Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ việc học sinh nữ ở Bắc Giang bị thầy giáo dâm ô; bé gái bị xâm hại tại vườn chuối... Mới đây nhất, ở TP.HCM một bé gái tiếp tục trở thành nạn nhân.
Chia sẻ với Zing.vn, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, cho rằng thực trạng này đã vượt quá mức độ hồi chuông báo động. Từng nhiều lần thể hiện quan điểm trên nghị trường về vấn nạn xâm hại, dâm ô trẻ em, bà kiến nghị có những thay đổi, bổ sung quy định pháp luật.
Nơi nào trẻ em cũng có thể bị xâm hại
- Trước việc liên tiếp xảy ra những vụ sàm sỡ, xâm hại tình dục đối với trẻ em, bà có suy nghĩ gì?
- Theo quan sát của tôi, điều đáng nói là hành vi dâm ô với trẻ em giờ đây không chỉ xảy ra ở những nơi “khuất mắt”, mà còn ngang nhiên ở chốn công cộng, có camera quan sát.
Điều đó cho thấy giờ đây, ở bất cứ nơi đâu, môi trường nào cũng trở thành mối nguy cơ bị xâm hại đối với trẻ em nếu người lớn thiếu cảnh giác và chủ quan trong việc nhận diện vấn đề.
- Ở góc độ một đại biểu Quốc hội, theo bà nguyên nhân của thực trạng này là do đâu?
- Xảy ra tình trạng báo động này do một phần quy định của Bộ luật Hình sự về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi chưa minh định, không có định nghĩa rõ ràng thế nào là dâm ô cũng như thiếu nhất quán trong cách hiểu. Cho nên để xác định chứng cứ rất khó, nhiều vụ việc dâm ô trẻ em không thể xử lý pháp luật vì thiếu chứng cứ. Đây là một lỗ hổng pháp lý.
Giờ đây, ở bất cứ nơi đâu, môi trường nào cũng trở thành mối nguy cơ bị xâm hại đối với trẻ em nếu người lớn thiếu cảnh giác và chủ quan
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền
Và chính vì xem nhẹ hành vi dâm ô nên mức án đưa ra cho hành vi này cũng rất nhẹ, chỉ 3-7 năm tù, vì thế người gây ra hành vi có tâm lý không sợ luật.
Về phía người bị hại, họ chứng kiến trong nhiều vụ việc tương tự nhưng con đường đi tìm công lý rất khó khăn, không đòi được sự công bằng. Điều đó gây ra tâm lý cản trở, không muốn đưa sự việc ra pháp luật mà chấp nhận phương án thoả hiệp với kẻ phạm tội.
Nguyên nhân đều bắt nguồn từ luật, nên phải sửa được luật mới giải quyết được những bất cập này.
Ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sàm sỡ bé gái trong thang máy ở Sài Gòn. |
Ngoài ra, cũng phải nói đến nhận thức của cha mẹ, người thân của trẻ còn xem nhẹ hành vi này, không lường trước nguy cơ xảy ra, không hình dung được mức độ tổn thương tâm lý của nạn nhân...
Bổ sung biện pháp lao động công ích với kẻ dâm ô
- Bên cạnh việc còn khoảng trống pháp lý, hình phạt cho hành vi dâm ô còn chưa nghiêm, chúng ta cũng chưa có biện pháp tư pháp gì đi kèm để áp dụng đối với các đối tượng phạm tội. Bà nghĩ sao về việc bổ sung các biện pháp như bắt buộc lao động công ích, xin lỗi công khai?
- Tôi tán thành với việc xử phạt hành chính hoặc hình sự đã được quy định trong luật thì cần có những biện pháp tư pháp kèm theo, ví dụ lao động công ích. Hoặc nếu hành vi dâm ô là do bệnh lý, tức là người phạm tội có nhu cầu tình dục lệch chuẩn mà gây ra hành vi đó, thì phải yêu cầu bắt buộc điều trị, hoặc có quy định cách ly, giữ khoảng cách với cộng đồng.
Còn về hình thức xin lỗi công khai, cần xem xét trong nhiều trường hợp. Nếu nạn nhân chấp nhận công khai danh tính rõ ràng và yêu cầu xin lỗi công khai thì thực hiện. Nhưng thông thường trong những vụ việc này, đa số nạn nhân không muốn xuất hiện thì rất khó áp dụng hình thức xin lỗi công khai. Đặc biệt với trẻ em thì càng cần bảo mật thông tin.
- Ở nhiều quốc gia, bên cạnh chống, việc phòng ngừa, tức là trang bị cho trẻ kỹ năng để có thể chống lại các hành vi xâm hại, dâm ô rất được coi trọng. Chúng ta nên học hỏi điều này thế nào?
