Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chỉ người ghét ta mới giúp được ta điều này

Có những điều chỉ người ghét ta mới giúp ta được. Họ không chủ ý giúp ta, nhưng thử thách họ mang đến là thực tế thô ráp xát mạnh vào bản ngã nhung lụa ta mang.

Phia truoc cua truong thanh anh 1

Cuộc sống là vậy, làm sao thực sự hiểu được một người nếu như không kinh qua điều họ chịu đựng. Nguồn: Liza Summer/Pexels.

Có một ngày, tôi được mời họp để phân trần trắng đen trong công việc. Kết quả cuộc họp là tôi làm đúng những gì thuộc công việc của mình, không sai như giả định ban đầu. Đột nhiên có một người trở nên giận dữ, nói với tôi là đừng kiêu căng, hãy tham khảo ý kiến người đó khi mà tôi mới chỉ bắt đầu công việc, hãy tôn trọng người khác.

Tôi nói trước mặt người đó, và những người quản lý rằng, làm việc độc lập là thói quen xưa nay của tôi. Công việc này đang trong khả năng tôi đảm nhận được. Khi chưa nỗ lực hết mình mà đã hỏi sự chỉ bảo của người khác, tôi cảm thấy có lỗi, nên sẽ không bao giờ làm phiền ai khi mình chưa bế tắc. Mong rằng họ sẽ hiểu cho lựa chọn của tôi.

Chẳng ngờ được, người đó càng tức giận hơn.

Sau buổi họp, một người quản lý thông cảm cho tôi, khuyên nên chú ý một chút, bởi vì người giận dữ kia vốn không có thiện cảm với tôi ngay từ lúc bắt đầu công việc. Theo đó, tôi mới biết rằng người kia đã ý kiến lên quản lý để có cuộc họp này.

Trời ơi, tôi đã có một phản ứng vô lý nhất quả đất: nổi cáu với người quản lý đang thông cảm với mình! Tôi nói rằng không có chuyện người kia ghét tôi đâu, tất cả chỉ là hiểu lầm mà thôi.

Giờ đây nhìn lại, tôi cảm thấy vừa xấu hổ vừa buồn cười bản thân: nổi nóng với người có thiện chí và chối bỏ thực tế, mong muốn sự chấp nhận từ người đã tấn công mình.

Sau buổi họp hôm ấy, tôi cố gắng niềm nở với người kia, với niềm tin tất cả chỉ là hiểu lầm. Người ta càng ghét. Tôi đến bất lực và bắt đầu cũng ghét người ta. Nhưng sợi dây phức cảm đạo đức vẫn còn. Sự quý mến và ngưỡng mộ tôi từng dành cho người đó không thể xóa mờ trong phút chốc như vậy. Có lẽ tôi đã sai ở đâu đó. Nhưng càng nhìn vào lý lẽ người ấy nói với tôi, tôi càng không tìm được lỗi sai nào có lý. Người kia đang tự ái vì không có được sự tôn thờ mà người đó kì vọng đấy chứ? Thế rồi, lúc thì phớt lờ, lúc thì chịu đựng, chẳng cần đi đến tận cùng mọi câu hỏi làm gì, mọi thứ rồi sẽ qua đi. Tôi nghĩ vậy.

Ở một trang khác của cuộc đời, khi ấy lần đầu tiên tôi dạy học trước màn hình máy vi tính. Đại dịch Covid-19 khiến chúng tôi nhìn việc dạy và học trực tuyến với một con mắt khác. Tính năng trò chuyện chung (chat) trên nền tảng dạy học thật thú vị. Các bạn sinh viên thoải mái hơn khi ghi ra những câu hỏi, những ý kiến riêng. […]

Nhưng có một buổi tôi gặp liên tiếp hai điều thách thức bản thân. Điều đầu tiên là tôi nói sai tên một nhà tâm lý. Hàng loạt dòng chữ ghi lại tên của nhà tâm lý đó hiện lên trong hộp trò chuyện chung (chat). Tôi nhận lỗi sai và cảm ơn các em giúp đính chính lại. Trong lòng thoáng chút xấu hổ, nhưng tự trấn an mình. Các em đang theo dõi bài tích cực, có đủ kiến thức để sửa lại điều chưa đúng và môi trường lớp học đủ an toàn để các em biểu đạt ngay lập tức. Trong đầu tôi hiện lên những ánh mắt thiện chí thường thấy ở sinh viên, nên cảm xúc xấu hổ qua đi nhanh chóng. Chúng tôi tiếp tục thảo luận quanh các câu hỏi thú vị mà các em đặt ra.

