Trong tuần cuối cùng của tháng 8, nhiều nước châu Âu chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm virus corona cao kỷ lục. Lần đầu tiên kể từ khi dịch tạm lắng xuống, các quốc gia như Pháp, Đức Italy và Tây Ban Nha lại có số ca nhiễm mới tăng đột biến.
Những nước không chịu nhiều ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch đầu tiên như Hy Lạp và Croatia cũng đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số ca nhiễm mới vào tháng 8, khi khách du lịch tận dụng việc khối EU mở cửa biên giới nội bộ trở lại để đi nghỉ mát ở các bãi biển.
Người dân châu Âu đổ xô về các bãi biển ngay khi EU mở cửa biên giới nội bộ trở lại. Ảnh: AP. |
Để tránh tình cảnh làn sóng lây nhiễm đẩy châu Âu vào một đợt phong tỏa mới, các nhà chức trách đã dùng đến luật pháp.
Chính phủ các nước châu Âu đang thắt chặt các quy định: nhiều hộp đêm ở Italy và Hy Lạp bị yêu cầu đóng cửa; giờ giới nghiêm được thiết lập tại Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italy; hầu hết quốc gia bắt buộc công dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng hoặc khi tham gia hoạt động ngoài trời.
Cuộc chiến chống Covid-19 trong những tuần gần đây ở châu Âu đang dần chuyển trọng tâm sang công tác duy trì trật tự và đảm bảo giãn cách xã hội.
Cuộc chiến chống Covid-19 ở châu Âu đã chuyển từ bệnh viện ra đường phố. Ảnh: AP. |
Trước khi các cơ quan chức năng mạnh tay trong việc thắt chặt, việc áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang vấp phải nhiều khó khăn. Thậm chí, hồi tháng 7, một nhân viên soát vé xe buýt ở Pháp đã bị hành hung đến chết sau khi yêu cầu một nhóm hành khách đeo khẩu trang.
Giờ đây, với sự vào cuộc của lực lượng chấp pháp, nhiều người đã thấy nhẹ nhõm hơn. Damien Cospanza, một nhân viên phụ trách trên xe buýt ở Marseille, Pháp, chia sẻ: “Chúng tôi từng là những người nằm ở tiền tuyến trong cuộc chiến chống dịch trên đường phố”.
Cảnh sát căng mình trên nhiều mặt trận
Ngày 27/8, Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo về quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên phạm vi toàn thủ đô Paris. “Tạo ra luật thôi chưa đủ, cần phải thi hành luật nữa”, ông Castex khẳng định.
Một đội cảnh sát đặc biệt đã được cử đến điểm nóng du lịch Marseille để giúp địa phương thực thi các quy định mới.
Giờ đây, áp lực chống dịch đổ dồn lên vai lực lượng cảnh sát. Ảnh: AP. |
Jean-Marc Cortes, chỉ huy của đơn vị đặc biệt trên, giải thích rằng trách nhiệm của ông khi có mặt ở cảng Marseille là giúp mọi người hiểu thêm về các quy định mới, bao gồm khoản tiền phạt 159 USD đối với người không tuân thủ.
“Nếu không có sự xuất hiện của cảnh sát trên đường phố, người ta thường phớt lờ các nguyên tắc mới, mọi người sẽ ít tự giác đeo khẩu trang hơn. Nhưng khi chúng tôi (cảnh sát) có mặt thì thường chỉ cần nhắc nhở họ là đủ”, ông Cortes nói.
Nhưng sau hai tuần kể từ khi quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng được áp dụng ở Pháp, mỗi ngày trôi qua lại có 700 trường hợp bị phạt tiền vì không tuân thủ luật định. Lực lượng cảnh sát ở Pháp đã và đang phải căng mình trên nhiều mặt trận trong vài năm qua, bao gồm cả công tác chống khủng bố, kiểm soát biểu tình và giờ đây là đối phó với đại dịch Covid-19.
Sự có mặt của cảnh sát giúp nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc chấp hành quy định chống dịch. Ảnh: AP. |
Cảnh sát Pháp đã nhiều lần tổ chức các cuộc biểu tình kêu gọi chính phủ hỗ trợ và đầu tư nhiều hơn vào lực lượng chấp pháp. Vào thời điểm Pháp tiến hành cách ly xã hội hồi tháng 3, các nhà chức tránh nước này vì lo ngại một đợt bất mãn của cảnh sát nên đã phải cung cấp những thiết bị bảo hộ mà các sĩ quan yêu cầu.
Một trong những vấn đề khiến việc áp dụng quy định mới trở nên khó khăn nằm ở sự phức tạp của luật định. Chỉ một số khu vực nhất định bắt buộc đeo khẩu trang. Khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác, rất khó để xác định xem cần phải đeo khẩu trang ở những địa điểm nào.
Quan sát từ bờ biển Les Catalans thuộc Marseille, rất dễ để nhận thấy rằng có vô số người không hề đeo khẩu trang. Các sĩ quan giải thích rằng mặc dù về nguyên tắc, những người tắm biển vẫn phải đeo khẩu trang, song việc áp dụng quy định và theo dõi tình hình gặp nhiều khó khăn vì lượng người trên bãi biển rất lớn.
Ngoài ra, sự khác biệt trong mức độ thực thi các nguyên tắc mới giữa các nước thuộc khối EU cũng cản trở quá trình chấp pháp của cảnh sát.
Bãi biển Les Catalans có vô số người tắm biển nhưng không đeo khẩu trang. Ảnh: Love Sports. |
Thiếu thốn nguồn lực hỗ trợ
Mỗi ngày, cảnh sát Bỉ phải phạt ít nhất 100 trường hợp không chấp hành quy định đeo khẩu trang nơi công cộng, trong khi con số này ở Italy là 40. Tại Tây Ban Nha, chính phủ dự kiến điều động 2.000 quân nhân hỗ trợ công tác truy dấu tiếp xúc của các ca dương tính với virus.
Thực trạng trên đồng nghĩa với việc lực lượng cảnh sát tại châu Âu đang phải gồng mình đảm đương nhiều vai trò khác nhau: từ duy trì an ninh đến đảm bảo các quy định chống dịch được chấp hành.
Tuy nhiên, hầu hết quốc gia châu Âu vẫn chưa có chiến lược bổ sung nguồn lực hỗ trợ lực lượng cảnh sát trong cuộc chiến chống Covid-19.
Bộ Nội vụ Anh từng công bố kế hoạch tuyển dụng thêm 6.000 cảnh sát vào tháng 3/2021. Tuy nhiên, lực lượng mới này vốn không được trù tính để tham gia vào việc thực thi các quy định liên quan đến chống dịch.
Giờ đây, khi hệ thống y tế không còn đối mặt với nguy cơ quá tải và tỷ lệ tử vong cũng đã thấp hơn, bài toán mang tên Covid-19 tại châu Âu cần một hướng giải quyết khác, tập trung hơn vào hỗ trợ lực lượng chấp pháp để cân bằng giữa việc bảo vệ sức khỏe người dân và duy trì nhịp sống bình thường của cộng đồng.