4 thành viên được giải cứu đầu tiên của đội bóng Moo Pa (Lợn Hoang), kẹt trong hệ thống hang Tham Luang Nang Non từ ngày 23/6 là những cầu thủ nhí có thể trạng tốt nhất trong số 13 thầy trò.
Thông tin này được ông Narongsak Osotanakorn xác nhận trong buổi họp báo ngày 9/7, khi đợt thứ 2 của chiến dịch giải cứu được tiến hành.
Các em trong đợt 1 thuộc lứa cầu thủ "đàn anh" của nhóm, từ 14 - 16 tuổi, trong khi cầu thủ nhỏ tuổi nhất là 11 tuổi. Trong vòng 24 tiếng sau khi được đưa đến bệnh viện Chiang Rai, giới chức thông báo các em không gặp vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe và đã được gặp gỡ người thân trong khu vực cách ly của bệnh viện.
Vậy vì sao các thợ lặn cứu hộ lại giải cứu những em có thể trạng tốt đầu tiên mà không ưu tiên những em có tình trạng sức khỏe đáng lo ngại hơn?
Bài "kiểm tra" cuối cùng
Một ngày trước khi chiến dịch bắt đầu, Richard Harris, vị bác sĩ người Australia tình nguyện vào hang giám sát thể trạng 13 thầy trò đội bóng, đã đề nghị điều chỉnh kế hoạch giải cứu. Ông cho rằng thợ lặn cần ưu tiên giải cứu những cầu thủ nhí có sức khỏe ở mức đỏ và vàng (nghiêm trọng và đáng lo ngại).
Tuy nhiên, ban chỉ huy chiến dịch cuối cùng vẫn theo phương án ban đầu là đưa những cháu khỏe nhất đội rời hang trước tiên.
Hệ thống hang Tham Luang Nang Non có độ phức tạp đến nỗi những thợ lặn kỳ cựu cũng phải e dè. Ảnh: AP. |
Chia sẻ với Zing.vn, ông Bobby Chacon, cựu sĩ quan chỉ huy đội lặn của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tại New York, có hơn 20 năm kinh nghiệm đào tạo thợ lặn và phát triển chương trình khám nghiệm hiện trường dưới nước, cho rằng lực lượng cứu hộ đã lựa chọn phương án giúp hạn chế tối đa rủi ro chiến dịch.
Theo ông, dù lực lượng cứu hộ tính toán kỹ lưỡng đến mấy cũng không thể 100% chắc chắn kế hoạch sẽ diễn ra thành công. “Đưa những đứa trẻ khỏe mạnh nhất rời hang trước tiên là cơ hội để lực lượng giải cứu ‘kiểm tra’ phương án của họ”, Chacon cho biết.
“Trường hợp một sơ suất nào đó xảy ra ngoài dự kiến trong quá trình giải cứu, những đứa trẻ có thể trạng tốt nhất sẽ có cơ hội sống sót cao hơn. Các thợ lặn sau đó sẽ điều chỉnh kế hoạch phù hợp với những đứa trẻ yếu hơn”, cựu thợ lặn FBI suy đoán.
Đường di chuyển đầy gian nan từ vị trí đội bóng đến cửa hang Tham Luang Nang Non. Đồ họa: Straits Times. |
Trả lời phỏng vấn với đài phát thanh WGN, Anmar Mirza, điều phối viên Hội đồng Cứu hộ Hang động Quốc gia (NCRC) của Mỹ, cũng cho rằng lực lượng cứu hộ ở Tham Luang Nang Non muốn hạn chế tối đa những biến số rủi ro nên không tiến hành giải cứu đồng loạt.
"Chúng ta cần nhớ rằng hệ thống hang này có nhiều đoạn hẹp đến đội thợ lặn không mang dụng cụ trên người mới chui vừa. Bạn không muốn nhiều người cùng kẹt lại trong những đoạn hang hẹp nếu có trục trặc gì xảy ra", Mirza cho biết.
Đại diện của NCRC cũng cho rằng lực lượng cứu hộ có đủ thời gian để chia chiến dịch làm nhiều đợt. Nếu lượng mưa tăng đột biến, kế hoạch giải cứu có thể gặp nhiều thách thức hơn nhưng không phải là bất khả thi.
Đòn bẩy cho sự tự tin
"Sự tin tưởng mang ý nghĩa sống còn đối với những chiến dịch cứu hộ hang động", Anmar Mirza nhấn mạnh.
Trong 5-6 ngày trước khi bắt đầu chiến dịch giải cứu, các thợ lặn không chỉ huấn luyện đội bóng kỹ thuật và cách sử dụng thiết bị lặn. Đây còn là thời gian để hình thành sự tin tưởng giữa các thành viên đội bóng và nhóm thợ lặn cho chiến dịch giải cứu sau đó.
Cảm giác lo âu là điều các cầu thủ nhí khó tránh khỏi khi ngụp lặn gần 1 km dưới dòng nước đục ngầu của hang Tham Luang Nang Non. Nhiều em thậm chí còn không biết bơi. Nếu một em hoảng loạn khi lặn trong không gian chật hẹp của hang, những sự cố đáng tiếc có thể xảy đến.
Các cầu thủ nhí của đội bóng Lợn Hoang được giám sát sức khỏe kỹ lưỡng trước khi chiến dịch giải cứu bắt đầu. Ảnh: AP. |
Sự thành công của đợt giải cứu đầu tiên mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với toàn bộ chiến dịch. “Bất kỳ điều kì điều gì giúp giảm sự lo lắng khi lặn đều tốt cho các cháu bé", cựu thợ lặn của FBI nhận định.
"Chỉ cần biết rằng kế hoạch diễn ra thành công, rằng bạn mình đã thoát khỏi hang bình yên vô sự, những cháu bé được giải cứu sau sẽ bình tĩnh hơn nhiều”, Chacon chia sẻ thêm với Zing.vn.
Những cầu thủ nhí có thể trạng yếu hơn đã được giải cứu vào đợt thứ 2 của chiến dịch ngày 9/7, sau khi kế hoạch đã được chứng tỏ là thành công. Bobby Chacon đánh giá lực lượng cứu hộ đã một lần nữa đưa ra quyết định đúng đắn.
Trong hơn 20 tiếng giữa 2 đợt giải cứu, đội thợ lặn hậu cần phải dẫn thêm 1 đường ống dưỡng khí đến Dốc Nern Noem Sao để tiếp oxy cho hang, theo Bangkok Post.
Sau đợt giải cứu đầu tiên, hàm lượng oxy nơi đội bóng trú ẩn có thể xuống thấp đáng báo động vì sự xuất hiện của nhóm 10 thợ lặn cứu hộ. Điều này có thể khiến tình hình sức khỏe của những em có thể trạng yếu thêm nghiêm trọng.
Chiến dịch giải cứu đội bóng Lợn Hoang đang bước đến giai đoạn cuối cùng. Đợt giải cứu thứ 3 với sự tham gia của 19 thợ lặn đã khởi động vào lúc 10h ngày 10/7, đặt mục tiêu đưa toàn bộ 4 cầu thủ nhí còn lại và huấn luyện viên của đội trở lại mặt đất.