Ở Singapore, 2 giờ đồng hồ, đó là những gì đội ngũ y tế cần để khám phá những chi tiết ban đầu về cách bệnh nhân nào đó nhiễm virus corona và những người mà họ có thể lây nhiễm, New York Times cho biết.
Những câu hỏi được đặt ra ngay lập tức là họ đã đi du lịch nước nào? Họ có liên kết với một trong năm cụm truyền nhiễm được xác định trên cả nước hay không? Họ có ho trên đường không? Ai là bạn bè và gia đình của họ, bạn bè và đối tác uống rượu của họ.
Khi các quốc gia phương Tây đang vật lộn với sự lây lan của virus corona, chiến lược của Singapore là di chuyển nhanh chóng để theo dõi và kiểm tra các đối tượng nghi ngờ, cung cấp một mô hình để ngăn chặn dịch bệnh, ngay cả khi nó không thể dập tắt hoàn toàn các ca nhiễm mới.
Đi trước sự lây lan của virus
Với việc giám sát chặt chẽ quá trình đi lại của người dân, đội ngũ giám sát của chính phủ đã tìm thấy một nhóm ca sĩ cuồng nhiệt đã làm lây nhiễm virus cho gia đình của họ, sau đó đến phòng tập gym, nhà thờ, tạo thành vụ lây lan lớn nhất ở Singapore.
“Nếu bạn muốn ngăn chặn virus, chúng ta phải đi trước một hoặc hai bước, bạn sẽ phải luôn đứng sẵn ở mỗi khúc cua”, Vernon Lee, giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế Singapore nói.
Giám sát quá trình đi lại của người dân là một trong những yếu tố giúp châu Á ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Ảnh: New York Times. |
Singapore, Đài Loan và Hong Kong đã đưa ra những cách tiếp cận thành công, ít nhất là đến thời điểm hiện tại, khi chiến đấu với đại dịch đã lây nhiễm cho gần 200.000 người, cướp đi sinh mạng gần 8.000 người trên toàn thế giới.
Dù đã bị virus corona tấn công nhiều tháng trước, 3 nơi ở châu Á này chỉ ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tương đối ít, dù họ tiếp tục đối mặt với rủi ro khi mọi người từ các điểm nóng mới nổi ở Mỹ, châu Âu và các nơi khác mang virus đi cùng.
Can thiệp sớm chính là chìa khóa. Vì vậy theo dõi sự di chuyển của người dân, thực thi kiểm dịch và cách ly một cách tỉ mỉ, tất cả đều được phối hợp bởi một lãnh đạo sẵn sàng hành động nhanh chóng và minh bạch.
Tại Singapore, các chi tiết về nơi bệnh nhân sống, làm việc, vui chơi được phát hành trực tuyến một cách nhanh chóng, cho phép những người khác tự bảo vệ mình. Những ai từng liên hệ với bệnh nhân được cách ly để hạn chế sự lây lan. Chính phủ Singapore tiếp tục phong tỏa biên giới trong tuần này để bảo vệ chống lại một làn sóng nhiễm bệnh mới từ những người nhập cảnh.
Thành công nhờ bài học từ dịch SARS
Bài học từ sự thành công ở Singapore, Hong Kong và Đài Loan có thể là quá muộn để học theo đối với Mỹ và châu Âu, nơi mà “sóng thần” virus đang càn quét, trong khi một số chính phủ trì hoãn và tranh luận về phản ứng của họ.
Các hệ thống giám sát cộng đồng ở Singapore, Đài Loan và Hong Kong đã được xây dựng trong nhiều năm, sau thất bại của họ trong việc ngăn chặn dịch SARS 17 năm trước. Mỹ đã giải tán đơn vị ứng phó đại dịch vào năm 2018.
Đài Loan, Hong Kong và Singapore đang đối mặt với làn sóng virus "nhập khẩu" từ người nước ngoài. Ảnh: New York Times. |
Ngoài ra, mô hình kiểm soát dịch bệnh ở châu Á rất khó có thể nhân rộng ở phương Tây, nơi mọi người không bị theo dõi bởi camera quan sát, hoặc cung cấp hồ sơ nhập cư vì sức khỏe quốc gia.
Kiểm soát dịch bệnh chắc chắn sẽ xâm phạm quyền tự do cá nhân, điều rất được coi trọng ở phương Tây. Nhưng ở Singapore, nhai kẹo cao su nơi công cộng bị cấm và người dân sẵn sàng chấp nhận mệnh lệnh của chính phủ.
“Có thể đó là vì bối cảnh châu Á của chúng tôi, nhưng cộng đồng của chúng tôi được sắp xếp theo hướng này. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu, bởi vì cách ly và kiểm dịch là công việc bắt buộc”, Lalitha Kurupatham, phó giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế Singapore nói.
