Trong buổi đối thoại về "Tịch thu xe của ma men" tổ chức tại câu lạc bộ báo chí Khuyên Club chiều 7/3, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia nhấn mạnh việc tịch thu xe của người vi phạm là giải pháp có thể giảm ngay vấn nạn lái xe say xỉn gây tai nạn giao thông.
Việc tịch thu xe vi phạm này là hướng trực tiếp đến những người điều khiển xe, chứ không phải những người sở hữu xe vi phạm.
Nếu lái xe say rượu sử dụng xe đi mượn, họ phải nộp phạt tương đương giá trị xe. Ảnh minh họa: Sức khỏe đời sống. |
Cụ thể, với những người điều khiển xe chính chủ phạm luật thì sẽ bị tịch thu, những người mượn xe hoặc thuê xe nếu vi phạm thì phải chịu nộp phạt số tiền tương đương với giá trị của xe. Khi nộp phạt xong, chiếc xe sẽ được trao trả về cho chủ sở hữu. Do đó, những lo ngại của chủ xe khi cho mượn hoặc cho thuê sẽ bị mất trắng là không đúng, việc này sẽ hoàn toàn do người điều khiển xe chịu trách nhiệm.
Thực tế trong điểm 1 điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định rõ: Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.
Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.
Trước câu hỏi rất nhiều gia đình có chung một xe để đi lại hoặc mưu sinh, việc tịch thu phương tiện sẽ gây khó khăn cho không chỉ một người vi phạm, điều này có hợp lý? TS Khuất Việt Hùng cho rằng, người điều khiển phương tiện phải ý thức được giá trị của chiếc xe và càng phải có trách nhiệm, không vi phạm các quy định để bảo vệ lợi ích gia đình. Bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình cũng là bảo vệ cuộc sống gia đình mình.
Trả lời câu hỏi trong trường hợp người mượn xe không có khả năng nộp phạt để lấy xe ra cho chủ sở hữu thì xử lý thế nào?
TS Khuất Việt Hùng cho biết, trong trường hợp người vi phạm dùng xe đi mượn không có đủ tiền nộp phạt để lấy lại xe trả cho chủ sở hữu thì Nhà nước sẽ có phương án giải quyết cụ thể.
TS Khuất Việt Hùng nhận định, qua thông tin báo chí, Ủy ban ATGT Quốc gia nhận thấy phần lớn mọi người đồng tình song cũng có ý kiến thắc mắc về mức phạt. Mục đích của chúng ta đưa ra chế tài đó không phải chỉ để xử phạt người dân mà là biện pháp giáo dục, răn đe cao. Việc đề xuất tịch thu xe của những lái xe có "hơi men" là một thông điệp mạnh.
Trước đây chúng ta mới chỉ đưa những thông điệp như "Uống bia rượu thì không lái xe", "lái xe uống rượu bia là phạm luật... nhưng hiệu quả không thấy rõ.
Việc đưa ra thông điệp mạnh như vậy tác động trực tiếp đến từng người dân và qua đó họ sẽ điều chỉnh hành vi của mình, ông Hùng bày tỏ mong muốn.