Bình luận
Nếu HLV Frank Lampard không có những phản ứng kịp thời, rất có thể ông phải trả giá bằng chính chiếc ghế của mình.
Có quá nhiều vấn đề để mổ xẻ sau thất bại của Chelsea trước Man City đêm cuối tuần vừa rồi. Mỗi lý giải riêng của từng người chắc hẳn cũng đều có lý cả.
Nhưng có lẽ, tựu trung lại, chỉ có thể nói về thất bại ấy và cả những trận thua gần đây, bằng một đúc kết ngắn gọn nhất: Chelsea sa sút trong cả hệ thống và con người.
HLV Lampard đang gặp khó khăn ở Chelsea. Ảnh: Getty. |
Lỗi của Lampard
Trong những bàn thua của Chelsea, bàn thua thứ 3 nên được lấy làm ví dụ điển hình. Ở một tình huống đá phạt, Chelsea dồn toàn bộ quân số lên khu vực sát cầu môn của Man City.
Người chơi thấp nhất của họ là N'Golo Kante cũng đứng ở khoảng 30 m cách mặt khung thành. Một đường chuyền sai sau khi đón bóng 2 của tuyển thủ Pháp khiến Man City có cơ hội phản công. Và Chelsea sụp đổ.
Sai lầm cá nhân của Kante là điều không cần tranh cãi. Không có gì có thể ngụy biện cho cầu thủ này ở tình huống ấy.
Pha đua tốc độ về cứu gôn của Kante cũng không làm anh giảm nhẹ lỗi lầm đi chút nào. Sai sót cá nhân là quá rõ. Tuy nhiên, sai sót cá nhân này lại bắt nguồn từ một sai sót lớn hơn: hệ thống.
Sai lầm của Kante bị Man City tận dụng triệt để. Ảnh: Getty. |
Không một đội bóng nào dồn toàn bộ cầu thủ sang phần sân đối phương theo cách ấy cả. Trong những tình huống cố định kiểu ấy, một HLV khác chắc chắn sẽ yêu cầu Kante phải là nút chặn cuối cùng, và giới hạn lên cao nhất của anh không được vượt quá vạch giữa sân.
Đón bóng 2 phải là nhiệm vụ của tiền vệ khác. Mà trước Man City, Lampard bố trí bộ ba tiền vệ là Kante - Kovacic - Mount. Lẽ ra, Mount hoặc Kovacic phải lui lại đón bóng 2, trong khi Kante đứng ở vị trí giữa sân.
Giả sử, tình huống bóng 2 dội ra đó không rơi vào vị trí Kante mà chếch sang phải một chút thì sao? Hoàn toàn Sterling vẫn có cơ hội phản công nguy hiểm. Thế nên, trách cá nhân Kante 5 thì phải trách hệ thống của Lampard 10.
Trước một Man City chơi pressing quá hiệu quả, Chelsea chỉ có thể cầm bóng ở khu vực sân nhà. Hậu vệ và tiền vệ trụ của họ chỉ có thể duy trì kiểm soát bóng an toàn chứ không thể có phương án phát triển bóng sáng sủa nào cả.
Và mỗi khi có bóng ở phía trên, các cầu thủ tấn công của họ còn bế tắc hơn.
Không giữ nổi bóng, không có phương án phối hợp, tất cả chỉ còn là các mảnh rời mà một trong những mảnh ấy lại gặp vấn đề tâm lý trầm trọng. Đó là Timo Werner.
Cơn khát bàn thắng chưa thể giải tỏa, các pha chạm bóng luôn lỗi nhịp, Werner càng phải chịu áp lực lớn hơn tới mức mà ngay cả cái cột cờ góc cũng có thể khiến anh chấn thương.
Diện mạo bạc nhược
Thực tế, Lampard không hề có sự thay đổi nào về lối tiếp cận các trận đấu trong suốt thời gian qua. Thay đổi của ông chỉ là nhân sự hoặc vị trí của nhân sự.
Điển hình nhất là Werner. Ông cứ loay hoay với việc để anh đá tiền đạo trái hay đá trung phong, và sự thiếu nhất quán này càng làm mũi nhọn người Đức không thể định hình mình trong hệ thống chung.
Mà bóng đá hiện đại thời nay thay đổi nhanh đến chóng mặt. Các đội bóng luôn cố gắng thích nghi nhanh nhất với đối thủ của mình.
Trước một Chelsea chẳng thay đổi gì, các đối thủ vô tình được gặp một bài toán cấp 1 quá dễ tìm lời giải.
Werner là hình ảnh đại diện cho sự kém cỏi của Chelsea. Ảnh: Getty. |
Thêm vào đó, Lampard lại không xoay tua những vị trí chủ chốt nhất, nên hiện tượng quá tải đã bắt đầu lộ rõ. Rất nhiều người đã phải thốt lên rằng chưa bao giờ họ thấy một Kante tệ đến thế trong trận gặp Man City.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào cường độ và mật độ thi đấu của tiền vệ này, chúng ta sẽ hiểu.
Từ đầu mùa tới nay, Kante đá tới 21 trận cho Chelsea ở cả Premier League lẫn Champions League. Đá như thế, phổi voi cũng gục ngã chứ đừng nói đến lá phổi của một người 29 tuổi cao 1,68 m.
Và bản thân sơ đồ mà Lampard lựa chọn cũng là nguyên do Chelsea thất bại dễ dàng thế. Vẫn là 4-3-3 với một trụ.
HLV Pep Guardiola nhìn thấy thói quen cứng nhắc đó và việc ông bố trí cặp Gundogan - Rodri ở trung tâm đã giúp Man City khống chế tốt không gian giữa sân.
Kante trơ trọi hoàn toàn. Và không hiểu sao ở tình thế như vậy, Lampard vẫn không điều chỉnh sang 4-2-3-1 với 2 tiền vệ trụ và phía trên là một trung phong cùng bộ 3 Werner - Pulisic - Ziyech chơi phía sau?
Trong chuỗi trận phong độ kém cỏi vừa rồi của Chelsea, Lampard không xoay sơ đồ để làm khác đội nhà bất kể khi họ đang bị cầm hòa hay bị dẫn bàn. Và nhìn vào cách Chelsea lên bóng, chúng ta lại càng thấy dường như đội bóng đang bị gò vào một công thức cụ thể mà HLV mong muốn.
Tính linh hoạt hoàn toàn không có. Và một khi đã công thức hóa cả các di chuyển đến mức đó, Chelsea bị bắt bài là chuyện bình thường.
Trong khi đó, ở chuỗi trận vừa rồi, Reece James cũng vắng mặt thường xuyên, và điều đó khiến chất lượng phòng ngự cũng như các đột biến ở biên phải của họ giảm sút rõ rệt. Tất nhiên, không có HLV nào đi trọn mùa giải với một đội hình không gặp bất kỳ biến động nào như chấn thương hay thẻ phạt cả.
Song, việc phương án dự bị không lấp được chỗ trống mà cầu thủ chính thức để lại không chỉ nằm ở khác biệt cá nhân, mà nó nằm ở chính HLV trưởng, người phải hiểu cầu thủ của mình nhất.
Rõ ràng, Chelsea của Lampard đang rất cứng nhắc, và họ không cho thấy tính thích ứng kịp thời với các thay đổi hàng tuần đến từ vấn đề nhân sự cũng như sự khác biệt về đối thủ. Và với sự cứng nhắc ấy, e rằng lời hứa kiên nhẫn mà Abramovich dành cho Lampard cũng khó được giữ bền.
Sự kiên nhẫn ấy có thể chấp nhận kết quả chưa được khả quan nếu như diện mạo thể hiện trên sân còn hứa hẹn một tương lai sáng sủa.
Đằng này, diện mạo của Chelsea thời gian qua là rất đáng để đặt dấu hỏi lớn nghi ngờ khả năng của Lampard khi nó đơn điệu, thiếu sáng tạo và không thể hiện đội bóng vẫn đang chơi với một sức sống thực thụ.