Chia sẻ đầu xuân Nhâm Dần với Zing, bác sĩ Đinh Huỳnh Linh và cũng là runner từng tham dự các giải chạy nổi tiếng như Boston Marathon, New York Marathon, nói về cột mốc 3 giờ đồng hồ trong việc tập luyện chạy marathon với VĐV phong trào, đồng thời có những nhận định về các giải chạy marathon tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh và SEA Games 31 đang đến gần.
Bác sĩ Đinh Linh từng tham dự giải New York Marathon và chinh phục cột mốc dưới 3 giờ. |
Chăm chỉ là chưa đủ để chạy marathon dưới 3 giờ
- Giải marathon Breaking3 mới tổ chức vào đầu tháng 1 là giải marathon đầu tiên được tổ chức trong năm 2022. Điều gì đã khiến anh lên kế hoạch tổ chức giải này?
- Do tình hình dịch bệnh, gần như toàn bộ giải đấu trong năm 2021 bị hủy hoặc hoãn. Tuy nhiêu, nhiều VĐV phong trào vẫn tập luyện chăm chỉ, thậm chí ngay cả trong giai đoạn giãn cách xã hội. Nhiều hội nhóm đã tổ chức các sự kiện nội bộ. Ban đầu, tôi muốn có sự kiện để đánh giá năng lực bản thân và tự nghĩ vì sao không làm giải đấu chung, để những CLB mạnh nhất chạy với nhau.
Đó là ý tưởng khởi nguồn của giải Breaking3. Giải đấu này cũng tổ chức quy củ khi đo đường bằng xe, có chip tính giờ, thay vì tính thành tích bằng đồng hồ hay GPS như nhiều sự kiện tự phát khác.
VĐV Nguyễn Đông Định của Green Star Runner vô địch cự ly marathon cho nam với thành tích 2 giờ 45 phút 44 giây. Ảnh: Chay365. |
- Có khó khăn gì trong quá trình tổ chức giải không khi thời gian tương đối ngắn đặt trong bối cảnh dịch bệnh tương đối phức tạp tại Hà Nội?
- Breaking3 được lên kế hoạch và tổ chức trong 3 tuần. Khó khăn lớn nhất đến từ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ban tổ chức phải tiên lượng tình huống, chuẩn bị các phương án, đảm bảo an toàn y tế tối đa (VĐV và tình nguyện viên phải đủ 2 mũi vaccine và có test Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ), cũng như đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch của địa phương.
Những khó khăn khác trong công tác tổ chức như đo đường chuẩn, lắp đặt thiết bị tính giờ, chuẩn bị hậu cần như cung cấp chuối, nước, trông đồ, in ấn các vật phẩm liên quan giải đấu (bib, cổng,…), công tác an ninh đường chạy,… thì không quá vất vả do thành viên ban tổ chức đều là những người giàu kinh nghiệm làm giải chạy.
Chưa lúc nào tôi nghi ngờ về khả năng tổ chức Breaking3 dù có những khó khăn. Ban đầu tôi định tổ chức Breaking3 tại khu đô thị Starlake. Tuy nhiên, sau khi khu vực này có thể biến thành vùng vàng, tôi chủ động tìm các địa điểm mới như công viên Thiên văn học tại Hà Đông, hay khu đô thị Thanh Hà và cuối cũng chốt địa điểm tại Thanh Hà.
- Ngay từ cái tên, Breaking3 đã cho thấy đây là giải đấu không dành cho số đông. Vì sao anh lại chọn mốc 3 giờ?
- Cột mốc thường thấy của marathon là 4 giờ. Bất kể giới tính, VĐV chỉ cần tập luyện đủ là sẽ hoàn thành cự ly 42,195 km dưới 4 giờ. Tuy nhiên, việc hoàn thành dưới 3 giờ thì khác. Đây là mốc chăm chỉ thôi là chưa đủ. VĐV cần cả tố chất.
Dấu mốc này cho thấy runner có tố chất, đồng thời đủ quyết tâm và chăm chỉ để chuyển hóa năng lực đó thành kết quả trên đường chạy. Đây là cột mốc mà nhiều runner nghiêm túc hướng đến. Tôi hy vọng trong năm nay Việt Nam sẽ có 100 người chạy Full Marathon trong vòng 3 giờ (sub3). Chỉ hơi băn khoăn một chút là cái tên “Breaking3” hơi “thiên vị” nam giới, vì với nữ giới đạt sub3 quả thật khó khăn.
- Nhiều runners đã đạt kỷ lục cá nhân (Personal Record - PR) trong giải này. Đây có phải điều ban tổ chức giải đã kỳ vọng?
- Mục tiêu về chuyên môn của ban tổ chức là có được tối thiểu 10 VĐV đạt thành tích sub3. Chưa có giải chạy nào của Việt Nam có 10 VĐV đạt đến cột mốc này. Breaking3 đã làm được khi có 18 VĐV đạt sub 3, 3 VĐV nữ chạy dưới 3 giờ 30 phút.
Ngoài ra, rất nhiều VĐV đạt PR. Điều này cho thấy giải đấu đã thật sự tạo những điều kiện thuận lợi nhất để runner chinh phục giới hạn bản thân.
- Liệu sẽ có giải Breaking3 nữa trong thời gian tới?
- Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ban tổ chức giải muốn có đơn vị tài trợ chính danh: Zing Breaking3 chẳng hạn. Tất cả giải chạy lớn trên thế giới đều đi theo mô hình này. Ví dụ New York Marathon tên đầy đủ là TCS NY Marathon, trong đó TCS là tập đoàn viễn thông lớn của Ấn Độ. Đây cũng là đơn vị tài trợ cho London Marathon. Các giải chạy ở Việt Nam cũng đi theo mô hình này.
Ý nghĩa về chuyên môn và sự lan tỏa cảm hứng trong cộng đồng của Breaking3 Marathon rất tốt. Vì thế, tôi hy vọng đây sẽ trở thành sự kiện thường niên.
Mục tiêu SEA Games
- SEA Games sẽ tổ chức sau chưa đầy 100 ngày nữa, việc có 200 VĐV nghiệp dư được chọn tham dự có phải cơ hội cho những VĐV tham dự Breaking3, khi tiêu chuẩn của SEA Games là 3 giờ 30 phút với VĐV nam và 4 giờ 30 phút cho nữ?
- Về chuyên môn, tôi hoàn toàn tin các VĐV dự Breaking3 có khả năng vào Top 200 VĐV phong trào chạy nhanh nhất Việt Nam và đủ tiêu chuẩn tham dự sự kiện marathon mở rộng dành cho giới nghiệp dư ở SEA Games tới đây.
Tuy nhiên, Liên đoàn Điền kinh chỉ chấp nhận kết quả của các giải đấu đã được kiểm định. Breaking3 không nằm trong hệ thống này.
Trong hoàn cảnh phần lớn các giải marathon năm 2021 bị hoãn, tôi hy vọng Liên đoàn Điền kinh sẽ chấp nhận sử dụng kết quả thi đấu ở Breaking3 Marathon. Công tác đo đường và tính giờ ở Breaking3 được các đơn vị chuyên nghiệp đảm nhiệm, vì thế có độ tin cậy cao.
Sử dụng kết quả của giải đấu gần sát với SEA Games cũng sẽ đảm bảo chọn được những chân chạy phong trào đang có phong độ tốt nhất, phản ảnh chính xác bộ mặt và năng lực của cộng đồng chạy bộ đường dài ở Việt Nam.
200 VĐV nghiệp dư sẽ tham dự nội dung marathon tại SEA Games 31 bên cạnh những VĐV tuyển quốc gia như Phạm Thị Hồng Lệ. Tiêu chuẩn ở cự ly marathon cho VĐV nam là 3 giờ 30 phút và 4 giờ 30 phút cho nữ. Ảnh: Minh Chiến. |
- Anh đạt PR tại Breaking3 với thời gian 2 giờ 47 phút. Đây có phải thành công ngoài mong đợi?
- Đây là thành công. Trước giải, tôi khá tự tin với mục tiêu sub 2 giờ 50 phút và vui khi đạt được thành tích 2 giờ 47 phút. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình vẫn có thể chạy nhanh hơn nếu trong quá trình tập luyện có thêm các bài tập tốc độ. Tôi bỏ qua những bài tập này do mới trở lại sau 9 tháng chấn thương cân gan bàn chân.
- Anh có đặt mục tiêu tham dự SEA Games?
- Được tham dự SEA Games, dù chỉ với tư cách “mở rộng”, cũng là niềm vui và niềm vinh dự. Tuy nhiên, như đã nói, cánh cửa với tôi khá hẹp, do năm 2020 tôi chấn thương không thi đấu, năm 2021 các giải bị hoãn. Năm 2022 chỉ còn 1-2 giải được Liên đoàn Điền kinh chấp nhận, mà chưa biết có thể diễn ra không khi tình hình dịch bệnh đang khá phức tạp.
