Sách Những ý nghĩ khua vang căn bếp nhỏ. Ảnh: Thư Hoàng. |
(Đọc Những ý nghĩ khua vang căn bếp nhỏ, Tản văn, Nguyễn Bảo Chân, NXB Văn học, Hà Nội, 2023)
Những người đam mê văn chương, đặc biệt là văn chương hiện đại Pháp, chắc hẳn khó có thể quên một đoạn trong bộ Đi tìm thời gian đã mất, đoạn về ngụm nước trà và miếng bánh madeleine.
Trong một ngày ảm đạm và buồn bã, Marcel, nhân vật chính của thiên truyện được mẹ cho uống một tách trà cùng những chiếc bánh madeleine, thứ bánh bình thường trong mọi gia đình Pháp, thứ gateau nhỏ tạo hình vỏ sò, mềm mại tan ngay trên đầu lưỡi, ngọt ngào và thơm mùi bơ. Và ngay khi Marcel nhấp ngụm trà cùng một miếng bánh, cả một vùng kí ức về tuổi thơ đã sống dậy trong tâm tưởng anh.
Những ý nghĩ khua vang căn bếp nhỏ của Nguyễn Bảo Chân cũng vậy, hay đúng hơn, cuốn sách giống một hộp bánh madeleine mà mỗi chiếc lại mở ra một vùng kí ức và trải nghiệm.
Tập du kí ẩm thực đẹp
Dù du kí và những tùy bút ẩm thực là những đề tài đã có rất nhiều người viết của văn chương Việt Nam những năm gần đây nhưng có lẽ, phải rất lâu rồi, sau Bánh mì thơm, cà phê đắng của Ngô Thị Giáng Uyên, người đọc mới lại được đọc một tập du kí ẩm thực đẹp đến vậy.
Cùng là những người nữ, cùng viết về những chuyến đi, những nơi chốn và hương vị, cùng nhẹ nhõm và tinh tế với một thứ ngôn từ đầy chất thơ, giàu cảm xúc và chạm đến mọi giác quan của người đọc. Dẫu vậy, mỗi tác phẩm vẫn là một thế giới riêng, không thể trộn lẫn.
Uyên viết Bánh mì thơm, cà phê đắng cùng Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương (những người nữ này cùng thích những tiêu đề rất dài) khi mới bước vào đời và bước ra thế giới. Sách của cô có cái háo hức của người mới được nhìn thấy và khám phá ra những chân trời mới tuyệt đẹp và mới mẻ.
Còn Nguyễn Bảo Chân lại khác. Chị viết ở một thời điểm khác của cuộc đời, khi bản thân đã như một cánh buồm nhỏ được thời gian như ngọn gió thổi căng phồng và đưa ra giữa đại dương cuộc đời. Cánh buồm ấy đã đi qua nhiều vùng trời, vùng biển, đã “nếm trải những sóng dữ khôn lường”.
Thời gian đã khiến nhiều bến mới một thời với cánh buồm nhỏ ấy cũng đã trở thành bến cũ. Nhưng dẫu vậy, dù đã ra khơi, đã đón nhận đủ sóng to, gió cả thì cánh buồm ấy, người viết ấy, vẫn “giữ cho thơ, cho mình những gì đẹp đẽ”. Có lẽ chính điều ấy làm nên vẻ đẹp cho cuốn sách của chị.
Mà thực ra thì gọi tập sách của Nguyễn Bảo Chân là một du kí ẩm thực cũng là chưa hết nhẽ. Đúng là nó dằng dặc trải ra những chân trời, những Hà Nội, Bến Tre, Huế, Đà Nẵng và cả những Singapore, Paris, Berlin, Copenhague, Ljubljana, Trieste, những vùng quê Amboise, những vùng biển Saint Michel, những vùng rừng Thụy Điển.
Nhưng đa phần những nơi chốn ấy là những nơi chốn của quá khứ, Hà Nội quá khứ, Huế quá khứ, Sài Gòn quá khứ, một khu vườn quá khứ, một căn áp mái quá khứ và nhiều con người cũng thuộc về quá khứ.
