Khi soạn lại tư liệu của bố tôi, nhà văn Bùi Hiển (1919-2009) tôi tình cờ phát hiện một tấm hình chụp bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái minh họa cho truyện ngắn Ý nghĩ ban mai của bố tôi đăng trên báo Văn nghệ năm 1978.
Truyện miêu tả khung cảnh của một gia đình có ba thế hệ (ông bà, con cái và các cháu): Hơi chật chội, bận rộn, ấm áp và lấp lánh niềm vui. Các nhân vật của truyện có nguyên mẫu thấp thoáng những người thân thiết trong gia đình, trong đó có cảnh mẹ tôi và chị dâu gói bánh chưng ngày Tết, vây xung quanh con cháu quây quần và đùa nghịch.
Trong tranh, họa sĩ vẽ một người đàn ông mặc áo dạ đen dài, đầu đội mũ len đang dạo bước trên phố. Đó cũng chính là hình ảnh bố tôi ngoài đời lúc gần 60 tuổi. Riêng chiếc mũ len có lưỡi trai trên đầu ông do chính tay mẹ tôi đan trông không lẫn vào đâu được.
Tôi lớn lên với hình ảnh thân thuộc của bố cùng những chiếc mũ. Hơn 20 tuổi, bố tôi đã đi làm ở Tòa Công sứ Vinh. Ông thường bận com-lê và đội mũ phớt. Là viên chức song ông không an phận “sáng cắp ô đi tối cắp về” mà rất thích bơi lội, chơi thể thao, đọc sách và viết văn.
Từ năm 1940-1945, bố tôi đã có hơn 40 truyện ngắn được đăng tải ở nhiều tờ báo nổi tiếng của Việt Nam thời bấy giờ. Tập truyện ngắn Nằm vạ (1941) của ông được đánh giá là “đã đưa vào văn học Việt Nam buổi đầu hiện đại một giọng điệu văn chương mang tên Bùi Hiển”. Từ sau năm 1945 cho đến những năm cuối của thế kỷ 20, cuộc đời cầm bút của ông là sự nối tiếp hàng trăm chuyến đi và viết, gắn với 30 tập truyện, ký, tiểu luận được xuất bản.
Nhà văn Bùi Hiển thời kỳ làm viên chức trước 1945 (Ảnh gia đình cung cấp). |
Nụ cười dưới vành mũ
Cái mũ vẫn là thứ không thể thiếu ở mỗi cuộc hành trình. Trong kháng chiến chống Pháp, ông có một năm rưỡi bám trụ ở chiến khu và vùng địch hậu Thừa Thiên. Tạm biệt chiếc mũ phớt thanh lịch, ông gắn bó với một chiếc mũ vải rộng vành là chiến lợi phẩm trong một trận tập kích của bộ đội ta vào đơn vị lính lê dương của Pháp.
Dưới vành mũ, ông thường trực trên môi một nụ cười sảng khoái, dù là vừa vất vả chạy càn hay cùng nhân dân, du kích và bộ đội “đánh trận giặc lúa” như tên một truyện ngắn của nhà văn.
Từ năm 1955, cả nhà tôi chuyển ra Hà Nội sinh sống trong một căn nhà nhỏ trên phố Bà Triệu. Những năm đầu 1960, bố tôi và em trai thường đội mũ bê-rê bố tôi mua ở Liên Xô. Loại mũ này là mốt lúc đó, từ già tới trẻ, nghệ sĩ đến thường dân đều chuộng. Nhà nào ít tiền hoặc đông người vẫn cố sắm một chiếc để đàn ông, con trai trong nhà thay nhau đội lấy nê với thiên hạ.
Thời chống Mỹ, trong bốn năm từ 1964-1968 bố tôi có năm chuyến đi thực tế vào tuyến lửa khu Bốn, trung bình mỗi đợt bốn tháng. Lúc này dọc vùng cán soong (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Đặc khu Vĩnh Linh) bom đạn tơi bời. Ông thường đội một chiếc mũ có chất liệu và màu sắc như mũ cối nhưng vành rộng hơn, hao hao loại mũ của mấy ông Tây thực dân thời thuộc địa.
