Khi nghe chồng báo tin rằng Nhà thờ Đức Bà xảy ra hỏa hoạn, chị Thanh Hương ban đầu nghĩ đó chỉ là một ngọn lửa nhỏ, thậm chí cho rằng có thể chồng chị nói đùa. Hầu như cuối tuần nào chị cũng đi dạo quanh khu vực có công trình hơn 850 năm tuổi, gần nhất là Chủ nhật tuần trước.
"Chồng chị gọi điện dồn dập tới lần thứ mười chị mới nhấc máy. Thực sự sốc... Chị sống quận 11, đi bộ tầm 30 phút là tới nhà thờ. Tuần nào chị cũng ra đó", chị Hương, người đã sống ở Paris 10 năm nay, chia sẻ với Zing.vn.
Hầu hết người Việt sống ở thủ đô Pháp mà Zing.vn trò chuyện đều cho biết họ cảm thấy bàng hoàng khi hay tin Nhà thờ Đức Bà, công trình biểu tượng của Paris và nước Pháp, bị lửa thiêu rụi một phần trong vụ cháy kinh hoàng tối 15/4.
"Ngọn tháp đổ sập trước mắt"
Chị Nguyễn Thị Minh Phương, người đã sống và làm việc tại Paris 17 năm, ban đầu cũng nghĩ rằng chỉ là đám cháy nhỏ và sẽ nhanh chóng được dập tắt. Đi làm qua đó hàng ngày, hôm qua chị cũng đi bộ từ nhà thờ về nơi ở và vừa về đến nơi thì hay tin.
"Nghĩ là cháy nhỏ nhưng bật tivi lên thì hoá ra không giản đơn thế. Thực sự hoảng hốt, choáng và thấy đau tim khi ngọn lửa lớn dần", chị Minh Phương nói, cho biết chị đã theo dõi tường thuật trực tiếp vụ cháy trên truyền hình đến 23h (lửa bùng lên vào khoảng 18h50, theo giờ địa phương).
"Đã không cầm được nước mắt vì thấy tuyệt vọng, nhất là khi tháp nhọn phía sau ngã xuống vào tầm 20h mà lửa tiếp tục cháy".
Lửa và khói bốc lên từ Nhà thờ Đức Bà Paris hôm 15/4. Ảnh: AP. |
Không ít người Việt tại Paris có chung tâm trạng với chị Phương.
“Notre-Dame đang bị cháy. Paris bị cháy. Thật buồn quá. Thật khủng khiếp. Nhưng chúng ta sẽ xây lại Notre-Dame” - đó là tin nhắn của gia đình chồng chị Đinh Huyền ở Paris gửi cho vợ chồng chị khi hai người đang đi công tác ở châu Phi. (Notre-Dame là tên gọi Nhà thờ Đức Bà trong tiếng Pháp).
"Tôi vô cùng sốc và buồn. Chồng tôi là người Paris, anh đã thực sự sững sờ khi biết tin Nhà thờ Đức Bà, linh hồn của thủ đô nước Pháp, ngập trong biển lửa", chị Huyền, người có 16 năm sống tại Paris, chia sẻ với Zing.vn.
Chị Huyền cho biết chị đã không cầm được nước mắt khi theo dõi tin tức trên báo về vụ cháy, trong khi gia đình chồng chị thậm chí không dám xem các video đăng tải trên truyền thông về vụ hỏa hoạn vì "quá đau lòng".
"Notre-Dame là nơi luôn khiến tôi có cảm giác bình yên và linh thiêng. Mỗi khi bước vào trong nhà thờ, mọi vướng bận, xô bồ bên ngoài đều được trút bỏ. Mặc dù tôi không theo đạo (Công giáo) nhưng vào Nhà thờ Đức Bà, tôi luôn có cảm giác tới một nơi vô cùng linh thiêng”, chị nói.
Vượt lên giá trị tôn giáo
Được xây dựng từ thế kỷ 12, Nhà thờ Đức Bà Paris đã đứng vững qua hai cuộc thế chiến và những biến động thời thế ở châu Âu. Nhà thờ là nơi chứng kiến vua Henry VI của Anh lên ngôi, vua James V của Scotland cưới hoàng hậu Madeleine, hoàng đế Napoleon đăng cơ. Nhà thờ trở thành một biểu tượng bất diệt trong văn hóa đại chúng cùng với tác phẩm Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà Paris của văn hào Victor Hugo.
