
Chính phủ Australia đã cử 17 thợ lặn chuyên nghiệp. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Mỹ, điều động 36 lính đặc nhiệm, 6 chuyên gia cứu hộ đến từ Bắc Kinh, Trung Quốc, cùng một số thợ lặn hang động đến từ Đan Mạch, Israel đã sát cánh cùng nhau trong chiến dịch cứu hộ chưa từng có.
Andrew Colvin, Ủy viên Cảnh sát Liên bang Australia nói: “Đây là sự hợp tác quốc tế tuyệt vời, nhấn mạnh mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa các nước láng giềng của chúng ta”. Jessica Tait, sĩ quan công vụ Không quân Mỹ, gọi chiến dịch cứu hộ là “một kỷ niệm đáng nhớ của nhân loại”.
“Đây là hoạt động cứu hộ đa quốc gia do Thái Lan dẫn đầu và điều tuyệt vời là bạn thấy người Mỹ, người Australia, Trung Quốc và những thợ lặn người Anh ở đây. Nó cho thấy rằng rằng khi quân đội huấn luyện cùng nhau, thì đó là vì điều như thế này, đó là điều thiết thực cho thế giới”, Tait nói với CNN.
Bức tranh của họa sĩ Sisidea, được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Voi trắng đại diện cho chỉ huy chiến dịch giải cứu với khả năng lãnh đạo hiếm có của ông. Theo sau đó là những thành viên đội bóng Lợn Hoang và bạch mã đại diện cho các tình nguyện viên. Hình ảnh hải cẩu và nhái để biểu thị lực lượng SEAL và những thợ lặn. Các loài vật khác biểu trưng cho nhiều nhóm chuyên gia từ Anh, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Myanmar và Lào. Đặc biệt, tỷ phú công nghệ Elon Musk xuất hiện với biểu tượng Người Sắt. Ảnh: Sisidea/ Facebook. |
Ivan Karadzic, thợ lặn hang động người Đan Mạch chốt ở vị trí số 6, cho biết đợt giải cứu thứ 2 diễn ra suôn sẻ hơn so với đợt đầu nhờ kinh nghiệm và sự phối hợp chặt chẽ hơn của các thợ lặn.
Tỷ phú Elon Musk đã bay đến Thái Lan hôm 9/7 cùng tàu ngầm cứu hộ mini do nhóm kỹ sư của SpaceX phát triển. Tuy nhiên, 13 người kẹt trong hang đã được đưa ra ngoài an toàn trước khi tàu ngầm mini kịp đến hiện trường. Theo Channel News Asia, tỷ phú Elon Musk đã tặng tàu ngầm cứu hộ mini cho Thái Lan để dùng trong các đợt cứu hộ khác.
Sự thành công của chiến dịch giải cứu đội bóng “Lợn Hoang” là một nỗ lực và quyết tâm tuyệt vời của lực lượng cứu hộ. Nó cho thấy rằng khi con người đồng lòng, mọi khó khăn đều có thể được giải quyết.