Dịp Tết Nguyên Đán 1967, bà nội và mẹ tôi làm mâm cơm cúng tất niên sớm trước một ngày (năm ấy tháng Chạp thiếu, 29 lấy làm 30), cầu mong ông nội và những người thân đã khuất phù hộ cho bố tôi và con cháu đi trận mạc được an bình.
Ngày 29, bố tôi lên đường với chiếc xe đạp và cái mũ quen thuộc. Ông đón giao thừa trong một trại nuôi lợn của hợp tác xã ở ven đường. Hành trang của ông có cái đài nho nhỏ anh tôi mua ở Đức gửi về. Nửa đêm, ông bật đài, quây quần cùng ba cụ ông trông coi ở đây nghe lời chúc Tết của Bác Hồ. Chi tiết nói trên được nhà văn đưa vào truyện ngắn Những con số một của mình.
Nhà văn Bùi Hiển trong kháng chiến chống Mỹ (Ảnh gia đình cung cấp). |
Những chiếc mũ trên nẻo đường văn
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, bố tôi trở lại với chiếc mũ phớt dạ kiểu công chức thời Pháp mỗi khi đi làm ở Hội Nhà văn. Khi đi công tác xa, ông thường mang theo một chiếc mũ phớt màu sáng, chất liệu nhẹ, thoáng và vành rộng hơn.
Chiếc mũ này đồng hành với ông trên những nẻo đường trong Nam ngoài Bắc, nơi ông thu thập cảm hứng để viết các tập truyện, ký như Tâm tưởng, Mai sau những buôn làng đẹp, Ngơ ngẩn mùa xuân, Ý nghĩ ban mai, Bạn bè một thưở.
Những năm cuối đời, vào mùa đông giá rét, ông thường gắn bó với một chiếc mũ len màu xám khi cần có thể trùm kín tai. Chiếc mũ theo ông vào bệnh viện nơi ông vĩnh biệt chúng tôi đi về cõi vĩnh hằng ngày 11/3/2009.
Tranh Bùi Xuân Phái minh họa truyện ngắn Ý nghĩ ban mai của Bùi Hiển trên báo Văn nghệ (1978). Ảnh gia đình cung cấp. |
Không chỉ yêu những chiếc mũ, bố tôi còn sáng tác riêng một truyện ngắn mang tên Cái mũ (1971). Truyện kể về một nhà thơ lớn tuổi từng trải cùng một thanh niên mới vào nghề viết báo đi vào tuyến lửa Khu Bốn.
Trước khi đi, giữa hai người có vài hạt sạn nho nhỏ khi chàng thanh niên, trước sự cố bị mất chiếc mũ do nhà thơ tặng, đã tỏ ra “thiếu sự khoáng đạt cần thiết, để khỏi vấn vương vì những thứ chuyện vật chất ở đời, khiến con người tầm thường, nhỏ bé đi”. Nhưng khi đối mặt với thử thách của chiến tranh, chàng thanh niên đã thể hiện sự dũng cảm của riêng mình, dù chưa thuần thục.
Cái mũ chỉ là cái cớ để ông gửi gắm lời nhắc nhở thân tình đối với những người lớn tuổi từng được rèn luyện nhưng cách nhìn lớp trẻ còn thiếu bao dung và thực chất. Để thay đổi điều đó và để các thế hệ có sự kết nối tốt hơn, bố tôi đã gợi ý rằng con người cần “sự trung thực - chưa phải với ai khác mà với chính mình”.
Bố tôi đi xa đã hơn 10 năm. Trong những thời khắc nhớ về ông, ngắm nhìn ảnh ông và những chiếc mũ thân thuộc, lạ thay, tôi không thấy buồn nhớ mà mênh mang niềm ấm áp và bình yên.
Những chiếc mũ như cũng đã hoàn thành sứ mệnh của mình: Gắn bó với bố tôi khi thuận buồm xuôi gió cũng như những lúc cam go. Tôi thầm ước, giá ai cũng có thể tìm được một người bạn đồng hành như thế. Hạnh phúc đôi khi thật giản đơn.