Nhà thờ Đức Bà Paris năm 1987, 1967 và 1911 (trên xuống, trái qua). Ảnh: AP. |
"Tôi may mắn được thăm nhiều nhà thờ Notre-Dame khác ở Chartre, Strasbourg... Nhưng không ở đâu có thể so sánh được với Notre-Dame de Paris, vì những nơi đó không gắn với câu chuyện của Victor Hugo, không gắn với dấu chân vĩ đại của Napoleon", chị Lê Thị Trà My, một người Việt đang sống tại Paris, cho biết.
Cho biết bản thân cảm thấy vừa buồn vừa tiếc nuối, chị Trà My nói công trình đã vượt lên ý nghĩa địa điểm tôn giáo để trở thành niềm tự hào của người Pháp. Với chị, Nhà thờ Đức Bà cũng gắn liền với nhiều kỷ niệm riêng tư cùng chồng và con.
"Tôi vốn không phải là con chiên Công giáo nhưng cũng rất đồng cảm với người dân Paris nói riêng và người dân Pháp nói chung. Tiếc cho những giá trị phi tôn giáo đã làm nên Notre-Dame de Paris", chị Trà My nói với Zing.vn.
Công trình là nơi mà gần như mọi du khách đến Paris đều ghé thăm. Phạm Trường Sơn, du học sinh ở Paris, nói Nhà thờ Đức Bà là địa điểm đầu tiên mà anh tham quan sau khi đặt chân tới Pháp và bạn bè anh nếu ghé Paris thì anh đều đưa đến đây.
"Nói chung ai biết thì cũng sốc cả, vì Notre-Dame là biểu tượng của Paris, của nước Pháp. Và khi thấy tòa tháp ở nóc nhà thờ đổ sụp xuống thì ai cũng đau lòng cả", anh chia sẻ.
Khoảng 13 triệu người đến thăm Nhà thờ Đức Bà Paris mỗi năm, theo AP. Hiện tại, thiệt hại do vụ cháy vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Nhưng chị Trà My cho rằng nơi này sẽ mãi mãi không còn như xưa.
"Chồng tôi bảo là anh cảm thấy hụt hẫng. Từ nay thay vì dẫn mọi người đi thăm một Notre-Dame kỳ vĩ thì giờ chỉ được xem phế tích mà thôi", chị Trà My nói.
Vụ cháy xảy ra ngay trước thềm lễ Phục Sinh, một ngày lễ quan trọng đối với cộng đồng Cơ Đốc giáo. Trong lúc ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt từ nhà thờ, người Paris cũng như du khách đã tập trung dọc hai bên bờ sông Seine để cầu nguyện và hát những bài thánh ca.
Người Paris cũng như du khách đã tập trung dọc hai bên bờ sông Seine để cầu nguyện trong lúc vụ cháy đang xảy ra. Ảnh: AP. |
Những nỗ lực khôi phục công trình đã được khởi động. Một số người giàu có đã cam kết bỏ ra cả trăm triệu euro để xây dựng lại nhà thờ, trong khi cơ quan di sản Pháp đã lập ra website để mọi người có thể quyên góp.
"Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho nước Pháp về bảo vệ di sản. Trong những năm gần đây, Notre-Dame de Paris nói riêng và các di sản văn hoá, kiến trúc khác đã không nhận được mức độ đầu tư đầy đủ", chị Trà My nói.
Một số người khác tỏ ra lạc quan hơn, cho rằng vụ cháy chỉ là tai nạn và Pháp vẫn là một trong những nước châu Âu có chính sách bảo vệ di sản tốt nhất.
Dù sao đi nữa, ngày 15/4 từ đây sẽ mãi được nhắc đến trong lịch sử Paris và nước Pháp với những nỗi tiếc nuối không dễ gì bù đắp.
Chị Hương nói mùa nào nhà thờ cũng rất đẹp và chị có nhiều kỷ niệm với nơi này. Ngay trước nhà thờ là bệnh viện Hôtel-Dieu de Paris, nơi chị hay đi tiêm vaccin. Sau lưng nhà thờ là Île Saint-Louis, một địa điểm đẹp để đi dạo ngắm người hát rong và ăn kem Berthillon nổi tiếng.
"Giờ không phải là chạy đến xem (hiện trường vụ cháy) thế nào mà là tiếp theo phải làm gì", chị Hương nói.