Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters. |
Ông Kevin McCarthy thức dậy vào sáng 7/1 với ước mơ ấp ủ bấy lâu thành hiện thực: Sau 4 ngày bế tắc, ông được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ, trở thành thành viên quyền lực nhất của đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, vị trí này có thể biến thành cơn ác mộng, khi ông phải dẫn dắt một phe thường xuyên phản đối mạnh mẽ vai trò lãnh đạo, theo Reuters.
Nhóm bảo thủ thường xuyên chỉ trích ông Mitch McConnell - người đứng đầu đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ - vì thỏa hiệp dưới bất cứ hình thức nào với đảng Dân chủ. Ngoài ra, đầu tuần này, nhóm cũng bác bỏ lời kêu gọi ủng hộ ông McCarthy từ cựu Tổng thống Donald Trump.
Chính trị gia 57 tuổi đã thể hiện sự kiên trì sau khi vượt qua tới 15 vòng bỏ phiếu và thuyết phục nhóm gồm 20 đối thủ theo đường lối cánh hữu cứng rắn, tìm cách thỏa hiệp kéo hầu hết nghị sĩ về phe mình. Tối 6/1, ông nói mình sẽ lãnh đạo hiệu quả hơn sau quá trình này.
"Nhượng bộ không làm suy yếu quyền lực của tôi"
Thành tích không tốt như mong đợi của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tháng 11/2022 khiến đảng đạt thế đa số sít sao 222/212, trao quyền nhiều hơn cho một nhóm nhỏ cánh hữu theo đường lối cứng rắn.
Họ chỉ trích ông McCarthy - người làm lãnh đạo phe thiểu số từ năm 2019 - quá mềm mỏng và cởi mở thỏa hiệp với Tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Dân chủ.
"Chúng tôi không tin tưởng giao quyền lực cho ông McCarthy, vì chúng tôi biết ông ấy sẽ dùng quyền lực cho ai. Và chúng tôi cũng lo ngại quyền lực không được trao cho người dân Mỹ”, Hạ nghị sĩ Matt Gaetz - người công khai sỉ nhục ông McCarthy trên bục phát biểu của Hạ viện Mỹ hôm 6/1 - nói.
Một trong những yêu cầu chính của những người “ngáng đường” ông McCarthy là quy định cho phép chỉ một nhà lập pháp kích hoạt bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện.
Đây là quy tắc có lịch sử lâu đời tại Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, những năm gần đây, Quốc hội Mỹ tăng số người tối thiểu lên 5 nhằm ngăn chặn một hạ nghị sĩ có thể đe dọa quyền lực của chủ tịch. Với quyết định nhượng bộ, các thành viên Hạ viện có thể kích hoạt vòng bỏ phiếu khác, dẫn đến thế bế tắc tương tự những gì diễn ra trong 4 ngày qua.
Hạ viện Mỹ mất tới 15 vòng bỏ phiếu mới tìm được chủ tịch. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, các đảng viên bảo thủ thường phàn nàn về mức chi tiêu ngày càng tăng của chính phủ Mỹ.
Trong cuộc đua cho vị trí chủ tịch Hạ viện, họ yêu cầu ông McCarthy cam kết thực hiện các hạn chế tài chính, chẳng hạn cắt giảm chi tiêu xuống bằng mức năm 2022 và yêu cầu cắt giảm ngân sách tương ứng mỗi khi vay thêm nợ. Ông McCarthy cam kết đứng về phía nhóm này trong các cuộc tranh luận nội bộ về ngân sách.
Reuters đánh giá sự thỏa hiệp của ông McCarthy là cần thiết khi các chính trị gia đang chia rẽ, và sự nhượng bộ này làm tăng nguy cơ 2 đảng không thể đạt được thỏa thuận khi chính phủ liên bang giải quyết mức trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD cuối năm nay. Việc không đạt được thỏa thuận, hoặc thậm chí bế tắc kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu.
Ông McCarthy khẳng định những nhượng bộ không làm suy yếu quyền lực của mình. “Điều này không mang lại cho tôi vấn đề hay mối lo ngại nào”, vị chính trị gia nhấn mạnh, mô tả các thỏa thuận với phe phản đối giúp “trao quyền cho các thành viên”.
Thách thức mới chỉ bắt đầu?
Ông McCarthy đã dành cả cuộc đời trưởng thành cho chính trị Mỹ. Bắt đầu với tư cách nhân viên quốc hội, người đàn ông đến từ California trở thành nhà lập pháp tiểu bang trước khi được bầu vào Hạ viện Mỹ năm 2006. Trước đó, ông từng tranh cử vị trí chủ tịch Hạ viện Mỹ một lần vào năm 2015, nhưng không thành công.
Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tuyên thệ nhậm chức hôm 7/1. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, vị trí chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng là thách thức lớn với đảng Cộng hòa trong những năm gần đây, khi ông John Boehner từ chức vào năm 2015 sau khi đối mặt với sức ép lớn từ phe bảo thủ.
Người kế nhiệm Paul Ryan cũng thường xuyên là mục tiêu của những người bảo thủ. Ông quyết định không tái tranh cử vào năm 2018 khi Tổng thống Trump khi đó chuyển trọng tâm của đảng từ các ưu tiên tài chính sang vấn đề nhập cư và xung đột văn hóa.
Ông McCarthy có phần động chạm những người theo đường lối cứng rắn khi công khai thừa nhận ông Trump phải chịu trách nhiệm về vụ bạo loạn vào Điện Capitol hôm 6/1/2021. Sau đó, ông nhiều lần lên tiếng ủng hộ cựu tổng thống.
Hôm 7/1, ông Trump đăng video lên mạng xã hội Truth Social, trong đó đề cập tân chủ tịch Hạ viện cảm ơn cựu tổng thống vì đã ủng hộ. “Cảm ơn Kevin, đó là vinh dự lớn của tôi”, ông viết chú thích bài đăng.
Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết ông Biden đã nói chuyện và chúc mừng ông McCarthy.
Ông McCarthy đã đến ít nhất 34 bang vận động cho hơn 165 ứng cử viên trước đợt bầu cử giữa kỳ. Tổ chức Congressional Leadership Fund đã đóng góp hơn 160 triệu USD cho các ứng viên đảng Cộng hòa. Ông gửi cho các ứng viên 6,5 triệu USD từ cuộc vận động của chính mình và bốn tổ chức khác do ông kiểm soát.
Tuy nhiên, để ngồi vào chiếc ghế chủ tịch, ông đồng tình không can thiệp vào các cuộc bầu cử sơ bộ trong tương lai của đảng Cộng hòa.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.