Tương tự các sản phẩm trước, Mate 40 Series không được cài bộ ứng dụng và dịch vụ của Google. Thay vào đó, Huawei mang đến ba ứng dụng gồm Petal Search, Petal Maps và Huawei Docs với hy vọng thay thế các sản phẩm tương ứng từ Google và Microsoft. Phiên bản Mate 40 Pro Plus có giá tương đương 1.655 USD, còn phiên bản rẻ nhất Mate 40 cũng có giá khoảng 1.063 USD. Mức này gấp đôi iPhone 12, với giá khởi điểm khoảng 829 USD.
Theo Forbes, Petal Search được xem là cú đáp trả mạnh mẽ cho việc thiếu vắng Google Search trên các thiết bị Huawei. Mặt khác, việc Google dính vào các cuộc điều tra chống độc quyền cũng là động lực để Huawei ra mắt dịch vụ tìm kiếm riêng.
Petal Search là công cụ tìm kiếm thay cho Google Search, Petal Maps thay cho Google Maps và Huawei Docs thay cho Microsoft Office. Ảnh: Digital Trends. |
Ban đầu, Petal Search được làm ra để Huawei "qua mặt" Mỹ và cài đặt các ứng dụng trên cửa hàng Google Play về smartphone của mình. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi giờ đây, Petal Search trở thành công cụ tìm kiếm đúng nghĩa.
Vào tháng 3, Huawei ra mắt công cụ tìm kiếm nội bộ và chỉ xem đây như một phần của giải pháp thay thế hệ sinh thái Google. Nhưng trước sự dồn ép quyết liệt của Mỹ, Huawei đã chuyển mình từ nhà sản xuất điện thoại sang cung cấp phần mềm. Điều này có thể giúp các đối tác sản xuất sử dụng công cụ tìm kiếm và các ứng dụng của Huawei.
Một nhân viên làm việc tại Huawei cho biết công cụ Petal Search sẽ không kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm ngoài Trung Quốc, và TikTok cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về việc nền tảng video "thao túng" các nội dung hiển thị ở một số quốc gia.
"Ứng dụng Petal Search đang hoạt động như một công cụ cung cấp thông tin, hình ảnh và video. Người dùng có thể mua sắm và đặt vé máy bay tương tự như trên Google hay Microsoft Bing. Thậm chí khi so với kết quả của Bing, Petal Search còn cho ra kết quả do Huawei cung cấp tại một số nước như Tây Ban Nha hay Thổ Nhĩ Kỳ", GSMArena cho biết.
Doanh số bán dự kiến của Huawei đã phải giảm từ 180-200 triệu chiếc điện thoại xuống còn 50 triệu chiếc vào năm 2021 vì lo ngại không đủ chip xử lý. Ảnh: GSMArena. |
Ở thời điểm cuối năm 2020, việc tung ra một chiếc điện thoại được cài sẵn nhiều phần mềm thuộc hệ sinh thái riêng được xem là tín hiệu tốt với Huawei. Tuy nhiên điều này có thể khiến kho dự trữ chipset cạn kiệt và hãng rơi vào bế tắc trong năm 2021 nếu không kịp tìm hướng xử lý.
Huawei cho biết nếu muốn tồn tại, công ty phải thay thế được hệ điều hành Android. Trên thực tế, doanh số bán của Huawei ngoài Trung Quốc vẫn bị hạn chế do không có Google trên điện thoại thông minh. Với hệ sinh thái đang ngày một mở rộng, Huawei có tham vọng thu hút khách hàng châu Âu và tách họ ra khỏi Google cùng hệ điều hành Android.
Tại sự kiện ra mắt dòng Mate 40, Huawei cho biết doanh thu trong 3 quý đầu năm 2020 tăng 9,9%, thấp hơn so với mức tăng 24% cùng kỳ năm trước. Công ty cho rằng về cơ bản, điều này đáp ứng được kỳ vọng.
Trước những thách thức từ danh sách đen và dịch bệnh, Huawei sẽ cố gắng hết sức để tìm ra giải pháp tồn tại và phát triển, cũng như thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người dùng và nhà cung cấp.
Nếu tách khỏi Huawei, Honor có thể tiếp tục sử dụng chipset từ các nhà cung ứng. Ảnh: Honor. |
Huawei đang có ý định thoái vốn thương hiệu điện thoại con Honor, cho thấy quyết tâm thoát khỏi vòng vây danh sách đen của Mỹ.
Hiện gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có hai lựa chọn. Một là chia nhỏ các bộ phận để hoạt động, giảm bớt mức độ nguy hiểm và xây dựng niềm tin trở lại trong mắt giới chức Mỹ. Hai là thoái vốn khỏi mảng điện thoại thông minh, phát triển và đưa hệ điều hành mã nguồn mở HarmonyOS vào các thiết bị smartphone thay cho Android.
Trước mắt, chúng ta không thể dự đoán trước tình hình vài tháng tới của Huawei. Kho dự trữ chip của công ty đang cạn kiệt và sẽ chỉ phục hồi khi các nhà cung cấp xin được giấy phép sử dụng công nghệ của Mỹ. Hệ điều hành mã nguồn mở HarmonyOS thì đang hướng tới việc ra mắt trên điện thoại thông minh nhưng không biết liệu có thể thu hút người mua hay không.