Ngọn lửa bùng phát ở khu bảo tồn bản địa Araribóia tại bang Maranhão trên rìa phía đông của Amazon, nơi sinh sống của khoảng 80 người từ bộ lạc Awá biệt lập. Awá được tổ chức phi chính phủ Survival International mô tả là bộ lạc nguy cấp nhất thế giới.
Các nhà vận động cho biết các vùng lãnh thổ bản địa có thể trở thành mục tiêu dễ dàng cho người khai thác gỗ, nông dân và người du cư đến tìm kiếm đất hoặc gỗ có giá trị.
"Hầu hết những người này liên tục chạy trốn, liên tục bị đe dọa. Họ sống phụ thuộc vào rừng và khi lửa giết chết các con vật, họ cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng", Antenor Vaz, cựu nhân viên tại cơ quan bản địa Funai của Brazil và cố vấn về người bản địa biệt lập, nói với Guardian.
Một nhân viên cứu hỏa chống lại một đám cháy ở đô thị Sorriso, bang Mato Grosso. Ảnh: AFP/Getty. |
Tainaky Tenetehar, điều phối viên của Guardians of the Forest - một lực lượng bản địa tình nguyện tuần tra khu bảo tồn - nói rằng các đám cháy do những người khai thác gỗ gây nên. "Để làm mọi thứ khó khăn hơn, họ đang ngăn đội cứu hỏa địa phương đến dập lửa", anh nói.
Các vụ cháy "đang được kiểm soát để không khiến người Awá ở trong rừng gặp nguy hiểm, họ cần khu rừng để sống", Tenetehar nói.
Ở phía bên kia của Amazon, các đám cháy đã bùng phát bên trong và xung quanh khu bảo tồn Uru-Eu-Wau-Wau ở bang Rondônia, nơi sinh sống của ba nhóm người bản địa tách biệt thế giới bên ngoài.
"Đó là điều khiến chúng tôi lo lắng nhất vì chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với những nhóm này. Chúng tôi đã lên án các cuộc xâm lược của những kẻ chiếm đất và phá rừng từ đầu năm", Ivaneide Bandeira, điều phối viên tại Kanindé, một tổ chức phi chính phủ ở bang này, cho biết.
Fiona Watson, Giám đốc Vận động của Survival International, cho biết những kẻ chiếm đất đang nhắm vào các khu bảo tồn bản địa vì chúng thường ở xa, được bảo tồn tốt và không được bảo vệ. "Rõ ràng nhiều vụ cháy được cố ý gây nên", cô nói.
Giovani Tapuri, 38 tuổi, thành viên của bộ tộc Manoki ở rìa phía tây nam Amazon thuộc bang Mato Grosso, cho biết các đám cháy bắt đầu xuất hiện trong khu bảo tồn của anh vào tháng 6 và tháng 7.
Tuần trước, anh và các thành viên khác trong bộ lạc phát hiện đám cháy khổng lồ trong khu bảo tồn và bị một nhóm người lạ mặt đe dọa. "Họ bảo chúng tôi rời đi. Tình hình lúc đó rất căng thẳng. Chúng tôi cảm thấy bị đe dọa", anh nói.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người bị chỉ trích vì không phản ứng nhanh chóng với thảm họa, đã ban hành sắc lệnh vào ngày 29/8 cấm phóng hỏa ở Amazon trong 60 ngày, một động thái được các nhà môi trường cho là chủ yếu mang tính biểu tượng.
Ông Bolsonaro bị cáo buộc đã gây ra cuộc khủng hoảng bằng cách khuyến khích xâm phạm các khu bảo tồn với lời hứa phát triển Amazon và thực thi tầm nhìn của mình bất chấp sự tồn tại của các bộ tộc bản địa.