Mỗi tác phẩm của văn nhân thi sĩ ra đời, có lẽ đều có những kỷ niệm, nguồn cơn liên quan đến nó. Như trường hợp của Quách Tấn với tác phẩm Xứ trầm hương, ta lại tìm thấy sự liên đới với học giả Nguyễn Hiến Lê. Ấy cũng là một câu chuyện đẹp của những người bút mực văn chương với nhau vậy.
Quách Tấn (bên trái) cùng nhà thơ Nguyễn Đình và Chế Lan Viên (bên phải). Ảnh tư liệu của Quách Giao. |
Khánh Hòa là xứ trầm hương
Nói đến Quách Tấn (1910-1992), người ta biết đến ông là một thành viên của nhóm “Bàn thành tứ hữu” gồm những tên tuổi đất Bình Định nổi danh trên văn đàn với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê và Quách Tấn.
Trong sự nghiệp cầm bút của mình, Quách Tấn để lại một di sản tác phẩm khá đa dạng. Nói về thơ, ông có Một tấm lòng (1939), Mùa cổ điển (1941)…
Thơ Quách Tấn được Hoài Thanh, Hoài Chân khen trong Thi nhân Việt Nam là “đã tìm được những lời thơ rung cảm chúng ta một cách thấm thía”. Trong khi ấy Nguyễn Hiến Lê nhận định là “Quách Tấn chuyên về thơ luật, tôi cho rằng từ đầu thế kỷ đến nay không ai có công với thơ luật bằng ông”.
Về văn, ông có Trăng ma lầu Việt (1943, 1947); Nét bút giai nhân… cùng nhiều tác phẩm dịch thuật khác. Điều thú vị là ngòi bút của ông không chỉ quanh nơi văn thơ, mà còn mở rộng ra cả mảng địa phương chí khi Quách Tấn để lại cho đời Nước non Bình Định(1968) và Xứ trầm hương (1969).
Ở đây riêng nói về tác phẩm Xứ trầm hương, là tác phẩm được Quách Tấn viết về Khánh Hòa, vùng đất ông xem là quê hương thứ hai sau bản quán Bình Định. Với tác phẩm này, tác giả tâm sự lý do ra đời đứa con tinh thần trong “Lời thưa” như sau:
“Ghi chép lại vì nhận thấy đẹp, thấy hay, thấy thú, thấy đáng yêu đáng quý, đáng ra công gìn giữ cho đoàn hậu tiến có lòng cùng nước cùng non. Ghi chép lại hầu mong bạn phương xa ghé mắt rồi đem lòng thương tưởng đến Khánh Hòa mà tôi kính yêu như bà Nghĩa Mẫu, vì nuôi nấng tôi gần nửa đời người”.
Việc ra đời tác phẩm này, lại được tác giả giãi bày thêm cơn cớ. Số là Xứ trầm hương thực tế là sự “nhuận chính và bổ túc” từ tập tài liệu “Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa”. Tập tài liệu ấy, được tác giả ấp ủ khi còn làm việc tại Tòa sứ Nha Trang thời gian 1935-1945.
Bởi cái lẽ, khi làm việc tại tòa sứ, Quách Tấn có nhiều dịp làm thông ngôn cho các nhà du lịch, khảo cổ ngoại quốc. Nhờ đó mà bước chân ông đi được nhiều nơi, biết nhiều chỗ, nghe nhiều chuyện để từ đó “Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa” thành hình năm 1962.
Từ sự khuyến khích của Nguyễn Hiến Lê
Ấy là lời tự sự của Quách Tấn với tác phẩm của mình. Và rồi, tác giả lại mở thêm cho ta hay để động lực từ tập tài liệu sơ khởi ấy mà có được Xứ trầm hương dày dặn ra đời.
Sau khi tập tài liệu “Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa” được in ronéo, nhiều bạn văn nghệ đọc lấy làm thú vị, đã có nhiều lời khuyến khích. Trong đó, đặc biệt có Nguyễn Hiến Lê, một vị học giả kiến thức uyên bác với nhiều tác phẩm viết và dịch giá trị. Việc ấy, tác giả vẫn còn nhớ mà hồi tưởng rằng sau khi tặng Nguyễn Hiến Lê một bản thì tiếp đó:
“Dị may run rủi: Trong bức thư gởi cho tôi cuối xuân năm Mậu Thân (22/4/1968), Nguyễn Hiến Lê khuyên nên viết kỹ lại”.
Học giả Nguyễn Hiến Lê, người đã khuyên Quách Tấn viết Xứ trầm hương. Ảnh tư liệu. |
Còn với học giả Nguyễn Hiến Lê khi đề cập đến Xứ trầm hương, đã xem đây một tuyệt phẩm mà ông thích hơn cả Nước non Bình Định vì cái lẽ Quách Tấn đã “tả nhiều cảnh lạ ở Khánh Hòa, nhất là cảnh núi mà tôi chắc không ai tả hơn ông được”. Nhận xét ấy của Nguyễn Hiến Lê trong hồi ký của ông có cái lý xác đáng của nó.
Như phụ họa thêm cho việc liên đới của mình với Xứ trầm hương, trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, ông tiết lộ cái việc “xui” nhà thơ của Mùa cổ điển viết Xứ trầm hương. Theo đó, nguồn cơn là từ cuốn Nước non Bình Định mà ra.
“Vào khoảng đầu năm 1968, đọc cuốn Nước non Bình Định của ông, tôi viết một bài đăng trên tờ Tân Văn (1968) khen là tác phẩm có giá trị nhất trong loại địa phương chí vì tài liệu đã dồi dào và văn lại hay. Tôi khuyến khích ông viết một cuốn nữa về Nha Trang nơi ông đương ở. Ông nghe lời viết cuốn Xứ trầm hương, cuốn này tôi thích hơn cuốn trên”.
Lần giở Xứ trầm hương, quả nhiên ta thấy lời khen của vị học giả uyên bác không ngoa ngôn chút nào. Viết địa phương chí về đất Khánh Hòa, Quách Tấn bày đủ cả lịch sử, địa lý, những thắng cảnh, cổ tích và dân sinh, nhân vật về đất trầm hương. Có thể nói là một tác phẩm bao quát mọi lĩnh vực của địa phương này từ cổ chí kim.
Xứ trầm hương được NXB Lá Bối ấn hành. Ảnh: Fanpage Quansachmuathu. |
Lại thêm điểm thú vị nữa là bởi tác phẩm được viết bởi một nhà thơ, nhà văn, cho nên dẫu là địa phương chí, nhưng lối viết nhẹ nhàng, dễ hiểu theo kiểu hồi ký nhớ gì ghi nấy, biết gì viết đó, lại viết đầy xúc cảm khiến tác phẩm dễ chạm vào mạch cảm xúc của độc giả về vùng đất non nước hữu tình mà tác giả có thơ rằng:
Khánh Hòa là xứ trầm hương
Non cao biển rộng người thương đi về
Yến sào ngon ngọt tình quê
Sông sâu đá tạc lời thề nước non.
Cứ như lời của Nguyễn Hiến Lê ở trên khi khen cái tài tả cảnh núi non ở Khánh Hòa của Quách Tấn mà ông cho là không ai tả hơn được, ta sẽ thấy được điều đó khi đọc phần “Núi non” với những tả cảnh, địa thế, phong cảnh và cả lịch sử của núi Đại Lãnh, núi Mẫu Tử (Mẹ Bồng Con), hòn Tu Hoa...
Dẫu là tác phẩm địa phương chí, nhưng tên sách nghe đầy chất văn. Nguyên do ấy cũng được tác giả giãi bày trong hồi ký Bóng ngày qua. Đó là trước khi tác phẩm của ông được in thì cuốn Non nước Khánh Hòa của Nguyễn Đình Tư do Sông Lam ấn hành đã ra đời cũng trong năm 1969.
“Nhận thấy tên Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa không gọn và tên Non nước Khánh Hòa ông Tư đã dùng trùng, tôi bèn lấy tên: XỨ TRẦM HƯƠNG. Vì Khánh Hòa có nhiều trầm hương nhất các tỉnh miền Trung”.
Xứ trầm hương ra đời cuối năm 1969 do NXB Lá Bối ấn hành và kể từ đó, tác phẩm vẫn tỏa “hương trầm” giá trị đến nay.