Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao Nhà thờ Đức Bà Paris quan trọng đến thế với nước Pháp?

Thánh đường hơn 850 năm tuổi là biểu tượng của Paris và chứng nhân lịch sử nước Pháp, là "trái tim" của giáo hội Công giáo Pháp và tượng đài nghệ thuật quan trọng của thế giới.

Nhà thờ Đức Bà Paris đã cháy thế nào? Nhà thờ Đức Bà Paris, biểu tượng văn hóa và là chứng nhân lịch sử suốt 850 năm qua của nước Pháp, đã bị hỏa hoạn vào ngày 15/4. Nội thất gỗ và tòa tháp cao nhất bị thiêu rụi.

Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) là một trong những tượng đài mang tính biểu tượng và lâu đời nhất của thủ đô nước Pháp, nằm trong danh sách các thánh đường thiêng liêng nhất tại châu Âu.

Đối với nhiều người sinh ra, lớn lên và đang sống tại Paris, thánh đường hơn 850 năm tuổi được xem là trái tim của "kinh đô ánh sáng". Hai tháp chuông được xây dựng theo trường phái Gothic trở thành một biểu tượng của vòm trời Paris, nổi bật giữa những dãy nhà dọc theo bờ sông Seine và chứng kiến bao giai đoạn thăng trầm của thành phố.

chay nha tho duc ba anh 1
Ảnh chụp Nhà thờ Đức bà Paris vào năm 1911 trên đảo Ile de la Cite. Ảnh: AP.

Thánh đường của mọi thánh đường

Người ta gọi Nhà thờ Đức Bà Paris là thánh đường của mọi thánh đường trên đất nước hình lục lăng, với bề dày lâu đời nhất và chứng kiến những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nước Pháp.

Từ những đám cưới hoàng gia, lễ đăng cơ hoàng đế của Napoleon Bonaparte, đến lễ phong thánh cho nữ anh hùng Joan d'Arc (Joan xứ Arc) từng lãnh đạo nước Pháp chống lại ách thống trị của người Anh ... đều diễn ra tại tại thánh đường này.

chay nha tho duc ba anh 2
Sảnh chính của Nhà thờ Đức bà Paris. Ảnh: Getty.

Nhà thờ Đức Bà Paris là nơi người dân nước Pháp tưởng niệm và ngợi ca những con người vĩ đại và những điều tốt đẹp nhất của dân tộc và nhân loại. Lễ an nghỉ cho hai tổng thống nổi tiếng của nền Cộng hòa đệ ngũ nước Pháp, Charles de Gaulle và Francois Mitterrand, cũng được tổ chức tại Nhà thờ Đức Bà. 

Đây cũng là nơi ghi lại những cột mốc lịch sử của cả châu Âu. Chính tại thánh đường hùng vĩ này, vua Henry VI của nước Anh năm 1431 được phong vua của nước Pháp. Năm 1537, vua xứ Scotland James V đến đây làm lễ cưới với công chúa Madeleine của Pháp.

Kiệt tác văn học "Thằng gù Nhà thờ Đức bà" của đại văn hào Victor Hugo đã biến thánh đường trở thành bất tử trong tâm thức nhân loại.

Biểu tượng của nước Pháp

Nhà thờ Đức bà Paris được xây theo lệnh của Vua Louis VII (trị vì nước Pháp từ năm 1120 - 1180).

Ông muốn thánh đường trở thành một biểu tượng cho quyền lực của Paris về chính trị, kinh tế, tinh hoa và văn hóa tại Pháp và châu Âu. Thành phố này thời điểm đó đã trở thành trung tâm quyền lực tại Pháp và cần một tượng đài tôn giáo đủ kỳ vĩ để xứng tầm với vị thế mới. 

Vua Louis VII chọn xây thánh đường mới ngay trên nền một vương cung thánh đường đã có từ thời trung cổ. Ông cho phá hủy kiến trúc nằm ở bờ đông hòn đảo Ile de la Cite - một trong hai đảo tự nhiên duy nhất ở Paris nằm trên dòng sông Seine - để xây biểu tượng mới của thành phố.

Những công trình sư của Pháp đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Đức bà vào năm 1163, trước sự chứng kiến của Giáo hoàng Alexander III. Công trình dài 130 m và rộng 48 m phải đến năm 1345, tức gần 200 năm sau, mới hoàn thành, theo NPR.

Hai tòa tháp ở hướng về phía tây của Nhà thờ Đức Bà, cao 69 m, được xây vào đầu thế kỷ thứ 13. Tòa tháp phía bắc có tổng cộng 387 bậc thang và cho phép du khách viếng thăm. Tòa tháp còn lại nằm về phía nam là nơi đặt 10 chuông lễ.

chay nha tho duc ba anh 3
Thánh lễ an nghỉ dành cho cựu tổng thống Pháp Francois Mitterand vào năm 1996 tại Nhà thờ Đức bà Paris. Ảnh: AFP.

Trong số này, nổi tiếng nhất là có lẽ là chiếc chuông Emmanuel, được đặt tên bởi chính vua Louis VII, được sử dụng trong các lễ đăng cơ, những lần đón tiếp giáo hoàng đến thăm Paris và đánh dấu sự kết thúc của hai cuộc thế chiến. Nhà thờ Đức bà Paris từng gióng chuông Emmanuel trong nghi lễ mặc niệm cho sự kiện khủng bố tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, ngày 11/9/2001. 