- Đúng vậy. Cần phải nhận thức rằng trách nhiệm bảo vệ trẻ em đầu tiên phải thuộc về gia đình, cha mẹ người thân của trẻ. Rõ ràng, vụ việc gần đây nhất gây bất bình trong dư luận xã hội liên quan đến cô gái bị sàm sỡ tấn công tình dục trong thang máy, báo chí truyền thông đưa tin dày đặc còn chưa ráo mực, thế nhưng vẫn không ít cha mẹ chưa nâng cao tính cảnh giác, còn quá sức chủ quan.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền từng nhiều lần phát biểu về thực trạng trẻ em bị xâm hại ở nghị trường Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tôi cho rằng người dân cần phải được tuyên truyền để có nhận thức pháp luật và hiểu biết đầy đủ để bảo vệ con mình tốt hơn. Nhất là các gia đình có trẻ em sống trong các tòa nhà chung cư cao tầng, không nên chủ quan phó mặc cho camera quan sát hay bộ phận an ninh.
Đồng thời, cần trang bị cho trẻ những kiến thức kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình phù hợp với môi trường trẻ đang sống.
Đối với trẻ em dưới 13 tuổi, rất cần sự giám sát của cha mẹ hoặc người giám hộ khi trẻ ra khỏi nhà/căn hộ hoặc đến những nơi có nguy cơ bất an toàn, không nên để con trẻ di chuyển một mình trong thang máy hoặc đi ở các lối hành lang vắng người mà không có sự theo sát của người lớn.
Tuy nhiên, tôi cũng rất muốn cơ quan điều tra làm rõ, tại sao thang máy có camera an ninh nhưng khi xảy ra vụ việc lại không phát loa cảnh báo để ngăn ngừa hậu quả. Nhân viên trực an ninh đang làm gì, ở đâu? Cần phải truy trách nhiệm đến cùng các cá nhân, bộ phận quản lý tòa nhà và có hình thức xử phạt thích đáng để làm gương.
Nghiêm trọng hơn cả hồi chuông báo động
- Nhắc đến việc đối tượng sàm sỡ cô gái trong tháng máy chỉ bị phạt 200.000 đồng, thời điểm đó dư luận rất bức xúc. Phải chăng, vụ việc bé gái bị xâm hại trong thang máy lần này có hệ lụy từ việc “phạt cho có” trước đó?
- Không nên đánh đồng việc phạt hành chính 200.000 đồng đối với kẻ đã tấn công tình dục cô gái trong thang máy ở Hà Nội với vụ việc của bé gái bị xâm hại này. Đó là 2 câu chuyện khác nhau, nạn nhân là 2 đối tượng khác nhau, tính chất mức độ hành vi khác nhau, việc áp dụng luật sẽ khác nhau.
Hiện, cơ quan điều tra đã vào cuộc và đang tích cực làm rõ vụ việc. Tôi hy vọng việc xác định rõ hành vi kẻ gây ra vụ xâm hại đến bé gái sẽ có kết quả sớm và được xử lý nghiêm minh theo luật định.
Các vụ việc liên tiếp xảy ra không còn ở dạng cá biệt, mà đó là biểu hiện của sự xuống cấp trầm trọng về mặt đạo đức, lối sống của một bộ phận dân cư trong xã hội này. Nguy hại hơn, trong đó có cả thành phần trí thức, hiểu biết pháp luật
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền
Bên cạnh đó, tôi rất mong những gia đình có con là nạn nhân trong các vụ xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em hãy tin vào sự công tâm và cương quyết trong việc tìm lại sự công bằng, công lý cho con em mình.
Với những gì liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây cùng với những diễn biến có tính chất phức tạp của các vụ việc, sự bình tĩnh, thận trọng trong cách thức lên tiếng của những người có liên quan sẽ giúp cho việc phòng chống, đấu tranh với loại tội phạm này hiệu quả hơn.
Dư luận có quyền bức xúc và phẫn nộ nhưng trong lúc này chúng ta không nên có suy luận chủ quan gây ảnh hưởng bất lợi đến bé và gia đình của bé.
- Liên tiếp những sự việc dâm ô trẻ em xảy ra khiến người dân rất bất bình. Kỳ họp Quốc hội còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra, với trách nhiệm của mình, bà có tiếp tục nêu vấn đề này tại Nghị trường, bởi tôi biết trước đó, bà là một trong những đại biểu đã nhiều lần đề cập đến thực trạng này và cũng góp ý nhiều giải pháp để ngăn chặn?
- Cho đến lúc này, tôi nghĩ rằng Chính phủ và các cơ quan tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em không thể nhận định tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em trong đó có hành vi dâm ô trẻ em, học sinh chỉ là hồi chuông đáng báo động nữa.
Xin khẳng định các vụ việc liên tiếp xảy ra không còn ở dạng cá biệt, mà đó là biểu hiện của sự xuống cấp trầm trọng về mặt đạo đức, lối sống của một bộ phận dân cư trong xã hội này. Nguy hại hơn, trong đó có cả thành phần trí thức, hiểu biết pháp luật.
Tôi cũng mong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới đây, trong chương trình sẽ dành thời gian thảo luận nội dung quan trọng này.
Với trách nhiệm của mình, tôi sẽ vẫn tiếp tục gửi kiến nghị, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các điều khoản pháp luật liên quan đến tội xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em trong nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội.