Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chia nhỏ dự án để 'làm xiếc', không thông qua cửa Quốc hội

Nhiều đại biểu không đồng tình điều chỉnh mức vốn đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia vì cho rằng đang có tình trạng chia nhỏ dự án để tránh giám sát của Quốc hội.

Ngày 5/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Nội dung đáng chú ý và được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến là đề nghị nâng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng lên 35.000 tỷ đồng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải, đại diện cho cơ quan thẩm tra, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định hiện hành. Một số ý kiến khác cho rằng, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng là quá cao, dẫn tới khó kiểm soát.

Nêu quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội lần này, ông Hải cho biết Ủy ban thường vụ Quốc hội xin đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu không đồng tình.

Luat dau tu cong anh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Phương Thảo.

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Hoàng Quang Hàm đưa ra 5 lý do cho thấy sẽ không hợp lý khi nâng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ đồng.

Thứ nhất, mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia mức theo quy định hiện hành là 10.000 tỷ đồng không có bất cập khi cả giai đoạn 2016-2020, Quốc hội mới chỉ có phê duyệt 2 dự án.

Thứ hai, thời gian qua không có sự biến động trong điều chỉnh giá cả.

Thứ ba, những dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định sẽ có bố trí vốn ngay nên không sợ thiếu vốn.

Thứ tư, nếu theo đúng quy luật, đất nước càng phát triển càng cần nhiều dự án thì tổng mức đầu tư phải điều chỉnh xuống 5.000 tỷ đồng để còn giám sát.

Thứ năm, nếu điều chỉnh lên mức cao hơn là 20.000 tỷ đồng thì nhiệm kỳ tới Quốc hội sẽ không quyết định được dự án nào do đó nên để ở mức 10.000 tỷ đồng.

Luat dau tu cong anh 2
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Hoàng Quang Hàm. Ảnh: Phương Thảo.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng quy định tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia càng thấp thì càng dễ đảm bảo, bởi có sự giám sát của Quốc hội, do đó nên giữ nguyên ở mức 10.000 tỷ đồng.

Ông cũng nêu thực tế vừa qua có việc chia nhỏ các dự án ra để không thông qua hay xin ý kiến của Quốc hội, trong đó có những dự án đầu tư gây thất thoát, lãng phí. “Vì vậy việc nâng tổng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia thêm 10.000 tỷ đồng cần phải tính toán cho kỹ”, ông Xuân nói.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cũng chung nhận định cho rằng đang có tình trạng chia nhỏ dự án ra để “làm xiếc”. Nhấn mạnh dự án quan trọng quốc gia phải là những dự án cấp bách cần phải đầu tư để giải quyết vấn đề an sinh xã hội, quốc phòng… đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng không nên quá chú trọng vào số tiền hay quy mô dự án, quan trọng là giải quyết được vấn đề cấp bách đang đặt ra và tính khả thi của nó.

Ông Bình cũng lo ngại nếu tăng tổng mức đầu tư lên 35.000 tỷ đồng thì có lẽ cả nhiệm kỳ Quốc hội không quyết đựợc dự án nào.

Tăng tiêu chí dự án trọng điểm quốc gia lên 35.000 tỷ: Quá cao

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tiêu chí dự án trọng điểm quốc gia nâng lên gấp 3,5 lần hiện tại là quá cao và đề xuất chỉ tăng đến 15.000 tỷ đồng.





Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm