Vị tướng Đức được cho là đã mạo hiểm mạng sống của bản thân để ngăn chặn chiến dịch "san bằng Paris" của Adolf Hitler vào cuối Thế chiến II.
Tướng Von Choltitz nhận lệnh san phẳng Paris vào ngày 8/8/1944. Trùm phát xít Hitler khi đó trực tiếp ra lệnh cho Choltitz chuẩn bị sẵn sàng phá hủy tất cả các di tích lịch sử và công trình tôn giáo ở đây. Cụ thể hơn, Hitler muốn biến thủ đô nước Pháp thành một đống đổ nát. Thế nhưng, các di sản này của Paris sau cùng vẫn được giữ nguyên vẹn.
Lo sợ Paris bị phá hủy
Sau khi nhận mệnh lệnh từ Hitler, Choltitz tìm cách trì hoãn thực hiện.
Ông Choltitz lúc đó nói dối tướng Hans Speidel, tổng tham mưu trưởng Quân đoàn B, rằng việc phá hủy thành phố đã bắt đầu được thực hiện. Trong khi đó, vị tướng lại ngăn cản không cho kích nổ bất kỳ khối bộc phá nào.
Ông Dietrich von Choltitz được xem như "vị cứu tinh của Paris" khi đã không phá hủy thành phố này trong giai đoạn cuối Thế chiến II, nhưng nhiều nhà sử học vẫn còn hoài nghi về điều này. Ảnh: France TV. |
Trong cuốn hồi ký "Paris có cháy không?" năm 1951 của mình, Choltitz thừa nhận không tin tưởng rằng ông có thể hoàn thành sứ mệnh hủy diệt "Kinh đô Ánh Sáng" nên đã không tuân lệnh Hitler.
"Nếu lần đầu tiên tôi không tuân mệnh thì là vì tôi biết Hitler đã bị điên", trích cuốn hồi ký.
Sau khi chậm trễ trong việc đánh phủ đầu quân Pháp, Choltitz đã đầu hàng vào ngày 25/8/1944.
Sau này, chính con trai của "vị cứu tinh Paris" - còn gây nhiều tranh cãi, đã nhiều lần nhắc lại chiến công của cha mình với niềm tự hào.
"Nếu ông ấy chỉ giữ được Nhà thờ Đức Bà Paris, thì điều đó cũng đủ để người Pháp biết ơn", con trai tướng Choltitz, ông Timo, 60 tuổi, nói với tờ Telegraph năm 2004. "Nhưng ông ấy đã làm được nhiều hơn thế".
Vẫn còn những hoài nghi
"Đến nay, Pháp vẫn chưa chịu thừa nhận điều đó và vẫn khăng khăng rằng quân kháng chiến của họ đã giải phóng Paris bằng 2.000 khẩu súng để chống trả quân đội Đức. Tôi muốn gửi lời chính thức đến nước Pháp rằng cha tôi là người khủng khiếp, nhưng những người Pháp có học đều biết ông đã làm gì cho họ. Tôi rất tự hào về quá khứ của ông ấy", ông Timo nói trước những nghi vấn của nhiều nhà sử học về kỳ tích của cha mình.
Nhà thờ Đức Bà Paris rực lửa ngày hôm nay từng suýt "chết hụt" một lần dưới tay cựu tướng của trùm phát xít Hitler. Ảnh: Reuters. |
Theo The Local, ở một góc nhìn khác, câu chuyện về ông Choltitz bị hoài nghi và được cho là sự bịa đặt hư cấu hoàn toàn phục vụ mục đích cá nhân.
"Ông ấy chính là vị cứu tinh của thành phố", Lionel Dardenne từ bảo tàng quân sự "Museum of Order of the Liberation" ở Paris, Pháp, nói với The Local.
Mặt khác, Choltitz là một tướng lĩnh chuyên nghiệp, có trình độ cao, từng tham gia san phẳng các thành phố như Rotterdam và Sevastopol. Với "các lần ghi điểm" khi ông chỉ huy oanh tạc cơ dội bom hủy diệt các thành phố trước khi người dân có cơ hội đầu hàng, Choltitz đã lọt vào mắt xanh của Hitler.
Sau cùng, thành công của von Choltitz là ông chưa bao giờ bị buộc tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, việc ông có phải là anh hùng của người dân Pháp không tới nay vẫn khiến nhiều nhà sử học hoài nghi.
Huyền thoại về Choltitz được tạo nên chủ yếu từ cuốn tự truyện của ông nhưng đã bám rễ sâu vào văn hóa đại chúng Pháp tới mức thậm chí có những người Paris đã kêu gọi dựng bia để vinh danh ông như với các anh hùng chiến tranh khác.
Cuốn hồi ký về anh hùng Đức Quốc Xã Dietrich von Choltitz mang tên “Is Paris Burning” đã được chuyển thể thành phim năm 1965.
Vị tướng Đức Quốc xã đã tự khắc họa hình tượng mình kháng lệnh Hitler vì cho rằng trùm phát xít lúc đó đã loạn trí. Sau khi chính thức đầu hàng vào ngày 25/8/1944, Choltitz bị người Mỹ bắt giữ và trả tự do vào năm 1947. Ông mất năm 1966 ở tuổi 71.