Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tịch thu xe sau một lần vi phạm có thỏa đáng?

"Chỉ một lần vi phạm đã bị tịch thu thì liệu có thỏa đáng? Chưa kể, gia đình mất xe có nguy cơ tan vỡ vì tài sản quá lớn", độc giả Hoàng Anh bày tỏ băn khoăn.

Kiến nghị tịch thu xe máy vào đường cao tốc, tài xế say xỉn

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm tịch thu môtô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc hoặc tài xế có nồng độ cồn cao.

Trước đề xuất tịch thu phương tiện mới được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia gửi Chính phủ, nhiều độc giả bày tỏ lo ngại về hệ lụy phát sinh một khi điều đó đi vào cuộc sống. 

Độc giả Trịnh Lý cho hay, phương án trên chưa tính tới tình huống người vi phạm cố tình bỏ chạy khi gặp cảnh sát giao thông, vì dừng lại là bị tịch thu xe. Việc bỏ chạy gây nguy hiểm cho chính tài xế và người tham giao thông, chưa kể đến hiện tượng “xe điên”. 

“Lúc đó, họ sẽ không ý thức được bản thân mà chỉ muốn giữ tài sản theo kiểu một mất một còn” - lo ngại của bạn đọc này trên Zing.vn nhận được hưởng ứng của hơn 700 người khác. 

'Tài xế say xỉn, xe chục tỷ cũng tịch thu'

"Việc tịch thu sẽ không phân biệt giá trị. Phương tiện đó có thể là xe máy hay xe sang cả chục tỷ", ông Khuất Việt Hùng nói về kiến nghị xử lý tài xế say xỉn vừa gửi Chính phủ.

Ở góc nhìn giá trị tài sản, bạn Hoàng Anh cho hay, nhiều người tích góp, thậm chí đi vay mới mua được ôtô. 

"Vậy mà chỉ một lần vi phạm đã bị tịch thu thì liệu có thỏa đáng? Chưa kể, gia đình mất xe có nguy cơ tan vỡ vì tài sản quá lớn", bạn Hoàng Anh băn khoăn. Đây cũng là suy nghĩ của nhiều độc giả khác trước quan điểm của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban, khi tài xế say xỉn thì biện pháp tịch thu phương tiện được áp dụng mà không cần phân biệt giá trị. Phương tiện đó có thể là xe máy hay xe sang cả chục tỷ, bởi mối nguy hại lúc này là tài xế say xỉn, giá trị xe không có ý nghĩa.

Độc giả Vũ Hoàng cho rằng, đề xuất tịch thu xe thiếu cơ sở pháp lý. "Khi cho mượn, họ không say xỉn. Sau đó họ uống nhiều rượu bia không lẽ chủ xe phải chịu mất xe?", bạn đặt câu hỏi.

Nhiều độc giả phân tích, việc dẫn bài học của Nhật Bản để áp dụng vào thực tiễn Việt Nam là không phù hợp. Giữa hai nước có sự khác biệt về trình độ nhận thức, giá trị xe cộ trên mức thu nhập đầu người cũng như phương thức sử dụng...

Một số ý kiến khác còn chỉ ra điểm chưa hợp lý ở tình huống hậu tịch thu như định giá phương tiện hay trường hợp xe thuộc thế chấp với các tổ chức tín dụng...

Điểm chung mà nhiều độc giả Zing.vn chia sẻ là sự lo ngại về thực trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Việt Nam. Họ ủng hộ chế tài nghiêm khắc hơn với các vi phạm, đặc biệt với tài xế say xỉn; hay lái xe coi thường tính mạng chạy xe máy vào đường cao tốc. 

Theo độc giả Trịnh Lý, cảnh sát chỉ nên giữ xe khi phát hiện tài xế vi phạm. Sau đó, mức phạt đưa ra phải thật nặng, có thể lên đến hàng chục triệu đồng song không phải là tịch thu xe. "Cách làm đó như vậy là dồn người vi phạm vào đường cùng", độc giả này nêu quan điểm.

Gợi ý rõ hơn, bạn đọc Võ Hoàng cho rằng, cảnh sát nên thu bằng vĩnh viễn, giam xe 60 ngày với phí trông giữ gấp 10 lần bình thường. Sau 60 ngày, nếu người vi phạm không nộp phạt và thanh toán đủ các loại phí thì xe sẽ được mang đấu giá hoặc thanh lý.

Đối với người vi phạm, hình thức phạt tù, ví dụ 10-15 ngày, có thể được xem xét. "Song, chủ yếu chúng ta nên đánh vào kinh tế, chế tài này có tính răn đe cao”, bạn Võ Hoàng chia sẻ.

Trước kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ngày 6/3, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông chủ trì, phối hợp với các bộ Công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 31/3. 

Trong văn bản kiến nghị này, Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất phương án tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở; tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện lưu thông vào đường cao tốc.

Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất Chính phủ cho phép các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm một số quy định xử phạt, áp dụng từ ngày 15/3.

Tịch thu xe của tài xế say xỉn: Tài sản hay tính mạng lớn?

“Chẳng ai muốn tịch thu phương tiện của người dân. Phương tiện là tài sản lớn, nhưng sinh mạng còn lớn hơn nhiều. Nếu biết là tài sản lớn thì đừng vi phạm”, đại diện UB ATGTQG nói.

Thanh Tuyền tổng hợp

Bạn có thể quan tâm