Thánh lễ diễn ra cuối tháng trước tại thánh đường Hồi giáo quy mô lớn bên ngoài thủ đô Kuala Lumpur đã trở thành nguồn lây lan virus SARS-CoV-2, với hàng trăm ca nhiễm mới, nhiều ca đang di chuyển ra khắp Đông Nam Á.
Đóng cửa biên giới
Ca tử vong đầu tiên liên quan đến sự kiện ngày 27/2-1/3 tại thánh đường Sri Petaling này là người đàn ông 24 tuổi người Malaysia, qua đời ngày 17/3, Bộ trưởng Y tế nước này Adham Baba thông báo.
Nhà thờ Hồi giáo Sri Petaling ở Kuala Lumpur. Ảnh: AP. |
Thánh lễ có 16.000 người tham dự, bao gồm 1.500 người nước ngoài. Gần 2/3 trong số 673 ca nhiễm virus corona ở Malaysia (tính đến sáng 18/3) có liên quan tới thánh lễ nói trên, và không rõ ai đã mang virus tới thánh lễ.
Reuters tái hiện lại kịch bản lây nhiễm có thể đã xảy ra, dựa vào lời kể của 6 người tham dự và hình ảnh, video trên mạng xã hội.
Bên tổ chức, phong trào Hồi giáo Tablighi Jama’at, có nguồn gốc từ Ấn Độ khoảng một thế kỷ trước, đã ngưng các hoạt động truyền giáo, nhưng chưa bình luận chính thức.
Malaysia đã tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới, giới hạn đi lại trong nước, và đóng cửa trường học, kinh doanh trong nỗ lực kiềm chế sự bùng phát của Covid-19. Toàn bộ thánh đường Hồi giáo sẽ đóng cửa hai tuần.
“Tôi khá ngạc nhiên là (sự kiện đó) được tiến hành”, Surachet Wae-asea, một cựu nghị sĩ Thái Lan từng dự thánh lễ nhưng đã xét nghiệm âm tính, nói với Reuters.
“Nhưng ở Malaysia, tôn giáo rất quan trọng”. Văn phòng thủ tướng Malaysia và Bộ Y tế nước này từ chối bình luận thêm.
Nắm tay, ăn chung đĩa
Thánh lễ nói trên là sự kiện lớn, trong đó khách tham dự đi nhiều chuyến xe buýt tới và ngủ qua đêm ở nhiều nơi khác. Các tín đồ đến từ hàng chục nước, bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc, hai nước có số ca nhiễm Covid-19 cao, và các nơi khác như Canada, Nigeria, Ấn Độ và Australia.
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các tín đồ cầu nguyện vai kề vai bên trong thánh đường, trong khi một số khách chụp selfie khi đang ăn chung. Không rõ bao nhiêu khách tham dự là cư dân Malaysia, nhưng nhiều ca nhiễm có nguồn gốc từ sự kiện này đang xuất hiện thêm mỗi ngày trên khắp Đông Nam Á.
“Chúng tôi ngồi gần nhau”, một người đàn ông Campuchia 30 tuổi dự sự kiện nói từ một bệnh viện tại tỉnh Battambang của Campuchia, nơi anh đang được điều trị sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào ngày 16/3.
“Ở thánh lễ chúng tôi nắm tay với nhiều người từ nhiều nước. Gặp mọi người là tôi nắm tay, một điều rất bình thường, nên tôi không biết mình lây bệnh từ ai”, anh nói, đề nghị giấu tên vì lo sợ bị cộng đồng Hồi giáo kỳ thị.
Những người tổ chức không nói gì về rửa tay, về dịch bệnh, hay các biện pháp phòng ngừa trong sự kiện, nhưng hầu hết người tham dự rửa tay thường xuyên, vì đó là một phần trong nghi lễ Hồi giáo của họ.
Các sự kiện Hồi giáo thường quy tụ hàng nghìn tín đồ, họ ngồi sát bên nhau. Ảnh: Bloomberg. |
Một khách tham dự khác từ Campuchia cho biết các tín đồ ăn chung đĩa. Chỉ mới một nửa người tham dự Malaysia ra trình báo để được xét nghiệm, gây ra lo ngại rằng ổ dịch này còn lớn hơn và lây lan mạnh hơn so với những gì đang được ghi nhận.
New Straits Times đưa tin ngày 17/3 giới chức y tế Malaysia vẫn đang truy tìm thông tin của 8.786 người tham gia sự kiện nói trên. Tính đến ngày 16/3, tức hơn nửa tháng sau thánh lễ, mới có 3.439 mẫu bệnh phẩm của người có tham dự sự kiện được thu thập, theo thông báo của
Bộ trưởng Y tế Malaysia Hisham Abdullah. Brunei đã có 50 ca nhiễm được xác nhận từ thánh lễ, trên tổng số 56 ca tại nước này. Singapore công bố 5 ca nhiễm liên quan tới thánh lễ, trong khi Campuchia phát hiện 13 ca, Thái Lan phát hiện ít nhất 2 ca.
Việt Nam, Philippines và Indonesia (Indonesia có gần 700 công dân tham dự) đều đang điều tra.
“Vô trách nhiệm”
“Sự kiện Tablighi ở Kuala Lumpur... có thể gây ra đợt bùng phát trong khu vực và việc giới chức cho phép diễn ra là vô trách nhiệm”, nhà ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan nói trên trang Facebook của mình.
Đây không phải sự kiện tôn giáo đầu tiên trở thành ổ dịch Covid-19. Các sự kiện của giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu, Hàn Quốc đã gây ra hàng nghìn ca nhiễm virus corona trên khắp nước này, buộc chính quyền xét nghiệm toàn bộ tín đồ giáo phái, từng biến Daegu thành “thị trấn ma”.
Tại thời điểm cuối tháng 2 khi sự kiện Tablighi diễn ra, Malaysia đang khủng hoảng chính trị. Thủ tướng Mahathir Mohamad 94 tuổi từ chức rồi lại được bổ nhiệm lại ngay sau đó. Thủ tướng mới Muhyiddin Yassin tuyên thệ nhậm chức ngày 1/3, và đến ngày 13/3 ra lệnh cấm tụ tập đông người.
Một số người tham dự bào chữa rằng tại thời điểm 28/2 ở Malaysia, số ca nhiễm được xác nhận là 25 và chưa quá nghiêm trọng.
“Chúng tôi không lo lắng lúc đó vì tình hình Covid-19 dường như đang trong tầm kiểm soát”, Khuzaifah Kamazlan, giáo viên giảng dạy tôn giáo 34 tuổi nói với Reuters. Anh tham dự sự kiện nhưng sau đã xét nghiệm âm tính với virus.
Khuzaifah nói một số tín đồ đã tham dự nhưng từ chối xét nghiệm, mà muốn dựa vào Chúa bảo vệ mình.
Karim, 44 tuổi, người Malaysia, tham dự sự kiện và sau đó dương tính với virus corona, nói chính quyền lẽ ra nên hủy sự kiện.
“Chúng tôi hơi thất vọng khi bị đổ hết lỗi vì khiến số ca nhiễm bùng phát. Cách nhìn đó là bất công. Không có lệnh cấm chúng tôi tụ tập”, Karim, đề nghị giấu họ, nói.
“Giờ thì tôi lo lắng sau khi dương tính. Hãy cầu nguyện cho tôi”.