Mở đầu buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nói về nạn chạy chức, chạy quyền, và đề xuất giải pháp phòng chống.
Tha hóa quyền lực và chạy chức, chạy quyền
-Gần đây khi nói đến bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, người dân thường nhắc đến tình trạng: “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ... “, ông nghĩ sao về điều trên?
- Ngày trước nếu hỏi nhân tài ở đâu, nhiều người có thể đọc một danh sách dài tên tuổi những vị tướng tài ba, những nhà chính trị, những nhà ngoại giao... xuất sắc. Nay, nếu hỏi như vậy, sẽ thật vất vả tìm kiếm mà chẳng biết chỉ ai.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực
Ban Tuyên giáo Trung ương.
Nguyên nhân của việc không tập hợp được nhân tài liên quan trực tiếp tới việc tha hóa quyền lực. Những người nắm giữ quyền lực, có vị trí quan trọng trong công tác nhân sự, thích dùng những người là “đồ đệ”, là “của mình” dù cho người đó không có tài cán gì, miễn là trung thành với mình, dễ sai khiến, có thể là bà con, là hậu duệ, hoặc “lợi ích nhóm” với mình. Tình hình khá là phổ biến, thậm chí có nơi gần coi như đương nhiên. Tuy nhiên, vẫn có những nơi làm tốt, những cán bộ tốt.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư
|
Nhưng rõ ràng, đồng tiền đã khuynh đảo nhiều thứ, làm đảo lộn hệ giá trị, đứng vào vị trí trung tâm trong nhiều trường hợp, làm cho nhân cách bị dạt sang bên lề và xuống hàng thứ yếu. Chuẩn bị bầu bán là chạy. Luân chuyển cũng chạy. Đại hội cũng chạy. Họp cấp ủy cũng chạy.
Người ta còn nói “cái gì cũng có thể mua được, không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền”, người ta chạy đến nhà thủ trưởng bằng phong bì lớn, kể cả bằng chiếc va-li nhỏ. Ghế thì có một nhưng hứa hẹn cho nhiều người, vậy là phải chạy. Ai chạy nhiều hơn thì được, chẳng khác gì “đấu giá”.
Làm công tác cán bộ khỏe nhất là căn cứ vào tuổi. Lâu nay, mỗi khi nói đến tiêu chuẩn thì ghi rất nhiều, chẳng thiếu gì đâu. Nhưng rất trừu tượng, khó xác định, mà người ta cũng chẳng cần phải dành nhiều công sức để xác định, vừa vất vả, vừa đụng chạm, khỏe nhất là căn cứ vào tuổi. Thế là sinh ra chạy tuổi, cán bộ nhiều người đi làm lại khai sinh, giảm tuổi xuống để vào chức này, chức nọ. Đa số trường hợp khai sinh lại của cán bộ là vậy, cũng là một kiểu gian lận. Tôi nói đa số chứ không nói tất cả, vì cá biệt có thể có trường hợp khách quan cần thiết. Vậy thì lấy đâu còn chỗ đứng cho nhân tài! Gần đây, Ban Bí thư đã có một qui định đúng về căn cứ tính tuổi, hy vọng sau đây tệ nạn này sẽ giảm.
Tranh cử, thi tuyển để chọn người tài
-Thực trạng“Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ…” đã ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của đất nước?
- Cán bộ yếu kém thì không đủ năng lực để đáp ứng công việc, để giải quyết các vấn đề lớn và vấn đề bức xúc do cuộc sống đặt ra. Mặt khác lại tác động xấu đến văn hóa, đạo đức xã hội, niềm tin chính trị. Vì vậy, chắc chắn, việc tụt hậu về kinh tế, suy thoái về đạo đức xã hội và các yếu kém khác, kể cả tham nhũng, lợi ích nhóm… đều liên quan trực tiếp, bắt nguồn từ sự yếu kếm của cán bộ và công tác cán bộ. Ai tham nhũng? Ai lợi ích nhóm? Không thể là nhân dân, chính là cán bộ, mà là cán bộ có chức quyền. Cán bộ không tốt, đều là sản phẩm của công tác cán bộ chứ từ đâu ra.
-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến yêu cầu trọng dụng người tài để những người có năng lực, trí tuệ, kể cả con em công nhân, nông dân có cơ hội trở thành lãnh đạo đất nước? Theo ông, cần phải có giải pháp gì để biến điều đó thành hiện thực?
- Trọng dụng người tài là quan điểm rất đúng. Tôi hoan nghênh tinh thần đó của Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Lâu nay, các đồng chí lãnh đạo các thời kỳ đều nói vậy. Thời Bác Hồ còn sống và trong chiến tranh đã làm khá tốt, còn sau đó thì nói chung là chưa được. Tôi mong và hy vọng lần này nói và sẽ làm được, nói đi đôi với làm.
Minh họa: Báo Tuổi Trẻ |
Tuy nhiên đây là việc khó và rất quan trọng. Từ việc làm sao để đánh giá được đâu là người tài, cơ chế phát hiện chọn lựa thế nào... Cơ quan làm công tác cán bộ phải tham mưu tích cực, phải công tâm, lắng nghe và nghiên cứu để đổi mới mạnh mẽ và căn bản công tác cán bộ, thực hiện phổ biến việc tranh cử và thi tuyển, dân chủ, minh bạch thông tin, phát huy vai trò của các tổ chức nhân dân...
Trước mắt phải khắc phục cho căn bản tệ nạn “mua quan bán chức” đến nay đã khá phổ biến trong bộ máy của chúng ta. Đồng thời phải khẩn trương nghiên cứu để có những chủ trương mạnh mẽ và thiết thực, với tư duy mới. Lưu ý nhất hai tiêu chuẩn, đó là không “lợi ích nhóm” và có khả năng đổi mới. “Lợi ích nhóm” và bảo thủ không chịu đổi mới đều có thể dẫn đến hỏng sự nghiệp. “Lợi ích nhóm” nguy hiểm hơn, nhưng bảo thủ cũng không thể chấp nhận.
Nhân tài không chạy tới, chạy lui để xin chức
“Hào kiệt đời nào cũng có nhưng họ thường là những người tư duy độc lập, không biết nói theo, chỉ nói những lời chính trực, trái tai lãnh đạo, không làm đồ đệ cho ai, không đem ngọc bán rao như cách nói của Nguyễn Trãi, không chịu cúi đầu khuất phục, không chạy tới chạy lui để xin chức”, ông Vũ Ngọc Hoàng.