Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chế tài xử phạt tài xế say xỉn còn quá nhẹ

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chế tài xử phạt người vi phạm nồng độ cồn ở nước ta còn nhẹ, nhiều người chưa cảm nhận được lời cảnh báo.

'Xe của dân, không phải muốn là tịch thu được'

Theo tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Hiến pháp quy định quyền bảo hộ tài sản rất cao. Trong khi đó, ôtô, xe máy là tài sản lớn của người dân, không thể muốn là tịch thu ngay được.

Trao đổi bên lề Hội thảo phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) khẳng định, cơ quan này vẫn kiên trì đề xuất tịch thu xe đối với người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang tổ chức lấy ý kiến từ Bộ Công an, Bộ Tư pháp cũng như lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi của dư luận. Trên cơ sở đó, trong cuộc họp Chính phủ tới đây, Bộ GTVT sẽ có báo cáo chính thức về đề xuất này.

Ông Hùng khẳng định, chế tài xử phạt đối với người vi phạm nồng cồn độ ở Việt Nam còn rất nhẹ. Người vi phạm chưa cảm nhận được lời cảnh báo chế tài xử lý và mức độ nguy hiểm khi uống rượu bia tham gia giao thông.

TS Khuất Việt Hùng cho biết có thể tăng mức phạt hành chính thay vì hình sự hóa người vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Hoàn Nguyễn.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết có thể tăng mức phạt hành chính thay vì hình sự hóa người vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

Trước đề xuất phạt tù tài xế vi phạm nồng độ cồn của Tổng cục đường bộ, theo ông Hùng, chủ chương trong cải cách tư pháp là giảm thiểu hình sự hóa hành vi vi phạm. Chúng ta vẫn có thể sử dụng các biện pháp xử phạt hành chính để dăn đe, kéo giảm vi phạm bằng cách tăng mức phạt. Chỉ một số hành vi đặc biệt nguy hiểm, uy hiếp an toàn giao thông thì mới áp dụng hình sự hóa.

Vì vậy, các cơ quan ban ngành cụ thể là Bộ Giao thông, Bộ Công an nên xem xét ý kiến phù hợp để chính thức trình lên Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Bộ luật hình sự.

Đánh giá kết quả tổng kết 5 năm thực hiện dự án, ông Hùng nhận định, vấn đề còn tồn tại là việc nâng cao hạ tầng truyền thông tại các tỉnh, đặc biệt phân bố xuống tận các huyện, thị xã miền núi, đồng bằng. Ngoài ra, mô hình, kế hoạch cần phải xây dựng chi tiết hơn.

Trước đó, Tổng cục đường bộ Việt Nam đề xuất hình sự hóa đối với người vi phạm nồng độ cồn quá mức quy định. Ảnh minh họa: Hoàn Nguyễn.

Trước đó, trong văn bản gửi Bộ Giao thông, góp ý việc sửa đổi Bộ luật hình sự, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị hình sự hóa hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định (vượt quá 100 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,5 mg/1 lít khí thở).

Tổng cục Đường bộ cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, hành vi này bị xử lý nghiêm khắc tại nhiều nước. Ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, người vi phạm còn bị khởi tố hình sự và hình phạt tù.

Ở Việt Nam, tình trạng người điều khiển xe có nồng độ cồn cao trong máu hoặc hơi thở cao hơn mức quy định trên vẫn chưa có chiều hướng giảm. Đây được coi là nguồn cơn đe dọa an toàn cho xã hội nghiêm trọng. 

Còn UBATGTQG thì đề nghị Chính phủ thí điểm tịch thu phương tiện với người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, nếu lái xe có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở, sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện; đồng thời, tài xế phải thi lại Luật giao thông đường bộ.

Hình thức xử phạt này áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển môtô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các bộ liên quan khẩn trương nghiên cứu đề xuất, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước 31/3.

Sáng 27/3, báo cáo tại Hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình Hành động toàn cầu phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam, Tổng cục đường bộ cho biết tỷ lệ người vi phạm nồng độ cồn tăng từ 3,2% (năm 2000) lên 5,2% (năm 2014) trong tổng số vi phạm.

Hoàn Nguyễn - Công Khanh

Bạn có thể quan tâm