Chỉ trong chưa đầy một giờ, khối chóp nhọn sụp xuống, phần lớn mái nhà cháy rụi. Nhà thờ Đức Bà, trái tim theo nghĩa đen và nghĩa bóng của Paris, điểm đo lường tất cả khoảng cách trong thành phố, khung nền tưởng như vĩnh cữu cho cuộc sống ở thủ đô của Pháp, về cơ bản không còn nữa.
Theo Washington Post, sống ở Paris những năm gần đây là làm quen với những mất mát và những bi kịch không kể xiết.
12 người thiệt mạng trong vụ tấn công tòa báo châm biếm Charlie Hebdo vào tháng 1/2015. Vụ đánh bom và xả súng giết hại 130 người tại sân vận động quốc gia, phòng hòa nhạc Bataclan và trên sân thượng quán cà phê gần Canal Saint-Martin.
Hai người phụ nữ Do Thái lớn tuổi bị giết hại, một người bị ném ra ngoài cửa sổ căn hộ của mình. Bảo vệ có vũ trang hiện diện tại bất kỳ địa điểm nào đám đông có thể tụ tập.
Niềm tin tan vỡ
Qua tất cả ác mộng này, dường như có một sự kìm nén luôn thường trực. Người ta cảm thấy được an ủi với niềm tin rằng bằng cách nào đó, Paris không thể bị phá hủy. Cảm giác rằng Paris sẽ luôn là Paris được củng cố mạnh mẽ nhất khi đứng trước Nhà thờ Đức Bà hơn bất cứ nơi nào khác.
Đám đông cầu nguyện trước vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: Washington Post. |
Trong bài phát biểu trước đất nước đang đau buồn vào đêm 15/4, Tổng thống Emmanuel Macron gọi nhà thờ là hình ảnh ẩn dụ của nước Pháp.
"Nhà thờ Đức Bà là lịch sử của chúng ta, văn chương của chúng ta, trí tưởng tượng của chúng ta. Địa điểm của tất cả sự kiện lớn, dịch bệnh, chiến tranh, giải phóng và những chấn động trong cuộc sống của chúng ta", ông nói.
Đây là điều không thể phủ nhận.
Được hoàn thành vào thế kỷ 14, nhà thờ đã đứng vững qua thử thách của thời gian và sự tấn công của lịch sử. Nhà thờ Đức Bà sống sót qua Cách mạng tư sản Pháp, khi các nhà cách mạng đập vỡ các bức tượng của các vị vua Judean với lầm tưởng rằng đó là các vị vua Pháp.
Nó sống sót qua Công xã Paris vào mùa xuân năm 1871. Và nó đã sống sót qua hai cuộc chiến tranh thế giới, bao gồm cả kế hoạch của Hitler nhằm chôn vùi thành phố vào năm 1944.
"Có phải Paris đang bị đốt cháy?", Hitler được cho là đã hỏi như vậy ngay trước khi Paris được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Đức quốc xã vào tháng 8 năm đó. Câu trả lời lúc đó và từ đó đến nay là "không bao giờ".
Tuy nhiên, vào chiều 15/4, tượng đài không thể bị lay chuyển hóa ra lại mong manh hơn nhiều so với mọi người tưởng tượng.
Chúng ta chưa biết những gì đã xảy ra hoặc tại sao. Tất cả những gì chúng ta biết là phần lớn Nhà thờ Đức Bà đã biến mất. Có lẽ chính Marx đã mô tả điều đó tốt nhất: "Tất cả những gì vững chắc đều tan vào hư không, tất cả những gì linh thiêng đều bị phỉ báng".
Cảnh tượng vừa mê hoặc vừa kinh hoàng
Khung cảnh phía trước nhà thờ đang cháy dường như siêu thực. Không khí trở nên tĩnh lặng đến mức gần như tôn kính khi thảm kịch diễn ra.
Lúc đó là giờ cao điểm. Ôtô nườm nượp trên đường, các cặp đôi ung dung trên ban công quán cà phê. Dường như không ai nhận thấy tiếng còi xe hay tiếng cửa kính vỡ tan.
Phía bên kia sông, sức nóng bốc lên cùng đám khói màu nâu và cam cuồn cuộn trên bầu trời. Cả hai đều không phát ra tiếng động.
Sự yên tĩnh bị phá vỡ khi khối chóp trên nóc nhà bị lật úp và rơi xuống, cảnh sát huýt sáo để đẩy lùi đám đông. Mọi người di chuyển ra sau nhưng bước lùi để không bỏ lỡ khoảnh khắc nào của cảnh tượng vừa mê hoặc vừa kinh hoàng trước mắt.
Người dân theo dõi lửa và khói bốc lên từ Nhà thờ Đức Bà ở Paris vào ngày 15/4. Ảnh: AFP/Getty. |
Nhiều người rơi lệ, những người khác ôm chầm lấy nhau. Hàng nghìn người tụ tập để theo dõi đám cháy đều cảm thấy bất lực khi chiêm ngưỡng lần cuối cùng nhà thờ yêu dấu, công trình mà Tổng thống Macron đã lập tức hứa xây dựng lại nhưng sẽ không bao giờ có thể trở lại như cũ.
Số phận của một số cửa sổ kính màu - kính vạn hoa dưới ánh sáng Mặt Trời - vẫn chưa được xác định.
Đến nay, chưa có người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn, một phước lành vào cuối một ngày khủng khiếp. Thách thức bây giờ không phải là xây dựng lại cấu trúc nhà thờ mà là những gì nó thể hiện: an ninh, an toàn, vĩnh cửu. Điều chỉ khả thi phần nào.
Như Victor Hugo đã viết trong "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà", cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ chính nhà thờ này: "Lâu đài vĩ đại, giống như những ngọn núi lớn, là tác phẩm của thời đại".
Fatima Marie, 35 tuổi, có mặt trong đám đông tới cầu nguyện và tỏ lòng thành kính với Nhà thờ Đức Bà đang cháy. Cuối tuần trước, cô vừa cùng bạn bè đến thăm công trình này. Cô đã chụp một bức ảnh về vụ cháy nhưng có thể sẽ không giữ nó.
"Tôi nghĩ tôi sẽ giữ lại những bức ảnh từ tuần trước", cô nói và cho phóng viên Washington Post xem các tấm hình cột trụ Gothic và máng xối nằm giữa những cây tử đinh hương đang nở rộ. "Giờ chúng tôi đã mất tất cả", cô nói.