Giàu có và trật tự, Singapore đã dành nhiều năm để xây dựng một hệ thống y tế công cộng, bao gồm các phòng khám được chỉ định về dịch bệnh. Các nhà mạng chủ động nhắn tin kêu gọi công chúng rửa tay, hay che miệng khi hắt hơi khi có cúm mùa.
Đạo luật về kiểm soát bệnh truyền nhiễm đem lại tầm vĩ mô cho toàn quốc trong việc ưu tiên các lợi ích chung đối với các mối quan tâm về quyền riêng tư. “Ngay trong thời bình, chúng tôi đã lên kế hoạch cho những dịch bệnh như thế này”, bà Kurupatham nói.
Trong những ngày đầu của dịch bệnh, Singapore rất dễ bị ảnh hưởng bởi một lượng lớn người dân Trung Quốc đại lục đến quốc đảo để nghỉ Tết nguyên đán. Singapore không có hàng không nội địa, mọi chuyến bay đến quốc đảo này đều là quốc tế, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.
Chính phủ Singapore rất minh bạch đối với tình hình dịch bệnh. Tính đến hết ngày 17/3, Singapore xác nhận 266 ca nhiễm Covid-19 và chưa có ca tử vong nào. Khi tin đồn về loại virus gây viêm phổi ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, Singapore đã lập tức hành động.
Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên cấm du khách Trung Quốc từ cuối tháng 1 và kiểm tra thân nhiệt cho những người nhập cảnh vào nước này. Một quốc đảo với dân số chỉ 5,7 triệu người, nhưng có thể tiến hành xét nghiệm virus cho 2.000 người/ngày.
Đi trước sự lây lan của virus là chìa khóa trong việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng. Ảnh: New York Times. |
Trong khi đó tại bang Washington, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ, các phòng thí nghiệm đang hướng đến mục tiêu xét nghiệm cho 400 mẫu bệnh phẩm/ngày. Ở Singapore, việc xét nghiệm hoàn toàn miễn phí. Chính phủ có hơn 140 công cụ để theo dõi bệnh nhân.
Những người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 được đưa đi cách ly bắt buộc để ngăn chặn lây nhiễm. Gần 5.000 người đã được cách ly. Những người né tránh cách ly bắt buộc có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự.
Ở Hong Kong, ký ức từ dịch SARS đã giúp thành phố thực hiện mạnh tay các biện pháp phòng dịch khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc.
“Một điều rất quan trọng là người dân Hong Kong có những ký ức sâu sắc về dịch SARS. Mỗi người dân đều làm phần việc của mình, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, chẳng hạn như tránh những nơi tụ tập đông người”, bác sĩ Kwok Ka-ki, một nhà lập pháp nói.
Chính quyền Hong Kong cũng bắt kịp sự thận trọng của công chúng. Biên giới với Trung Quốc đại lục được thắt chặt, công chức được lệnh làm việc tại nhà. Các trường học đóng cửa từ cuối tháng 1, cho đến ít nhất cuối tháng 4.
Đài Loan đã hành động thậm chí còn nhanh hơn. Giống như Hong Kong và Singapore, Đài Loan được liên kết bằng các chuyến bay trực tiếp đến Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát. Trung tâm chỉ huy y tế quốc gia được thành lập sau khi dịch SARS giết chết 37 người, bắt đầu áp dụng sàng lọc hành khách từ Vũ Hán vào cuối tháng 12, ngay trước khi Bắc Kinh thừa nhận virus corona lây từ người sang người.
“Từ bài học của chúng tôi đối với dịch SARS, ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi đã áp dụng cách tiếp cận toàn chính quyền”, Joseph Wu, người đứng cầu cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết.
Từ cuối tháng 1, Đài Loan đã đình chỉ tất cả chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, bất chấp lời khuyên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chính quyền cũng nắm giữ dữ liệu lớn được tích hợp với cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế, kết hợp với thông tin nhập cư và hải quan để theo dõi các trường hợp tiềm ẩn.
Khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên du thuyền Diamond Princess được phát hiện sau khi dừng ở Đài Loan, chính quyền đã gửi tin nhắn đến mọi điện thoại đi động trên đảo, liệt kê từng nhà hàng, địa điểm du lịch mà hành khách trên tàu từng ghé thăm.
Tính đến ngày 17/3, Đài Loan ghi nhận 77 ca nhiễm Covid-19. Học sinh đã trở lại trường từ cuối tháng 2.
Khi virus đang lan rộng trên khắp thế giới, các quan chức y tế công cộng ở 3 khu vực nói trên đang chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài hơn. Hôm 17/3, chính quyền Hong Kong, nơi có 157 ca nhiễm, tuyên bố cách ly 14 ngày bắt buộc đối với tất cả du khách nước ngoài.
Đài Loan yêu cầu tự cách ly đối với những người đến từ 20 quốc gia và 3 tiểu bang của Mỹ. Singapore áp dụng biện pháp hạn chế biên giới hơn nữa. Những người đến từ các quốc gia Đông Nam Á và một phần châu Âu phải tự cách ly 14 ngày.