Thừa lệnh Chính phủ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký tờ trình lên Quốc hội, đề nghị chuyển phương thức đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông từ đối tác công tư PPP sang hình thức đầu tư công, sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước.
Chủ trương chuyển đổi 8 dự án cao tốc sang đầu tư công đã được Thủ tướng thống nhất tại nhiều cuộc họp. Tuy nhiên, Quốc hội mới là cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư với dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia.
Ngân sách chuẩn bị 99.493 tỷ
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ việc chuyển đổi 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công sẽ bảo đảm sự chắc chắn thành công trong quá trình triển khai dự án, giảm tổng mức đầu tư do giảm lãi vay trong giai đoạn xây dựng, giảm chi phí dự phòng trượt giá nhờ đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Chính phủ hứa hẹn tiết kiệm thời gian thi công dự án nếu đầu tư công. Ảnh: V.Đ. |
Theo phương án điều chỉnh, tổng mức đầu tư cho 8 dự án sẽ là 99.493 tỷ đồng, so với tổng mức đầu tư được duyệt trong báo cáo khả thi là 102.513 tỷ đồng, nhờ loại bỏ được chi phí lãi vay.
Số tiền này sẽ được lấy toàn bộ từ ngân sách Trung ương. Nguồn thứ nhất là 55.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua. Còn lại 44.493 tỷ đồng dự kiến được bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Đến nay, dự án đã được giao 16.594 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 8.386 tỷ đồng. 8.208 tỷ đồng còn lại phải giải ngân nốt trong năm 2020.
Ngoài điều chỉnh hình thức và tổng mức đầu tư, Chính phủ kiến nghị giữ nguyên, không thay đổi các nội dung còn lại đã được thống nhất liên quan đến 8 dự án cao tốc Bắc - Nam.
Nếu được chuyển sang đầu tư công, Ban quản lý dự án 6 thuộc Bộ GTVT sẽ là đại diện chủ đầu tư. Một số gói thầu đầu tiên sẽ được khởi công ngay trong tháng 8 và những gói thầu còn lại vào tháng 9, tháng 10 năm nay. Đồng thời, nhu cầu vốn của kế hoạch năm 2020 dự kiến cần thêm khoảng 11.500 tỷ đồng (không bao gồm 8.208 tỷ nêu trên).
Trường hợp tiếp tục triển khai theo hình thức PPP, sớm nhất cũng phải đến tháng 11 mới lựa chọn được nhà đầu tư và trường hợp thuận lợi thì đến giữa năm 2021 mới huy động được vốn tín dụng và triển khai thi công. Nhà đầu tư thất bại trong huy động vốn tín dụng sẽ phải chấm dứt hợp đồng, cơ quan Nhà nước lại phải thực hiện thay đổi hình thức đầu tư, có thể đến năm 2022 mới bắt đầu thi công.
Đầu tư công nhưng vẫn thu phí
Trong tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ kiến nghị xây dựng phương án thu hồi vốn Nhà nước sau khi đầu tư công 8 dự án cao tốc Bắc - Nam.
Kiến nghị này căn cứ Nghị quyết 52 của Quốc hội với nội dung "đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu áp dụng phương thức thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước".
Chính phủ đưa ra nhiều lý do để thực hiện thu phí, trong đó có lý do nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, cần giảm áp lực về nguồn vốn bảo trì đường bộ... Đồng thời, việc thu phí các dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam cũng hạn chế ảnh hưởng đến doanh thu các dự án PPP trên quốc lộ 1 và các tuyến song hành.
"Căn cứ nguyên tắc người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn phải đóng mức phí cao hơn thì người sử dụng đường cao tốc nộp thêm một khoản phí khi sử dụng đường cao tốc là phù hợp", tờ trình nêu.
Về lâu dài, Chính phủ kiến nghị sớm ban hành khung pháp lý về đầu tư PPP, trong đó có cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân trong phát triển kết cấu hạ tầng.
Năm 2017, Quốc hội có Nghị quyết số 52 thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Dự án được chia thành 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành phố. Trong đó 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
8 dự án còn lại gồm các đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
8 dự án này được phê duyệt đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (BOT) với phương án đấu thầu quốc tế. Do nhiều khó khăn trong lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã phải chuyển qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước và cuối cùng là kiến nghị chuyển về đầu tư công.