Sáng 19/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các cơ quan liên quan đã tổ chức hội thảo “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam”. Tham gia hội thảo cũng có nhiều đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp, đại diện một số ngân hàng thương mại, chuyên gia…
Chia sẻ trong hội thảo, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 cùng công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ với những xu hướng công nghệ, kinh tế số và ngân hàng số đang từng bước phổ biến với giới kinh doanh và người dân, khách hàng các ngân hàng thương mại.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: SBV. |
Số hóa dịch vụ ngân hàng đã tạo ra bước đột phá cho ngành tài chính ngân hàng, số hóa ngân hàng có thể có nhiều chức năng tạo nhiều thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ tài chính, nhanh gọn.
Theo Phó thống đốc, giao dịch tài chính trên mạng sẽ giúp nhiều người lần đầu tiên tiếp cận dịch vụ tài chính với tốc độ nhanh hơn nhiều mô hình tài chính truyền thống. Đây chính là cơ hội lớn cho các TCTD và công ty Fintech của Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng khi sử dụng công nghệ, khoa học vào dịch vụ tài chính ngân hàng luôn đối diện với các rủi ro trong quá trình sử dụng như rủi ro dừng hoạt động hệ thống, mất tiền do lộ, lọt mất khẩu, thách thức cơ quan quản lý về kiểm soát hệ thống, phòng chống rửa tiền…
Cũng trong hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán, NHNN, cho biết trong hoạt động ngân hàng số, thanh toán là một khâu đặc biệt quan trọng và việc đẩy mạnh, hoàn thiện khâu thanh toán sẽ giúp việc phát triển ngân hàng số dễ dàng hơn.
Ông Dũng cũng cho rằng dữ liệu ngân hàng số là một tài nguyên đặc biệt quan trọng đối với các đơn vị tài chính, ngân hàng.
“Dữ liệu như một mỏ dầu giá trị, nhưng khác với dầu mỏ thông thường là càng đào càng nhiều, càng khai thác càng tạo nhiều giá trị”, ông Dũng nói.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: PLX. |
Chia sẻ về dịch vụ thanh toán hiện nay tại Việt Nam, lãnh đạo Vụ thanh toán cho biết Việt Nam hiện cấp phép cho 25 đơn vị fintech làm thanh toán. Tuy nhiên, qua số liệu thống kê, chỉ số ít các đơn vị này hiện nay hoạt động ở mức ổn định.
“Số liệu rất đáng buồn khi hầu hết đơn vị fintech được cấp phép hiện chưa sống được bằng giao dịch của mình, chỉ khoảng 5/25 đơn vị có thu nhập, có lãi, còn lại đều chưa đáp ứng được”, ông Dũng cho biết.
Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn - Thành viên HĐQT Vietcombank - cũng cho rằng động hoạt động thanh toán xuyên biên giới đang là thách thức lớn đối với Việt Nam.
Ông Tuấn cho biết hiện nay, tại một số tỉnh thành phố có lượng khách du lịch lớn đã có nhiều tổ chức thanh toán lậu mang những QRS lậu vào Việt Nam để cho khách du lịch mua hàng trực tiếp bằng thẻ thanh toán nước ngoài. Hàng được mua là của Việt Nam nhưng toàn bộ tiền đều chuyển ra nước ngoài.
Từ đó, cả ông Phạm Tiến Dũng và ông Phạm Anh Tuấn đều cho rằng cần phải có biện pháp để giải quyết vấn đề này đặc biệt là cần có Luật thanh toán vì hiện nay Luật các TCTD chỉ điều tiết hoạt động của các TCTD trong khi hoạt động thanh toán hiện nay không chỉ có riêng TCTD làm mà rất nhiều các đơn vị tham gia vào công đoạn này, kể cả các công ty fintech và đơn vị thanh toán khác.