Sự viết của Nguyễn Bảo Chân khác Giáng Uyên ở cái nhìn hồi cố ấy, một người thì háo hức khám phá, một người thì sống lại những trải nghiệm thông qua ngôn từ. Những trang viết của Nguyễn Bảo Chân khác với loại du kí thông thường ở cái nhìn ngược về quá khứ ấy. Và thực ra những trang viết của chị cũng không thuần túy là về ẩm thực, dù những món ăn, những hương vị hiện diện trong tất cả mọi đoản văn cấu thành nên cuốn sách.
Không có gì quá lạ lẫm, thậm chí, chỉ toàn những thứ có thể coi như những cliché văn hoá khi nói về ẩm thực: xôi, một thế giới của những loại xôi miền Bắc (xôi vò, xôi cốm); nem rán; bánh đúc; phở gà; bún bò; bánh xèo; … Ngay những món “hương xa” nhất cũng không phải là quá lạ lẫm: bánh mì, macaron hay galette des rois Pháp; tapas Tây ban nha; Panettone của Italy hay Vanillekipferl Đức…
Những thứ quen thuộc ấy, dưới ngòi bút của Nguyễn Bảo Chân vẫn có một cái gì rất đặc biệt. Bởi chị nhìn và cảm nhận nó một cách trọn vẹn, từ cách thức làm ra những thức thời trân ấy trong những gian bếp (trong sách của chị có cả một catalogue của những gian bếp đẹp), cho đến khi chúng được bày lên bàn mời gọi sự thưởng thức.
Chị nhìn thấy cái “lí” của những kết hợp hương vị, nhìn thấy nhịp điệu, sự hoà hợp của nguyên liệu và nghệ thuật chế biến một cách đầy tinh tế nhưng cũng ngẫu hứng và cảm nhận những thức trân quý ấy bằng tất cả mọi giác quan. Gọi những đoản văn của Nguyễn Bảo Chân là những du kí ẩm thực cũng không sai bởi đọc những bản văn ấy, người đọc được thưởng ngoạn vẻ đẹp, trọn vẹn, ngay từ khi được tạo sinh trong gian bếp của những món ăn.
Nhưng quan trọng hơn, đối với người kể chuyện, món ăn là một phần đời, nó gắn với những không gian, với những người thân, với bè bạn, với hạnh phúc vui buồn, cả đau đớn. Nó là những phần đời. Giống như Marcel trong Đi tìm thời gian đã mất, món ăn làm cho người kể chuyện được sống lại kí ức về người thân, về bạn bè, về những người thân thiết, những không gian và những quãng đời hạnh phúc.
Thế nên những đoản văn của Nguyễn Bảo Chân vẫn là một cái gì còn hơn cả một du kí ẩm thực thông thường. Nó như một tiểu thuyết tự truyện về một quãng đời đã qua mà thời gian như tấm filter để chỉ giữ lại những gì đẹp đẽ nhất, dù có thể, buồn bã.
Tác giả Bảo Chân. Ảnh: FBNV. |
Lối vào một nơi chốn thông qua ẩm thực
Một du kí ẩm thực đúng nghĩa sẽ luôn neo giữ món ăn với một nơi chốn. Ăn là một cách để có được một “lối vào” một nơi chốn và có lẽ ít kẻ lãng du nào là những người mê bếp núc. Nhưng Nguyễn Bảo Chân thì khác.
Chị thường có khuynh hướng đem món ăn vượt khỏi những ranh giới và giới hạn của những nơi chốn. Phở gà, bún bò, chân giò ninh măng, nem rán, cả bún chả “que tre” hay xôi vò được mang ra khỏi biên giới, nhiều khi rất nhiêu khê. Chị xoay sở để giữa những nơi chốn xa lạ có thể phục nguyên được trọn vẹn hương vị và hồn cốt của món Việt.
Và không những thế, chị mang món ăn từ những phương trời xa lạ về căn bếp nhà mình ở Hà Nội. Món ăn, với Nguyễn Bảo Chân, là những quãng đời bởi mỗi món ăn lại gắn với một con người làm nên một phần quan trọng của cuộc đời chị.
Đó là những người thân thiết, là bà, là dì, là bạn bè, là rất nhiều con người chỉ tình cờ gặp gỡ trên hành trình thiên lí mà rồi trở thành những người thân thiết, là những đồng hành đã đi cùng chị một quãng đời trên căn áp mái Paris mà mỗi khi đi qua vẫn còn vẹn nguyên nỗi nhớ hay những chiều Singapore lộng gió có một Irish pub với những cái ghế đung đưa.
Mỗi món ăn, với Nguyễn Bảo Chân là một trải nghiệm sống, nó mang theo kí ức về một không gian, một nơi chốn, một quãng đời và những con người. Nó là cách để nhắc nhở nhau về nguồn cội, để tận hưởng tình yêu và tình thân, để hờn dỗi và để hiểu rằng có những khoảng cách giữa con người không thể nào vượt qua được, như nỗi háo hức về hạt đậu nhỏ trong chiếc bánh Galette des rois được háo hức chờ người đàn ông nhận ra và rồi bị coi như một hạt sạn vô nghĩa.
Và rất nhiều người trong số ấy đã không còn nữa, hoặc đã phải đầu hàng trước quy luật của thời gian, không còn là con người xưa cũ: một nhà thơ, phải sống nốt quãng đời với chứng bệnh lãng quên hay những người bạn vong niên phải dành quãng đời còn lại trong trại dưỡng lão. Hoặc có những người đã trở thành quá xa.
Có lẽ, đó chính là lí do khiến Chân muốn đem món ăn ra khỏi những không gian cố hữu của nó. Chị mang món Việt đến những chân trời xa như mang theo một phần quá khứ, giữ nó sống cùng mình và mang những món phương xa về căn bếp của mình như một cách sống lại những quãng đời không còn nữa. Như chính chị viết, đó là cách để làm cho những gì đã xa mãi mãi là của mình.
Có một điểm chung của rất nhiều nhân vật trong sách của Nguyễn Bảo Chân: họ dường như không bị neo giữ vào một nơi chốn nào. Một nhà báo từ miền Trung ra Hà Nội lập nghiệp, trải qua những ngày khó khăn trong một căn nhà cấp bốn cuối một con ngõ lầy lội; một nhà thơ giữ nguyên giọng Quảng Bình nhưng lại sống ở Huế và cuối đời thì ở Sài Gòn; một nhà thơ già cuối đời từ bỏ Sài Gòn để sống trong một căn vườn Bến Tre hay một nhà thơ khác thì di động giữa Sài Gòn, Bình Dương và quê nhà; những người Việt định cư ở nước ngoài hay một người đàn ông gốc Ái nhĩ lan sống ở Singapore.
Có một cái gì rất gần giữa Nguyễn Bảo Chân và những con người ấy. Họ thuộc về một thế giới mà con người không bị đóng khung cả cuộc đời trong một không gian và những món ăn chính là một cách để trong cuộc đời xê dịch, họ nhớ về nhau và mang giữ những trải nghiệm quá khứ như những album kỉ niệm luôn theo bên mình. Có lẽ vì thế nên những phần xúc động nhất của cuốn sách lại không phải là về những món ăn mà là về những con người, về bà ngoại, về nhà báo Mai Nhung, nhà thơ Chim Trắng, nhà văn Lý Văn Sâm, những bạn bè, bạn viết, bạn vong niên và những người đã cùng chị đi qua một phần đời.
Trong sách của Nguyễn Bảo Chân có một đoạn rất hay chị viết về thuốc lá: hút một hơi thuốc nhưng chỉ giữ trong vòm miệng đủ để cảm nhận được sự hòa trộn của hương thuốc và cà phê và rồi thả khói ra chứ không hít sâu xuống phổi. Tản văn của Nguyễn Bảo Chân là như vậy.
Trong thời đại của một xã hội diễn cảnh khi mà mọi điều đều được phơi bày lên mạng xã hội một cách không thương tiếc thì chị vẫn giữ được cho văn của mình một khoảng cách cần thiết. Chị bước vào cuộc đời những người khác, gắn bó và thân thiết nhưng không phơi bày thân phận của họ lên trang viết như một người viết tiểu thuyết ứng xử với nhân vật của mình.
Và chị cũng hé lộ vừa đủ cuộc đời mình, cả những hạnh phúc trẻ thơ lẫn những nỗi buồn day dứt sâu thẳm cũng như những đau đớn tê dại nhưng cũng vẫn giữ lại đủ những gì chỉ cho riêng mình. Đó là một thái độ sống không dễ gì tìm thấy được trong thời đại ngày nay nhưng lại cần thiết để giữ cho cuộc đời những điều tốt đẹp.
Như là những món ăn, luôn ở đó, như những lời nhắc nhở ta về một cách sống, đúng nghĩa và đầy đủ.