Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sang hình thức đầu tư công.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Trong trường hợp việc thực hiện đúng trình tự điều chỉnh chủ trương đầu tư không bảo đảm tiến độ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cụ thể các giải pháp để xin ý kiến tại tờ trình Quốc hội.
Tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam khoảng hơn 100.000 tỷ đồng. Ảnh: Việt Linh. |
Bộ Giao thông vận tải được giao phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm đến thời điểm khởi công phải cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện song song các thủ tục cần thiết theo quy định để ngay sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua có thể triển khai ngay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh tăng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nhằm bảo đảm nhu cầu vốn chuyển đổi sang hình thức đầu tư công cho 9 dự án trên.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng được giao chỉ đạo thực hiện các dự án nêu trên, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông ban đầu có 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước là Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đã khởi công.
8 dự án còn lại ban đầu dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức triển khai phê duyệt thiết kế kỹ thuật và sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, tuy nhiên tiến độ chậm so với yêu cầu.
Sau khi thay đổi hình thức đầu tư, 8 dự án trên được giao mục tiêu khởi công muộn nhất vào tháng 8 năm nay. Với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, mục tiêu khánh thành năm 2022.