Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đây là một trong 7 dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp lần này.
ĐB Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) đánh giá sự thiết thực của dự thảo luật sửa đổi khi hoạt động giao dịch điện tử đã phát triển hơn nhiều so với trước.
Đề cập đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trong giao dịch điện tử, nữ đại biểu phản ánh bản thân bà và nhiều người thường xuyên bị lộ thông tin cá nhân.
Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (TP.HCM). Ảnh: Quang Phúc. |
“Tôi không hiểu vì sao tất cả email của tôi chỉ gửi những đơn vị, người quen nhưng các đơn vị ngân hàng, các nhãn hàng đều biết và tiếp cận. Việc này khiến email cần nhận của tôi lọt thỏm giữa một rừng thông tin”, bà Châu nói.
Theo bà, bảo mật thông tin cá nhân phải đảm bảo được thông tin của cả người cung cấp và trong giao dịch điện tử phải tuân thủ các quy định pháp luật dân sự.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nêu khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm trên nền tảng giao dịch điện tử và bán hàng online qua mạng.
Khó khăn này xuất phát từ việc nhiều cửa hàng ảo trên mạng có thể thay đổi nên người mua hàng khi phát sinh vấn đề không biết kêu ai, bắt đền ai.
Điển hình trong lĩnh vực thực phẩm, bà Lan cho biết quảng cáo trên mạng với rất nhiều “lời có cánh” nhưng chất lượng không thể kiểm soát. Muốn kiểm soát, lực lượng quản lý phải tung quân ra trận, tốn công tốn sức gấp nhiều lần so với quản lý ngoài đời thực.
Cũng theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, hành lang pháp lý trong kiểm soát các hoạt động giao dịch điện tử còn thiếu, chưa rõ cơ chế quản lý như thế nào, xử phạt ra sao…
“Những đơn vị chuyên ngành chỉ có quyền kiểm tra các địa điểm đã cấp phép và cũng chỉ được kiểm tra trong diện tích đã cấp phép, trường hợp giấu trên lầu, giấu trong phòng ngủ thì thua, muốn vào đó chỉ có công an”, bà Lan nói và nhấn mạnh chưa kể việc giao dịch trên mạng thì quản lý rất cực khổ.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. Ảnh: Hồng Phong. |
Góp ý với góc nhìn bao quát hơn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đề nghị bổ sung quy định về chính sách phát triển giao dịch điện tử.
Theo ông Duy, cần bổ sung Nhà nước có biện pháp để bảo đảm an ninh, an toàn cho doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các giao dịch điện tử. Đặc biệt là các giao dịch điện tử có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho người dân hoặc doanh nghiệp tham gia giao dịch như giao dịch qua ngân hàng, mua bán online xuyên biên giới…
“Với các dịch vụ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, rất cần vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm an ninh, an toàn. Từ việc an ninh, an toàn về thông tin của người tiêu dùng, cho đến bảo đảm an ninh, an toàn liên quan đến tài sản, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp tham gia giao dịch điện tử”, ông Duy nêu quan điểm.
Nhìn nhận giao dịch điện tử phản ánh sự phát triển của xã hội số, chuyển đổi số và kinh tế số, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng nếu kiểm soát được mặt trái thì lĩnh vực này sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Chung quan điểm với Bí thư Yên Bái Đỗ Đức Duy, ông Hồi cho rằng Luật cần quan tâm hơn đến vai trò kiểm soát của Nhà nước trong giao dịch điện tử.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về nhiều chủ đề. Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.