Mặt khác, các giải cũng cận kề SEA Games, và vận động viên dự giải có thể không đủ thời gian hồi phục. Vì vậy, tôi sẽ cân nhắc tất cả yếu tố.
- Theo anh, phong trào chạy thành tích cao tại Việt Nam có được thúc đẩy với mục tiêu SEA Games?
- Thể thao phong trào được truyền cảm hứng từ thể thao đỉnh cao và tới lượt nó, phong trào mạnh sẽ trở thành bệ đỡ để thể thao đỉnh cao vươn xa.
Chỉ cần đứng chung sân chơi với các VĐV chuyên nghiệp cũng là điều vinh dự. Nếu ban tổ chức SEA Games tạo điều kiện cho những cái tên giỏi nhất của giới phong trào tham gia, điều này sẽ tạo động lực lớn để cộng đồng chạy bộ Việt nam phát triển.
- Nhiều giải đấu marathon đã bị hoãn vì dịch bệnh trong giai đoạn cuối năm 2021 và dự tính trở lại trong thời gian tới. Theo anh, hướng đi của các giải trong năm 2022 là gì. Nếu sống chung với dịch Covid-19, làm cách nào để tổ chức những giải đấu với lượng VĐV tham dự đông?
- Dù là người yêu chạy bộ, tôi phải thừa nhận các giải chạy hàng nghìn người ngoài không gian công cộng sẽ đặt ra nhiều khó khăn về công tác tổ chức và kiểm soát dịch bệnh.
Tôi nghĩ ban tổ chức có thể cân nhắc một số hình thức. Đầu tiên: giới hạn VĐV tham gia (Breaking3 có 60 người). Thứ hai: VĐV phải tiêm đủ vaccine và âm tính với Covid-19. Thứ ba: tổ chức mô hình khép kín kiểu “bong bóng”.
Nếu giải chạy 5.000 người vẫn có thể được tổ chức bình thường, trong sự kiểm soát an toàn dịch bệnh, có thể nói chúng ta đã “chiến thắng Covid-19”.
- Ngày càng có nhiều runner trong tương lai, nhưng không phải ai cũng chạy được 42,195 km, và càng ít hơn người chạm được mốc 3 giờ cho cự ly FM. Theo anh, đây có phải mục tiêu bất khả thi với các runner?
- Không phải ai cũng có khả năng chạy marathon dưới 3 giờ. Tuy nhiên, nam giới dưới 40 tuổi, không có bệnh lý tim mạch, tập luyện kỷ luật, có đủ khát khao, sẽ có cơ hội chạy FM dưới 3 giờ. Tôi không có tố chất thể thao và lần đầu tiên chạy marathon mất 4 giờ 27 phút. Sau 8 năm luyện tập, thời gian đã được rút ngắn tới 90 phút.
- Anh mất bao lâu để chinh phục cột mốc chạy marathon dưới 3 giờ? Theo anh, lộ trình nào để runner cán mốc này?
- Tôi mất 5 năm để chạy được marathon sub3. Nhiều người tố chất tốt chỉ mất một năm, thậm chí ngắn hơn. Không có lộ trình chung cho tất cả. Cơ bản để chạy bộ tốt hơn bao gồm: luôn duy trì được động lực, đam mê, tập luyện bền bỉ để tiến bộ mỗi ngày, đồng thời tránh được chấn thương.
Ngay cả khi chưa thành công, thì hành trình theo đuổi mục tiêu cũng là trải nghiệm tuyệt vời. Đó là vẻ đẹp của marathon - môn thể thao dành cho mọi người.
- Anh có thể chia sẻ về chế độ dinh dưỡng của các runner theo đuổi cột mốc này?
- Không có mẫu số chung nào cả. Mỗi VĐV thực hiện phù hợp với nhu cầu cá nhân và cuộc sống sinh hoạt gia đình. Cơ bản là kiểm soát chế độ ăn để không tăng cân, dùng nhiều Carbohydrate, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước.
- Trong dịp Tết Nguyên đán, runner sẽ phải đối mặt với việc tăng cân. Có cách nào để hạn chế điều này không?
- Có nhiều cách. Đầu tiên là lên kế hoạch từ trước và kiên định với mục tiêu, tránh lên kế hoạch sát giờ. Thứ hai là linh hoạt. Ví dụ có cuộc gặp mặt, thì runner cần chuyển chạy sang buổi khác thay vì bỏ hẳn. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng Tết là dịp có thể thả lỏng, vì dù sao đây cũng là dịp chỉ có một lần trong năm.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!