Ôtô, xe máy là khối tài sản lớn của người dân, không thể muốn tịch thu là tịch thu ngay được. Đề xuất này vì thế cần phải được Quốc hội thảo luận, thông qua.
Cũng theo ông Thảo, trong trường hợp xe vi phạm không thuộc sở hữu của người điều khiển thì tịch thu là vô lý. Bởi, luật không cấm việc cho mượn xe. Đây là quyền dân sự của người dân.
"Ai vi phạm thì trừng phạt người đó chứ không thể tịch thu tài sản của bên thứ ba không phạm pháp. Nếu tịch thu phương tiện rồi buộc người vi phạm đền bù cho chủ xe sẽ nảy sinh nhiều tình huống phức tạp hơn", Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp nói.
Ngoài ra, biện pháp này nếu đi vào thực thi sẽ rất dễ xảy ra hàng loạt hệ lụy gây tranh tranh cãi như giá trị của tài sản; mức độ đền bù; cấp nào được quyền tịch thu; ai chịu trách nhiệm về việc bảo quản phương tiện. Đó là chưa kể tình huống người vi phạm không đủ khả năng đền bù cho chủ phương tiện...
Đề xuất tịch thu phương tiện của tài xế say xỉn của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đang gây nhiều tranh luận. Ảnh minh họa: H.N. |
Trong khi đó, theo tiến sĩ Tô Văn Hòa (Đại học Luật Hà Nội), việc tịch thu phương tiện của lái xe ngay lần đầu vi phạm là quá nặng. “Ở đây cần tính đến yếu tố tái phạm, ý thức của người lái xe. Việc tịch thu có thể tính đến ở lần vi phạm thứ 3, thứ 4”, ông Hòa nêu quan điểm.
Ông cũng lưu ý, dù Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định về thẩm quyền tịch thu tài sản nhưng không phải cấp nào cũng được tịch thu phương tiện có giá trị cao. Cấp Giám đốc Công an tỉnh chỉ quyền ra quyết định tịch thu phương tiện tương đương mức phạt tiền nào đó, ví dụ 1 tỷ đồng, thì không được thu phương tiện có giá trị cao hơn.
TS Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp) khẳng định, vi phạm luật an toàn giao thông là vi phạm hành chính, có thể bị xử phạt, thậm chí phạt nặng. Song, điều đó không đồng nghĩa với đề xuất nội dung gì cũng có thể triển khai được.
“Đây là câu chuyện đụng đến quyền sở hữu, chứ không đơn giản. Không phải cứ thấy vi phạm không giảm là tăng xử phạt, là đánh vào người dân", ông Sơn nói.
Trước thực trạng người tham gia giao thông vẫn phạm luật dù đã có chế tài mạnh tay, ông Sơn lưu ý việc xem lại hiệu quả của lực lượng thực thi công vụ.
Góp ý về các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, vị Cục trưởng này đề nghị tiến hành các bước như chấn chỉnh lực lượng công vụ, nâng mức xử phạt tiền, tăng thời gian giữ phương tiện, tước bằng lái xe vĩnh viễn, không được phép điều khiển phương tiện.
“Phải làm cho dân tâm phục khẩu phục”, tiến sĩ Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Tô Văn Hòa lưu ý, khi đưa ra một chính sách phải lấy ý kiến đối tượng bị tác động và phải đánh giá tác động của chính sách đó với xã hội. Vì có sự đồng thuận của người dân việc thi hành pháp luật mới thuận lợi.
Theo kiến nghị của Ủy ban ATGT quốc gia, người điều khiển phương tiện bị tước quyền sử dụng GPLX 24 tháng và tịch thu phương tiện nếu trong máu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng chính thức kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện nếu lưu thông vào đường cao tốc.
Trước đề xuất này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ Công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu. Các cơ quan này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 31/3.