Sự vui mừng ấy kéo dài cho đến khi có một bình luận viết rằng tôi nên giảng tiếp vào bài, bỏ qua những câu hỏi bên lề. Tôi khẳng định ngay với cả lớp rằng mọi câu hỏi và ý kiến đều mở ra những cơ hội học hỏi. […]

Thế là sau giờ giải lao, tôi hỏi cả lớp xem có điều gì các bạn thấy chưa phù hợp. Chỉ có hai ý kiến được đưa ra thôi. Một bạn bày tỏ rất kiên quyết là không thấy thảo luận cần thiết. Một bạn khác gõ rồi xóa rất lâu, cuối cùng cẩn trọng phản hồi rằng sợ tôi mệt khi phải trả lời nhiều. […]

Ý kiến của hai bạn ấy có điểm đúng. Không phải sinh viên nào cũng theo kịp mạch tư duy nhảy số liên tục của nhiều bạn trong lớp. Chậm lại và khuôn khổ lại cũng là điều nên làm, nhưng vẫn tiếp tục duy trì thảo luận. Tôi đã lựa chọn như vậy cho các giờ học sau.

Giải quyết xong vấn đề thực tế rồi. Tan học. Nhưng vẫn có điều gì đó hơi nhoi nhói trong người. Tôi cho phép mình không lý trí như lúc cần tổ chức lớp học sao cho hiệu quả nữa. Cảm xúc bắt đầu cất tiếng nói. Hãy để nó tự trào ra các lớp sâu kín.

Tôi tự nhẩm:

“Cảm giác bị chạm vào lòng tự ái… Một điều mình tin là mang lại ý nghĩa hóa ra vô giá trị trong mắt người khác. Cảm thấy bản thân vô dụng…

Với các giảng viên khác, các bạn ấy có đòi hỏi phải thay đổi phong cách không? Hay chỉ làm điều này với mỗi mình mình?… Có phải mình dễ nhận lỗi và ghi nhận sự đúng đắn của người khác quá, nên người ta được đà bắt mình phải theo ý họ mà chẳng có chút ghi nhận nỗ lực và đóng góp của mình?…

Thôi đừng, mình đi quá xa rồi, quay lại nào. Có niềm tin là tiếng nói được chấp nhận thì các bạn ấy mới nói ra chứ. Đó là sự tin tưởng mà…

“Ôi khó chịu quá… Cảm thấy không được tôn trọng”.

Ôi! Một điều chợt tỉnh trong tôi. Tôi nhận ra cảm xúc này quen thuộc lắm, không phải ở tôi. Mà là ở người đã ghét tôi năm xưa. […]

Lúc này, tôi cảm thấy được chính trải nghiệm của người ấy. Tôi cảm thấy thương cho sự yếu đuối và hổ thẹn mà người ấy và tôi chia sẻ cùng nhau, dẫu rằng ở dòng thời gian và khoảng không gian khác.

Cuộc sống là vậy, làm sao thực sự hiểu được một người nếu như không kinh qua điều họ chịu đựng. Ở những góc độ quan sát và trường trải nghiệm khác nhau, chẳng thể nhìn cuộc sống theo cách như nhau được.

Khi còn trẻ, chúng ta thường gay gắt với những ứng xử không vừa ý của người lớn tuổi hơn dành cho mình. Ta nghĩ rằng khi người ta đã ở độ tuổi ấy, đã trưởng thành hơn, phải biết hành động và nói lời sao cho nhân ái. Ta chưa hiểu được rằng, con người ở độ tuổi nào, cảm xúc đều có khả năng bị tổn thương. Phê phán, chỉ trích điều mình không hài lòng ở người khác rất dễ. Nhưng khi ở trong chính bối cảnh của họ, mang trên tay trách nhiệm họ từng mang, ta mới hiểu, sống sao cho đúng không dễ dàng như nói điều đạo lý. Nhận lấy và thực thi trách nhiệm là một bước ngoặt khi trưởng thành. […]

Thế nên, có những điều chỉ người ghét ta mới giúp ta được. Họ không chủ ý giúp ta, họ đang phản ứng để thỏa mãn bản ngã bị tổn thương của họ. Nhưng thử thách họ mang đến là thực tế thô ráp xát mạnh vào bản ngã nhung lụa ta mang. Có những lúc chỉ tổn thương mới có thể neo lại một ngẫm nghĩ về những sự thật của cuộc sống.

Đặng Hoàng Ngân / Quảng Văn Books - NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY