Ngày 12/11, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã bật đèn xanh cho Dự án Cảnh báo giám sát và đánh chặn kịp thời mối đe dọa trên không (TWISTER), do tập đoàn MBDA làm nhà thầu chính. Dự án phòng thủ tên lửa châu Âu hợp tác giữa 5 quốc gia Pháp, Phần Lan, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha.
Dự án có thể đi vào hoạt động từ năm 2030, MBDA cho biết trong một thông cáo báo chí được tạp chí National Interest trích dẫn.
Thành phần đánh chặn của dự án TWISTER cuối cùng sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong sự đóng góp của các nước châu Âu cho sứ mệnh phòng thủ của NATO, đồng thời đáp ứng tham vọng của EU về dự án phòng thủ tên lửa riêng.
MBDA cho biết hệ thống đánh chặn mới sẽ giải quyết một loạt các mối đe dọa, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung, tên lửa hành trình, phương tiện bay siêu vượt thanh và các mục tiêu thông thường như máy bay chiến đấu.
Hệ thống đánh chặn mới sẽ được tích hợp với các hệ thống trên đất liền, trên biển hiện có và trong tương lai. MBDA cam kết đáp ứng nhu cầu khách hàng thông qua các công nghệ và kiến trúc mở để nâng cấp trong tương lai.
Phạm vi đánh chặn khiêm tốn
Tên lửa của hệ thống TWISTER sẽ hoạt động bên trong bầu khí quyển, có nghĩa là tên lửa cần mật độ không khí tương đối dày và cảm biến của nó có thể xử lý nhiệt tạo ra do ma sát. Điều đó đặt nó cùng hạng với tên lửa đánh chặn SM-2 và Patriot của Mỹ.
Phạm vi đánh chặn của dự án TWISTER chỉ tương đương với tên lửa SM-2 của Mỹ. Đồ họa: MBDA. |
Tầm cao đánh chặn của tên lửa sẽ bị giới hạn dưới 60 km. Trong khi đó, các tên lửa đánh chặn SM-3 và THAAD của Mỹ có thể đánh chặn ở độ cao trên 91 km. Tầm cao đánh chặn thấp sẽ là một hạn chế đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của châu Âu.
Nếu dự án TWISTER cho tính khả thi cao và các nước châu Âu tìm thấy nguồn tài trợ để sản xuất và khai thác nó, hệ thống đánh chặn mới có thể bổ sung cho hệ thống phòng thủ hiện có, chủ yếu là của Mỹ triển khai ở châu Âu để chống lại mối đe dọa từ tên lửa của Iran.
Dưới sự bảo trợ của NATO, Mỹ đã triển khai hệ thống đánh chặn Aegis Ashore ở Ba Lan và Romania. Các chiến hạm của Mỹ mang tên lửa đánh chặn SM-2 và SM-3 có trụ sở tại Tây Ban Nha để tuần tra trên biển Địa Trung Hải.
Hệ thống có thể vô dụng vì thiếu radar
Ian Williams, nhà phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, có trụ sở tại Washington, cho rằng tầm bắn hạn chế của tên lửa đánh chặn không phải là điểm yếu chính trong lá chắn tên lửa của châu Âu.
Kiến trúc phòng thủ tên lửa hiện đại hướng đến mục tiêu bảo vệ NATO khỏi cuộc tấn công tên lửa từ Iran là rất mong manh, do sự phụ thuộc quá nhiều vào một radar cảnh giới trên mặt đất duy nhất để theo dõi các tên lửa hướng về châu Âu.
Một radar cảnh giới AN/TPY-2 triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là chìa khóa của lá chắn tên lửa châu Âu. Ảnh: Raytheon. |
Một yếu tố đặc biệt quan trọng của lá chắn tên lửa châu Âu là cần có radar trinh sát AN/TPY-2 triển khai ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ. Radar này có nhiệm vụ theo dõi các tên lửa từ Iran hướng về châu Âu.
Nó thực sự là chìa khóa của toàn bộ lá chắn. Nếu không có nó, năng lực bảo vệ châu Âu của các địa điểm triển khai hệ thống Aegis Ashore cũng như TWISTER là rất hạn chế. Nếu radar AN/TPY-2 triển khai phía trước không cung cấp thông tin cảnh báo sớm, khu vực được bảo vệ bởi 2 hệ thống Aegis Ashore sẽ giảm xuống đáng kể.
Nhiều căn cứ, thành phố lớn trên khắp châu Âu sẽ không được bảo vệ trước mối đe dọa từ tên lửa Iran. Các radar AN/SPY-1 lắp đặt tại các địa điểm Aegis Ashore vốn được sử dụng cho nhiệm vụ điều khiển hỏa lực, bản thân nó không đủ phạm vi trinh sát để có thể tự bảo vệ châu Âu.
Trong một số trường hợp, khi radar AN/SPY-1 phát hiện được tên lửa Iran thì có thể đã quá muộn để hệ thống tính toán giải pháp đánh chặn. Các tên lửa bay cao và xa hơn hướng đến Tây Âu có thể vượt qua tầm trinh sát của radar này.
Do đó, việc triển khai radar cảnh báo sớm AN/TPY-2 ở Thổ Nhĩ Kỳ là điều cần thiết để lá chắn tên lửa châu Âu có thể hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy Ankara sẽ hợp tác với châu Âu về lá chắn tên lửa.
Trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Washington và Ankara đang căng thẳng, sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, thì việc triển khai radar cảnh báo sớm ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở nên khó khăn hơn.