Trong bi kịch hỏa hoạn ngày 15/4, tháp cao nhất của nhà thờ đã bị thiêu rụi và đổ sụp lên mái vòm thánh đường. Tuy nhiên, cấu trúc tháp ban đầu của Nhà thờ Đức Bà thật ra đã được tháo dỡ vào thế kỷ thứ 18 sau đó lại được thay thế. Trong nhiều thế kỷ qua, thánh đường trên đảo Ile de la Cite đã trải qua nhiều đợt trùng tu và chỉnh sửa kiến trúc.

Trong giai đoạn Cách mạng Pháp vào đầu thế kỷ 19, Nhà thờ Đức Bà bị hư hại nặng nề và một nửa kiến trúc bên trong thánh đường chỉ còn là phế tích. Với sức ảnh hưởng từ kiệt tác của Victor Hugo và trước đó là lễ đăng cơ hoàng đế của Napoleon, Nhà thờ Đức bà được đại trùng tu vào giữa thế kỷ bởi kiến trúc sư lừng danh gốc Áo Eugene Viollet-le-Duc. 

chay nha tho duc ba anh 4
Ảnh vẽ lại Nhà thờ Đức bà Paris vào năm 1800. Ảnh: Getty.

Tượng đài của tôn giáo và nghệ thuật

Vụ hỏa hoạn kinh hoàng ngày 15/4 phá hủy phần lớn kiến trúc vòm gỗ hàng trăm năm tuổi và cổng tò vò trên mái Nhà thờ Đức Bà. Nhiều chuyên gia còn lo lắng cho số phận của ba cửa sổ "hoa hồng" làm bằng kính màu theo trường phái Gothic, cùng nhiều cổ vật trăm tuổi vô cùng thiêng liêng đối với người Công giáo.

"Cửa sổ hoa hồng" của thánh đường đã sống sót qua được hai cuộc thế chiến, theo NPR. Trong giai đoạn cao điểm của thế chiến thứ hai, giới lãnh đạo nhà thờ và thành phố đã cho tháo dỡ kiệt tác này để cất giữ. "Cửa sổ hoa hồng" chỉ được lắp lại sau khi chiến tranh kết thúc.

Nhà thờ Đức Bà Paris đã trở thành nơi hành hương và cầu nguyện của nhiều thế hệ người Công giáo tại châu Âu. Dù Công giáo không còn giữ vai trò to lớn ở nước Pháp trong nhiều thập niên trở lại đây, Nhà thờ Đức Bà luôn được xem là "trái tim không bao giờ ngừng đập" của giáo hội Công giáo Pháp khi mở cửa mỗi ngày cho người dân đến cầu nguyện, CNN viết.

"Tôi thậm chí không thể nhìn điều đó diễn ra", mục sư Dòng Tên James Martin, sống tại New York, chia sẻ về cảm giác thất thần khi chứng kiến thánh đường biểu tượng của Công giáo bị lửa tàn phá.

chay nha tho duc ba anh 5
Cửa sổ hoa hồng theo trường phái Gothic nổi tiếng của Nhà thờ Đức bà Paris đã "sống sót" sau hai cuộc thế chiến. Ảnh: AFP.

"Ngoài Vương cung thánh đường St.Peter tại Vatican, tôi nghĩ không có nhà thờ Công giáo nào mang tính biểu tượng to lớn hơn. Tôi nghĩ không có tín đồ Công giáo nào đến Paris mà không cầu nguyện hoặc đi dự thánh lễ tại Nhà thờ Đức bà", ông nói.

Không chỉ cộng đồng Công giáo, giới nghệ thuật toàn cầu cũng cảm thấy đau xót trước thảm kịch tại Nhà thờ Đức bà Paris.

"Nền văn minh vô cùng mong manh. Đây là một tượng đài kỳ vĩ được xây bằng đá từ năm 1163 và đã vượt qua biết bao nhiêu thử thách. Chúng ta không chỉ nói đến một cổ vật, hay một mảnh kính vỡ, mà hãy nhìn đến toàn cục", Barbara Drake Boehm, người quản lý cấp cao tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolian ở New York, cho biết.

"Nhà thờ là linh hồn của Paris nhưng không chỉ dành riêng cho người dân nước Pháp mà cho cả nhân loại. Nó là một trong những tượng đài kỳ vĩ đại diện cho điều tốt đẹp nhất của nền văn minh nhân loại", bà cho biết.

Nhà thờ Đức Bà Paris đã cháy thế nào? Nhà thờ Đức Bà Paris, biểu tượng văn hóa và là chứng nhân lịch sử suốt 850 năm qua của nước Pháp, đã bị hỏa hoạn vào ngày 15/4. Nội thất gỗ và tòa tháp cao nhất bị thiêu rụi.

Paris kịp di dời 16 bức tượng thánh trước vụ cháy Nhà thờ Đức Bà

Chỉ bốn ngày trước khi Nhà thờ Đức Bà Paris bị nhấn chìm trong biển lửa, 16 bức tượng thánh đã được di dời từ phần mái của công trình để phục vụ mục đích tu sửa.

'Paris biến dạng' - nước mắt và sửng sốt vụ cháy Nhà thờ Đức bà Paris

Du khách và người dân Paris kinh hoàng dõi theo nỗ lực kéo dài hàng giờ liền của lực lượng cứu hỏa tại trung tâm thủ đô nước Pháp ngăn biển lửa nuốt chửng toàn bộ Nhà thờ Đức Bà.

Lê Thanh

Bạn có thể quan tâm