Đã hơn một tháng kể từ ngày chính phủ Mỹ đóng cửa vì không thể thông qua khoản ngân sách 5,7 tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ - Mexico do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất.
Ông Trump có thể đang bỏ qua một “bức tường” khác, đã được thử nghiệm và có khả năng ngăn dòng người nhập cư trái phép. Quan trọng hơn, “bức tường” này sẽ không tiêu tốn hàng tỷ USD như bức tường mà ông đang đề xuất.
Những sợi cáp biết kể chuyện
Cách đây 10 năm, một thử nghiệm kỳ lạ diễn ra ở sa mạc Sonoran. Một đoàn người, động vật và xe được yêu cầu đi nhẹ nhàng, rồi phóng nhanh qua một đoạn cáp dài 30 m.
Một hàng rào ở biên giới Mỹ - Mexico trên sa mạc Sonoran, bang Arizona. Ảnh: Getty. |
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Arizona, những người tổ chức nghiên cứu, cho biết thử nghiệm đã thành công và có thể áp dụng ngay vào an ninh biên giới.
Một sợi cáp quang được chôn dưới đất có thể ghi nhận tín hiệu và cho biết ai hay cái gì vừa đi qua nó, dù đó là một người, một nhóm người, một con cún hay một chiếc xe.
“Công nghệ này rất tuyệt vời, bởi anh không cần phải lắp đặt cảm biến nào. Chính sợi cáp đã là cảm biến. Chúng có thể nhận biết được chuyển động ở bất cứ vị trí nào trên suốt chiều dài cáp”, Moe Momayez, giáo sư địa chất và khai khoáng tại Đại học Arizona nói với Business Insider.
Sợi cáp quang được làm từ thủy tinh hoặc nhựa, cho phép ánh sáng truyền qua sợi cáp và mang theo tín hiệu. Mọi tác động tới sợi cáp, dù là tác động vật lý hay âm thanh, đều ảnh hưởng tới ánh sáng truyền bên trong cáp.
Cáp quang là phương thức truyền dữ liệu phổ biến nhất hiện nay. Ảnh: Getty. |
Nói cách khác, chỉ với sợi cáp quang thông thường, các chuyên gia hoàn toàn có thể biết được điều gì đã xảy ra.
“Chúng tôi chỉ cần thu mọi tín hiệu âm thanh tác động vào cáp, từ âm thanh trên trời, ở mặt đất tới âm thanh dưới lòng đất. Những tín hiệu đó sẽ được chuyển thành sóng âm, và chúng tôi có thể đo được chúng tác động thế nào đến sợi cáp”, Alex Philp, nhà sáng lập công ty Adelos nói về công nghệ mà Adelos phát triển.
Tất nhiên, chỉ những sợi cáp là không đủ để đảm bảo an ninh ở biên giới. Đây chỉ là một giải pháp, và sẽ cần kết hợp với những phương án khác như đội tuần tra biên giới để phản ứng với các sự cố xảy ra.
“Trong giải pháp của chúng tôi, cáp quang chỉ là một phần. Sau khi phát hiện điều bất thường, cần phải có cách xử lý kịp thời, phù hợp.
Do vậy, đây chỉ là một công cụ, và nó cần được kết hợp với những công cụ khác. Tuy nhiên nhờ có nó, ta có thể biết rõ điều gì vừa xảy ra trong phạm vi 5 m, trợ giúp rất đắc lực cho lực lượng quan trọng nhất là cảnh sát tuần tra biên giới”, Mark Uncapher, giám đốc Fiber Optic Sensing Association cho biết.
Bức tường công nghệ chưa thể triển khai
Cáp quang là phương thức truyền dữ liệu thông dụng nhất thế giới. Những sợi cáp quang chạy xuyên qua biển, được chôn ngầm dưới đất, tới từng căn hộ trong các thành phố. Nói cách khác, cáp quang có mặt ở bất cứ đâu.
Nhiều chuyên gia cho rằng hệ thống cáp quang đã có thể triển khai trên gần hết chiều dài biên giới Mỹ - Mexico, và chi phí chỉ bằng 1/10 so với xây bức tường.
Hình thuyết trình về công nghệ cáp quang chạy dọc biên giới của Adelos. Ảnh: Adelos. |
Chính phủ Mỹ không phải là không biết đến khả năng của hệ thống này. Tuy nhiên, nó được triển khai quá chậm trễ.
“Ban đầu, nghiên cứu của chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm từ chính phủ. Dù vậy, về sau thì sự quan tâm ít dần”, Moe Momayez cho biết.
Năm 2018, cục bảo vệ biên giới Mỹ đã đặt ra ngân sách 16 triệu USD để thử nghiệm hệ thông cáp quang này.
“Chúng tôi có lợi thế là có thể xác nhận lại mỗi khi dây cáp báo tín hiệu. Thường tôi cũng phải mất 45-90 phút mới tới địa điểm có vấn đề. Nhờ có công nghệ mới, chúng tôi có thể biết rõ mình phải đối mặt với cái gì. Trước kia, tôi có thể mất vài giờ đồng hồ chỉ để đi kiểm tra khi một con dê đạp phải cảm biến”, Stephen Spencer, một cảnh sát biên giới Mỹ cho biết.
Cảnh sát biên giới Mỹ đáp máy bay trực thăng để tìm kiếm những kẻ buôn ma túy qua biên giới. Ảnh: Getty. |
Dù vậy, để công nghệ này thực sự được triển khai thì cần nhiều thời gian. Philp cho rằng có nhiều lý do những công ty như Adelos chưa được chính phủ Mỹ chấp thuận cho triển khai công nghệ, thậm chí còn chưa đưa ra yêu cầu họ cần những gì từ công nghệ.
“Thường thì các công nghệ phải mất một thời gian mới có thể được công chúng biết đến. Đã từng có lúc việc đưa cáp quang vào từng hộ gia đình cũng là điều lạ lẫm. Do vậy, nói sử dụng cáp quang để làm cảm biến cũng là điều rất mới mẻ.
Tôi cho rằng chúng ta đang ở điểm chuyển giao để có thể tích hợp công nghệ. Nó đã sẵn sàng tới nỗi tôi có thể đặt 32 km cáp quang xuống đất, cho ánh sáng chạy qua, và sợi cáp này sẽ có tác dụng như hàng ngàn micro thu tiếng để nghe được tất cả mọi thứ.
Tất cả những thứ đó đều rẻ hơn nhiều, rất nhiều những bức tường mà người ta định xây lên”, Philp cho biết.