Ông Khuất Việt Hùng. |
- Trước đề xuất tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 ml máu của Ủy ban ATGTQG, bên cạnh những ý kiến ủng hộ cũng không ít quan điểm cho rằng đề xuất này quá nặng, vì phương tiện vẫn là một tài sản lớn của người dân. Vậy ý kiến của ông về việc này như thế nào?
- Trước tiên chúng ta cần xét đến mục tiêu đưa ra quy định xử phạt. Tất cả các hệ thống pháp luật trên thế giới cũng như các loại hình phạt từ hành chính đến hình sự, mục tiêu đầu tiên là để giáo dục, hay nói cách khác để gửi đến người dân một thông điệp về hậu quả đối với cá nhân họ khi thực hiện hành vi vi phạm. Việc đưa ra chế tài này cũng nhằm mục tiêu để người dân không vi phạm.
“Bản thân tôi cũng uống rượu bia. Tuy nhiên đã uống rượu bia, chắc chắn tôi không bao giờ lái xe. Tôi còn nhớ lúc đang học Đại học năm thứ 4, khi lái xe trong lúc say xỉn, nhìn thấy hòn gạch phía trước, tôi nhảy ra khỏi xe. Lúc đó tôi chỉ cách gốc cây xà cừ khoảng 20 cm. Đó là lần cuối cùng tôi lái xe trong trạng thái say xỉn”, ông Khuất Việt Hùng nói.
Tuy nhiên nếu muốn người dân không vi phạm thì chế tài gửi đến họ phải đủ mạnh. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, với điều kiện kinh tế xã hội như hiện nay, tịch thu phương tiện có ảnh hưởng đến đời sống của người dân? Đây có phải hình thức xử phạt tài chính quá nặng không?...
Chúng ta phải nhấn mạnh một điều: Còn người là còn tất cả! Khi người ta quan tâm đến sức khỏe, sinh mạng của mình, người ta sẽ không thực hiện hành vi vi phạm. Bởi hành vi vi phạm này nguy cơ rất lớn xảy ra tai nạn giao thông, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe (bị thương) và có thể ảnh hưởng tính mạng (tử vong). Quy định như thế này chính là chúng ta đang bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông.
Phương tiện là tài sản lớn, nhưng sinh mạng còn lớn hơn nhiều. Chẳng ai muốn tịch thu phương tiện của người dân. Nếu biết là tài sản lớn thì đừng vi phạm.
- Phải chăng đề xuất này được xuất phát từ thực tế, khi số vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện là quá nhiều, thưa ông?
- Nếu lấy con số ngày mùng 4 Tết Giáp Ngọ 2014, đơn cử tại Bệnh viện Việt - Đức, có tới 60% số ca vào cấp cứu do TNGT có liên quan đến sử dụng rượu bia, trong đó 40% số ca chấn thương đầu có sử dụng rượu bia. Sang năm nay, số người đến cấp cứu ở BV Việt Đức thấp hơn, nhưng số người chết lại tăng, mà nguyên nhân vẫn là chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường và một nguyên nhân khác chính là uống rượu bia.
Ủy ban ATGT QG vừa đề xuất Chính phủ tịch thu phương tiện với người điều khiển có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililít máu. |
Khi ban hành quy định này, người ta thường hình dung “ô, tự nhiên mình mất tài sản”, nhưng người ta lại không hình dung để không mất tài sản, mình không vi phạm nữa. Việc đưa ra chế tài này để người ta chuẩn bị sẵn tinh thần trước khi uống rượu bia. Mục tiêu là đưa ra một lời cảnh tỉnh đối với người tham gia giao thông.
- Khi xây dựng chế tài này, chúng ta có nghĩ đến quyền sở hữu tài sản của người dân chưa? Cơ sở nào để chúng ta đưa ra chế tài mạnh như vậy, thưa ông?
- Trong luật xử phạt hành chính có quy định về tịch thu phương tiện. Nếu không có quy định pháp luật thì không thể làm được. Quy định này chính là nhằm bảo vệ chúng ta. Vậy chế tài như thế nào là đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe? Ở các nước người ta còn áp dụng hình phạt tù, chẳng hạn như Nhật Bản, nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu trên 80mg/100ml – đi tù 5 năm, Hàn Quốc 50mg/100ml – tù 6 tháng, Mỹ 20mg/100ml – tù 10 ngày…
Tại sao các nước giảm được tai nạn giao thông? Tại sao người ta đưa ra chế tài mạnh để làm gì? Như tôi nói, chế tài mạnh không phải để phạt mà để ngăn chặn, răn đe. Nếu chúng ta chỉ quy định phạt thế nào cho phù hợp với túi tiền của người dân, hay phạt để người ta trả được thì chúng ta đang tự làm khó mình.
- Vậy chúng ta có nghĩ đến phương án phạt tù mà các nước đang áp dụng không?
- Hiện, vấn đề này chưa được nhắc tới. Giờ chúng ta đưa ra phương án này xem như thế đã đủ mạnh chưa. Với một quốc gia đang phát triển, thu nhập của người dân còn thấp, khi “đánh” vào tài sản, tác động tương đối mạnh.
Đi tù sẽ mất việc, mất hình ảnh, mất cơ hội và nhiều thứ. Chúng ta cũng vậy. Nhưng nhà tù ở Việt Nam còn để dành cho rất nhiều việc khác. Các nước người ta có thể phạt tiền cao hơn nữa, nhưng như thế có đủ để người ta sợ, đủ để răn đe? Nhưng cách ly ra khỏi đời sống xã hội thì sẽ khác.
- Phương tiện sau khi bị tịch thu sẽ được xử lý như thế nào thưa ông?
- Trong luật đã quy định rõ về trình tự thủ tục xử lý, tài sản phương tiện sau khi bị tịch thu sẽ đem ra đấu giá và đưa vào ngân sách nhà nước.
- Theo kế hoạch chúng ta sẽ thực hiện thí điểm ở một vài tỉnh thành hay sẽ thực hiện trên phạm vi toàn quốc?
- Uỷ ban ATGTQG đưa ra đề nghị như vậy. Trong văn bản ghi rõ, đề nghị Chính phủ đồng ý và giao các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện. Quy định này có thể thí điểm một vài nơi trước, sau đó sẽ mở rộng, hoặc cũng có thể áp dụng trên toàn quốc.
Điều này còn căn cứ vào điều kiện cụ thể và từ nghiên cứu, đề xuất của các bộ, ngành. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ cân nhắc trong việc thực hiện. Ủy ban ATGT QG chỉ là nơi kiến nghị giải pháp chứ không phải nơi xây dựng pháp luật.