Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc gọi nửa đêm của ông Trump và tiếng hét giữa Hạ viện Mỹ

Trước khi có chủ tịch mới, Hạ viện Mỹ đã trải qua một tuần bế tắc chưa từng có tiền lệ, thậm chí xô xát suýt chút nữa nổ ra đúng dịp kỷ niệm hai năm vụ bạo loạn Điện Capitol.

6/1 có lẽ là ngày mà ông Kevin McCarthy, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện, sẽ không bao giờ quên. Sau 13 vòng bỏ phiếu trong 4 ngày ròng rã, ông McCarthy vẫn không kiếm đủ phiếu để được bầu làm chủ tịch Hạ viện. Bế tắc đã suýt chút nữa khiến xô xát nổ ra giữa chính các thành viên Cộng hòa, theo AP.

Thời khắc hỗn loạn

Khi đã gần đến nửa đêm, cuộc bỏ phiếu thứ 14 diễn ra để lựa chọn người sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch Hạ viện. Lúc này, ông McCarthy thiếu chỉ duy nhất một phiếu.

Cả phòng họp của Hạ viện im lặng khi McCarthy rời khỏi ghế của mình, ông đi dọc hành lang trung tâm xuống cuối căn phòng. Nghị sĩ đại diện California gần như cầu xin người đồng nghiệp Matt Gaetz, đại diện của đảng Cộng hòa tại Florida, thay đổi phiếu trắng thành phiếu thuận ủng hộ ông.

Chỉ vài giờ trước đó, nghị sĩ Gaetz công khai sỉ nhục ông McCarthy trên bục phát biểu của Hạ viện. Không có gì bất ngờ khi ông Gaetz từ chối đề nghị này.

Nhận được câu trả lời đáng thất vọng, ông McCarthy từ từ quay lưng bước đi, mặt cúi gằm xuống đất. Ngay thời khắc đó, hỗn loạn nổ ra. Nghị sĩ Mike Rogers, thành viên Cộng hòa đồng minh của ông McCarthy, lao tới định ăn thua với ông Gaetz và hét lên rằng ông sẽ phải hối tiếc.

ha vien my anh 1

Xô xát suýt chút nữa nổ ra tại Hạ viện hôm 6/1. Ảnh: AP.

Các nghị sĩ có mặt tại Hạ viện thét lên thảng thốt. Ngày đó hai năm trước, Hạ viện cũng chao đảo bởi vụ tấn công của những người ủng hộ cựu Tổng thống Trump. Nhưng lần này, các nghị sĩ khác đã kịp giữ ông Rogers lại.

Ông McCarthy quay trở lại nơi xảy ra xô xát. Ông kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh, bảo đảm không để xảy ra chuyện gì đáng tiếc, trước khi trở lại vị trí của mình.

McCarthy sau đó tiếp tục thất bại trong vòng bỏ phiếu thứ 14. Ông cùng các đồng minh quyết định hoãn phiên họp tại Hạ viện.

Tình hình sau đó dịu lại. Trong vòng một giờ đồng hồ, ông McCarthy và các đồng minh xoay xở thuyết phục được các nghị sĩ còn chống đối chuyển sang bỏ phiếu trắng. Điều này cho phép giảm số phiếu ủng hộ tối thiểu để ông McCarthy trúng cử chức chủ tịch Hạ viện.

Sáng 7/1, sau vòng bỏ phiếu thứ 15, nghị sĩ McCarthy chính thức trở thành tân chủ tịch của Hạ viện Mỹ, theo CNN.

"Tôi hy vọng các vị đã thấy rõ một điều, đó là tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc", ông McCarthy nói sau khi chiến thắng vòng bỏ phiếu lúc 1h sáng 7/1.

Lịch sử lặp lại

Hỗn loạn tại Hạ viện hôm 6/1 đến vào đúng dịp hai năm sau vụ bạo loạn Điện Capitol. Tại phiên họp tổ chức sau vụ bạo loạn, nghị sĩ McCarthy tuyên bố đó là ngày đáng buồn nhất mà ông từng trải qua với tư cách thành viên Quốc hội.

Trong vài ngày sau đó, McCarthy cáo buộc cựu Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm vì đã khuyến khích những kẻ nổi loạn hòng ngăn cản Quốc hội Mỹ phê chuẩn chiến thắng của Tổng thống Biden, theo New York Times.

