Chỉ tính trong tuần trước, châu Âu có thêm 300.000 bệnh nhân mắc Covid-19, cao hơn số liệu kỷ lục hồi tháng 3 là 264.675 ca mắc mới mỗi tuần. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong của khu vực đang duy trì xu hướng ổn định, ngoại trừ một vài quốc gia như Romania, Tây Ban Nha, Malta hay Croatia.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của châu Âu (ECDC) cho rằng tốc độ lây nhiễm gia tăng là hệ quả của kỳ nghỉ hè, khi người dân quay lại làm việc và trẻ em tiếp tục đến trường.
Thực khách ngồi sát nhau trong một nhà hàng tại Thụy Điển. Ảnh: Guardian. |
Song Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại nghi ngờ việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh và tâm lý chủ quan đã gây ra làn sóng Covid-19 thứ hai tại châu Âu, CNN đưa tin.
Tính đến ngày 20/9, thế giới có gần 31 triệu bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó 961.461 trường hợp đã tử vong. Chỉ riêng châu Âu ghi nhận 4,5 triệu ca mắc bệnh và 217.278 ca tử vong vì đại dịch, theo số liệu của Worldometers.
Làn sóng dịch bệnh mới
Trong buổi họp báo ngày 18/9, Thủ tướng Boris Johnson thừa nhận Vương quốc Anh “đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ hai” và điều này là “không thể tránh khỏi”. Ông Johnson đưa ra tuyên bố trong bối cảnh Anh lần đầu ghi nhận hơn 4.000 bệnh nhân trong một ngày kể từ tháng 5.
Ông Johnson nói với các phóng viên: “Không nghi ngờ gì nữa, như tôi đã chia sẻ từ vài tuần trước, chúng ta đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh lần hai. Điều này có thể thấy rõ ở Pháp, Tây Ban Nha và nhiều nơi trên toàn châu lục. Đất nước của chúng ta không thể tránh khỏi điều này”.
Thực khách trong một quán cà phê tại Paris, Pháp. Ảnh: AP. |
Ông đồng thời đưa ra khuyến cáo: “Tôi không hề muốn ban hành lệnh phong tỏa lần hai trên phạm vi toàn quốc. Cách giải quyết duy nhất là người dân phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch”.
Vương quốc Anh đang dẫn đầu các quốc gia châu Âu về số liệu tử vong. Hồi cuối tuần qua, nước này đã áp đặt quy định cấm tụ họp đông người trên phạm vi toàn quốc.
Tương tự, Tây Ban Nha cũng đang chuẩn bị tinh thần cho một “thời kỳ đen tối” khi số liệu dịch tễ gia tăng chóng mặt. Trong ngày 11/9, quốc gia này ghi nhận số bệnh nhân mới cao kỷ lục, 12.183 trường hợp. Đến nay, Tây Ban Nha là quốc gia châu Âu có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất với hơn 600.000 bệnh nhân.
Tại Pháp, Cơ quan Y tế Quốc gia hôm 16/8 công bố thêm 13.251 trường hợp mắc bệnh chỉ trong một ngày. Đây cũng là số liệu dịch tễ cao nhất kể từ tháng 4, thời điểm được cho là đỉnh dịch ở nước này.
Số liệu từ các nhà chức trách còn chỉ ra xu hướng nhập viện ngày càng tăng. Chỉ trong một tuần, các bệnh viện ở Pháp phải tiếp nhận 3.626 bệnh nhân mới trong khi các phòng cấp cứu đều đã bị quá tải.
Trong ngày 18/6, Cộng hòa Czech và Hà Lan đều nâng thứ hạng dịch tễ khi lần lượt ghi nhận thêm 3.130 và 1.977 bệnh nhân Covid-19. Học sinh tại Czech bắt buộc phải đeo khẩu trang trong khi Hà Lan bổ sung thêm quy định hạn chế tại các nhà hàng và quán bar.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dự đoán số ca mắc bệnh sẽ tăng gấp đôi trong hơn một tuần tới. “Dù không phải một nhà toán học hay nhà virus học, bạn cũng hiểu rằng làn sóng dịch bệnh sẽ sớm tác động lên hệ thống y tế”, ông nói.
Cùng ngày hôm đó (18/6), Italy ghi nhận thêm 1.907 ca dương tính với Covid-19, số liệu cao nhất kể từ tháng 5. Một ngày sau đó, Ba Lan lập kỷ lục khi có thêm 1.002 bệnh nhân mắc bệnh.
Sai lầm của châu Âu
Trong tuần này, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu, ông Hans Kluge, mới cảnh báo về “tỷ lệ lây nhiễm đáng báo động” và “tình hình nghiêm trọng” trong khu vực. Ông cho biết số liệu hiện tại đã vượt qua mức kỷ lục trong thời kỳ đỉnh dịch.
Theo ông Kluge, làn sóng dịch bệnh bắt nguồn từ thực trạng “giới chức nới lỏng các biện pháp chống dịch trong khi người dân trở nên mất cảnh giác”. Chuyên gia này bày tỏ quan ngại khi “người trẻ chiếm phần lớn số bệnh nhân mới”.
Việc quay trở lại cuộc sống bình thường cũng khiến tỷ lệ lây nhiễm tăng nhanh ở một vài thành phố lớn. Ví dụ, thủ đô của Tây Ban Nha và Áo đều ghi nhận thêm nhiều ca dương tính với Covid-19 ngay khi người dân quay trở lại công sở và trẻ em tiếp tục đến trường.
Những người trẻ tuổi đổ xô đến bãi biển trong mùa hè. Ảnh: AP. |
Tại Italy, giới chức cho biết khoảng 50% ca mắc bệnh hồi cuối tháng 8 là những người tận hưởng kỳ nghỉ hè khi không đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội. Trong khi đó, các quốc gia từng ít chịu ảnh hưởng của đại dịch, như Hy Lạp hay Croatia, đều có tỷ lệ lây nhiễm gia tăng sau khi mở cửa biên giới với các nước láng giềng.
Ngoài ra, việc tăng cường năng lực xét nghiệm cũng có thể ảnh hưởng đến số liệu dịch tễ. CNN đưa ra nhận định này dựa trên số ca tử vong giảm đáng kể tại châu Âu. Theo Đại học Johns Hopkins, số ca tử vong mỗi ngày trong khu vực đã giảm từ 3.788 xuống còn 504 trong vòng 3 tháng qua.
Giáo sư Mark Woolhouse, nhà dịch tễ học tại Đại học Edinburgh, nói với CNN: “Phong tỏa không bao giờ là cách giải quyết đại dịch ở châu Âu hay ở bất kỳ nơi nào khác. Đây chỉ là một phương án trì hoãn”.