Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Châu Phi sạch bóng ở tứ kết: Bước tụt lùi thế kỷ

Sau châu Á tới lượt châu Phi cuốn gói rời Brazil, thất bại của Algeria và Nigeria đều là những kết quả sớm được dự báo từ trước.

So với châu Á, bóng đá châu Phi rõ ràng được đánh giá cao hơn rất nhiều, nhưng rồi họ vẫn chưa thể hiện bộ mặt xứng tầm với những kỳ vọng. Cameroon 1990, Senegal 2002, Ghana 2010 là 3 đội bóng duy nhất của lục địa đen lọt tới tứ kết của 1 VCK World Cup. Chừng ấy là quá ít so với tiềm lực thực sự của những đại diện châu lục này.

Vô kỷ luật

Đây là vấn nạn lớn nhất tồn tại trong lòng các đại diện châu Phi. Trước World Cup lần này, các tuyển thủ Cameroon đình công nhằm đòi chia tiền thưởng, tạo ra câu chuyện đáng xấu hổ hiếm có trong lịch sử. Scandal này nhanh chóng tràn sang Ghana và Nigeria, khi cầu thủ của 2 đội bóng này cũng lên tiếng đòi hỏi quyền lợi. Các cầu thủ là những người làm công, đương nhiên họ có quyền đòi hỏi lợi ích từ các nhà lãnh đạo. Song khi chơi bóng với cái đầu nặng trĩu đô la, thì chẳng ai có thể thoải mái được.

Sợ cầu thủ đình công, Ghana chuyển 3 triệu USD đến Brazil

Đích thân Tổng thống Ghana John Dramani Mahama đã can thiệp, chuyển 3 triệu USD đến Brazil cho các cầu thủ để tránh việc họ đình công ở trận đấu cuối cùng vòng bảng gặp Bồ Đào Nha.

 

Đa số các đội bóng mạnh của châu Phi đều có nòng cốt là những cầu thủ đang chinh chiến ở châu Âu. Nhưng cứ mỗi khi tập hợp lại với nhau, là những thói hư tật xấu của họ lại có đất nảy nở. Chuyện cầu thủ chơi đêm, bia rượu, thuốc lá xưa nay vẫn xảy ra như cơm bữa. Thể thao đỉnh cao không có chỗ cho những kẻ sẵn sàng tàn phá thể lực bản thân.

Thiếu chính sách phát triển

Các LĐBĐ của lục địa đen nổi tiếng về tham nhũng và gian lận. Chuyện cầu thủ đòi tiền cũng bắt nguồn từ nguyên nhân trên. Nếu họ không lên tiếng, có lẽ số tiền đó lại là món quà cho những người đứng đầu LĐBĐ quốc gia.

Châu Phi là một mỏ vàng của thế giới chỉ sau Nam Mỹ. Thực tế thành tích của các đội trẻ của châu lục này vẫn rất ấn tượng. Nigeria, Ghana luôn là những đội bóng có thành tích tốt ở các giải trẻ. Song cứ sau mỗi giải đấu ấy, thay vì tiếp tục nuôi dưỡng ươm mầm để các mầm non cứng cáp, những người có trách nhiệm sẵn sàng bán họ đi với giá rẻ mạt để chuộc lợi. Không ít cầu thủ giàu tiềm năng đã lập tức "chết non" khi vừa đặt chân tới lục địa già. 

Ngủ quên trên chiến thắng

Bóng đá châu Phi đã có những bước phát triển thần kỳ từ thập niên 90 thế kỷ trước. Sau thành công của Cameroon ở Italy 90, các đội bóng châu Phi nhanh chóng vươn lên khẳng định vị thế. USA 94 chứng kiến sức mạnh của Nigeria, khi họ bất ngờ dẫn đầu bảng đấu có sự xuất hiện của Argentina với Diego Maradona trong đội hình.

Hai năm sau, lứa cầu thủ ấy tiếp tục viết nên câu chuyện thần kỳ khi đánh bại Argentina với những Javier Zanetti, Roberto Ayala, Ariel Ortega, Juan Veron, Diego Simeone, Gabriel Batistuta... ở Olympic Atlanta 96. Năm 2002, Senegal trở thành hiện tượng khi đánh bại ĐKVĐ lúc bấy giờ - Pháp - trong trận khai mạc và lọt tới tứ kết.

Những tưởng bước đệm ấy sẽ nâng tầm bóng đá lục địa đen. Nhưng khi cả thế giới chuyển mình liên tục, người châu Phi vẫn giậm chân tại chỗ. Cách làm bóng đá, và tư duy chơi bóng không thể bắt kịp thời đại đã góp phần đánh sập thành quả của hơn 1 thập kỷ phát triển.

Quá trình đi xuống bắt đầu từ năm 2005. Trong số 5 đại diện châu Phi dự World Cup 2006, chỉ duy nhất Ghana vượt qua vòng bảng, 4 năm sau khi World Cup về với lục địa đen, cũng chỉ còn lại Ghana sống sót qua vòng đầu. Đến lúc này, người châu Phi chợt nhận ra họ đã ngủ quên trên chiến thắng, nhưng chỉ là chiến thắng tạm thời.

Có vẻ như sau gần hai thập kỷ phát triển, bóng đá châu Phi đang có dấu hiệu chững lại. Tính bất ngờ của họ đã bắt đầu giảm đi đáng kể. Một bước thụt lùi đáng tiếc với 1 châu lục đã sản sinh ra những Roger Milla, Abedi Pele, George Weah, Jay-Jay Okocha, Samuel Eto'o, Didier Drogba...

Linh Trần

Bạn có thể quan tâm