Nhưng chỉ vài tuần sau, cũng chính ông McCarthy đích thân tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago và làm lành với ông Trump.

Cảnh tượng hôm 6/1 vừa qua là một kiểu hỗn loạn khác, tuy vậy, nó tượng trưng cho cái vòng luẩn quẩn mà đảng Cộng hòa đã rơi vào.

Sau vụ bạo loạn Điện Capitol, dù nhiều thành viên Cộng hòa khi đó chỉ trích ông Trump, việc lãnh đạo của họ là Kevin McCarthy trực tiếp tới thăm cựu tổng thống đã giúp ông Trump quay trở lại và ngày càng siết chặt kiểm soát đảng Cộng hòa.

Đêm 6/1, ông Trump đã gọi điện trực tiếp cho nghị sĩ Gaetz và các thành viên Cộng hòa thuộc phe chống đối nghị sĩ McCarthy.

ha vien my anh 2

Nghị sĩ Kevin McCarthy tìm cách thuyết phục nghị sĩ Matt Gaetz. Ảnh: AP.

“Ông ấy ủng hộ tôi ngày từ đầu", ông McCarthy nói sau vòng bỏ phiếu cuối cùng, trong đó nhấn nhá tới các cuộc gọi của ông Trump.

Dù Hạ viện Mỹ luôn tiềm ẩn những diễn biến khó lường, những gì xảy ra trong tuần qua là điều chưa từng có tiền lệ. Chưa bao giờ trong lịch sử Hạ viện trải qua các cuộc bỏ phiếu bất thành liên tiếp như vậy.

Trước khi phiên họp tối 6/1 diễn ra, ông McCarthy cần ít nhất 2 phiếu để phá vỡ thế bế tắc. Đến 22h, Hạ viện mới nhóm họp, khi đó hai người ủng hộ của ông McCarthy kịp trở lại sau thời gian vắng mặt vì việc cá nhân.

Ông McCarthy và các đồng minh tỏ ra tự tin khi phiên họp bắt đầu. Nhưng khi các nghị sĩ bắt đầu bỏ phiếu, tình thế ngày càng rõ ràng cho thấy ông McCarthy sẽ thiếu một phiếu.

Hai đồng minh thân cận nhất của ông McCarthy là nghị sĩ Patrick McHenry và nghị sĩ Garrett Graves ngồi ở hai bên của nghị sĩ chống đối Gaetz trong thời gian bỏ phiếu. Thậm chí đã có lúc ông Graves gần như quỳ một chân như thể đang cầu xin người đồng nghiệp ủng hộ ông McCarthy.

Nhưng, nghị sĩ Gaetz chỉ nhượng bộ đủ để đổi lá phiếu phản đối trước đó thành phiếu trắng, và như thế là không đủ. Ngay trước khi Gaetz được gọi tên thông báo lá phiếu, nghị sĩ McCarthy bước tới chỗ ngồi của ông.

Máy quay tại phòng họp Hạ viện ghi lại khoảnh khắc nghị sĩ Gaetz chỉ tay vào mặt ông McCarthy khi hai người đối thoại. Tuy vậy, nghị sĩ Ken Buck nói cuộc thảo luận giữa hai bên diễn ra văn minh, ông McCarthy chỉ đề nghị người đồng nghiệp thay đổi lá phiếu. Ông Gaetz đáp lại rằng "phiếu trắng" là nhượng bộ nhiều nhất của mình.

Nghị sĩ McCarthy sau đó cho biết ông Gaetz đã thuyết phục những người trước đó bỏ phiếu chống chuyển sang bỏ phiếu trắng. Cuối cùng, không nghị sĩ Cộng hòa nào bỏ phiếu phản đối ông McCarthy.

Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.

Sau 15 vòng bỏ phiếu, Hạ viện Mỹ có chủ tịch mới

Nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa Kevin McCarthy hôm 7/1 (giờ địa phương) được bầu làm tân chủ tịch Hạ viện Mỹ sau 15 vòng bỏ phiếu.

Ngày sóng gió nhất trong sự nghiệp của ông McCarthy

Cuộc chạy đua vào ghế chủ tịch Hạ viện Mỹ của ông McCarthy có thể ngã ngũ ngày 6/1, tròn 2 năm sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol - ngày khó khăn nhất trong sự nghiệp của ông.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm