Người dân Tây Ban Nha đã có vài tháng hè tương đối yên ắng sau những nỗ lực chống chọi với Covid-19. Tuy nhiên, đất nước này đang bắt đầu có sự gia tăng trở lại các ca nhiễm với tốc độ nhanh nhất châu Âu hiện nay. Các chuyên gia lo ngại đây chính là dấu hiệu cho làn sóng mới của dịch bệnh sắp ập đến.
Vào trưa 30/8, có 31 bệnh nhân tại trung tâm điều trị coronavirus chính ở Málaga - thành phố có tỷ lệ lây nhiễm tăng nhanh nhất ở miền Nam Tây Ban Nha. Khoảng 15 phút sau, bệnh nhân thứ 32 được đưa đến cấp cứu. Chỉ nửa giờ sau đó, trung tâm này tiếp nhận thêm bệnh nhân thứ 33.
Thùng rác tại trung tâm luôn chất đầy khẩu trang và găng tay y tế đã qua sử dụng. Người thân bệnh nhân thẫn thờ trước các cửa phòng bệnh. Vài người đẫm nước mắt, vài người khác thở dài thườn thượt.
Julia Bautista, 58 tuổi, đã chứng kiến hai người thân của mình chống chọi với căn bệnh quái ác. Cô tâm sự: “Anh rể tôi bị nhiễm virus từ hồi đầu năm. Giờ thì lại đến lượt cha tôi”.
Nơi đón đầu sóng dịch thứ hai tại châu Âu
Nếu Italy là nơi báo hiệu cho làn sóng virus đầu tiên tại châu Âu hồi tháng 2, thì Tây Ban Nha có lẽ là nơi hứng chịu “đầu sóng ngọn gió” của làn sóng thứ hai.
Tại Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Bỉ và nhiều khu vực ở Đông Âu, số ca bệnh vẫn mỗi ngày một tăng, nhưng Tây Ban Nha mới là nơi ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất châu lục trong tuần qua với hơn 53.000 trường hợp. Cứ 100.000 người, lại có 114 ca nhiễm mới, tốc độ lây nhiễm này thậm chí còn nhanh hơn Mỹ, nhanh gấp đôi Pháp, gấp khoảng 8 lần Italy và Anh, gấp 10 lần tốc độ ở Đức.
Tây Ban Nha hiện có tốc độ lây nhiễm SARS-CoV-2 nhanh nhất châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Hồi đầu năm nay, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng vì dịch bệnh nặng nề nhất ở châu Âu. Quốc gia này có khoảng 440.000 ca nhiễm và hơn 29.000 ca tử vong.
Sau những nỗ lực cách ly xã hội trên toàn quốc, Tây Ban Nha lại trở thành một trong những nước hồi phục nhanh nhất. Cuộc sống thường nhật của người dân đất nước này trở lại nhanh chóng hơn bao giờ hết. Nhưng "bóng ma" dịch bệnh lại đang quay lại.
“Tây Ban Nha có lẽ chính là một dấu hiệu cảnh báo sớm”, giáo sư Antoni Trilla, nhà dịch tễ học tại Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona, nhận xét. “Sau chúng tôi, có thể còn nhiều quốc gia khác (sẽ bùng phát dịch trở lại). Tuy nhiên, tôi hy vọng họ sẽ không phải đối mặt với tốc độ lây lan cũng như số lượng ca nhiễm mới tương tự như Tây Ban Nha”.
Nguy cơ từ sự phục hồi kinh tế
Theo dự đoán trước đó của các chuyên gia, đợt bùng phát dịch lớn thứ hai tại nước này sẽ không xảy ra trong ít nhất một tháng nữa. Tuy nhiên, cuối cùng nó lại đến sớm hơn dự kiến.
Theo New York Times, nguyên nhân của việc này chủ yếu đến từ sự gia tăng các cuộc hội họp sau cách ly, sự hoạt động trở lại của du lịch, quyết định trao lại trách nhiệm chống dịch cho chính quyền địa phương, sự thiếu hụt nhà ở và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nhập cư.
Trong suốt nhiều tuần, các nhà chức trách khu vực đã cố gắng vực dậy nền kinh tế thông qua du lịch. Ở các thành phố nhộn nhịp như Málaga, hộp đêm và vũ trường được phép hoạt động đến 5h mỗi sáng, kèm đó là quy định về an toàn. Tuy nhiên, quy định không phải lúc nào cũng được chấp hành.
Đầu tháng 8, một video lan truyền cho thấy cảnh người biểu diễn khạc nhổ vào đám đông trên sàn nhảy đông đúc ở một hộp đêm trên bãi biển gần Málaga. Địa điểm này nhanh chóng bị buộc tạm ngừng kinh doanh, tất cả hộp đêm được lệnh tạm dừng hoạt động hai tuần sau đó, quán bar phải đóng cửa trước 1h. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng những hạn chế này còn quá lỏng lẻo.
Trong khi số bệnh nhân tại các bệnh viện Málaga tiếp tục tăng trong những ngày gần đây, người dân vẫn tụ tập tại các quán bar dọc bãi biển đến tận nửa đêm. Ở một số quán, bàn ghế được xếp san sát nhau bất chấp quy định về khoảng cách an toàn hiện hành là 2 m.
Người dân vẫn tụ tập tại các bãi biển bất chấp sự lây lan của Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Sau khi hàng quán đóng cửa, những người ham vui tiếp tục tràn ra các bãi biển và cầu phao, hầu hết không đeo khẩu trang. Họ tụ tập thành nhóm hơn 20 người, quên khuấy đi quy định hạn chế tụ tập trên 10 người mà nhà nước đưa ra.
Trong đó, có không ít thanh thiếu niên tự nhận họ vừa hồi phục sau khi bị nhiễm virus nhẹ và tin rằng mình đã miễn dịch. Một số khác thì cho rằng thế giới đang phản ứng thái quá về đại dịch.
Victor Bermúdez, 23 tuổi, một người tụ tập tại bãi biển thể hiện quan điểm: “Tôi không nghĩ là Covid có thật. Đúng là dịch tồn tại, nhưng nó không nghiêm trọng như những gì người ta nói. Tất cả chỉ là một kế hoạch nhằm loại bỏ bớt người nghèo và giữ lại người giàu”.
Sự thiếu nhất quán của các địa phương
Trong thời gian cách ly toàn quốc, chính quyền trung ương Tây Ban Nha đã có hành động rõ ràng nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6, quốc gia này dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Theo đó, một số quyền hành nhất định đã được trao trả lại cho chính quyền của 17 vùng hành chính. Điều này dẫn đến sự rối ren và thiếu nhất quán trong chống dịch.
Chính quyền vùng cố gắng thực thi các biện pháp hạn chế đối với người dân ở các địa phương trực thuộc. Tuy nhiên, nhiều quyết định của họ bị địa phương bác bỏ với lý do chỉ có nghị viện trung ương mới có quyền đưa ra những biện pháp đó.
Ông Juan Manuel Moreno, Thủ hiến vùng Andalusia, cho biết: “Chúng tôi không có các công cụ pháp lý để đưa ra quyết định”.
Sự thiếu thống nhất trong chống dịch đã gây trở ngại cho việc theo dõi và truy tìm các bệnh nhân tiềm năng. Một số khu vực đầu tư đến vài nghìn nhân lực để tìm những người đã tiếp xúc với người bệnh, trong khi một số khu vực khác chỉ có vỏn vẹn vài chục người thực hiện nhiệm vụ này.
Thậm chí, ngay ở các khu vực có lực lượng truy tìm bệnh nhân tiềm năng lớn như Andalusia, nhân viên y tế cho biết quá trình này vẫn còn quá chậm và thiếu nhân lực ở một số địa điểm nhất định.
Francisca Morente là một trong hàng trăm y tá tại Málaga được biệt phái làm việc truy tìm bệnh nhân tiềm năng do tình trạng thiếu nhân lực tại đơn vị truy tìm chính thức của địa phương.
Trung tâm điều trị nơi Morente tiếp nhận công việc hiện chỉ có 5 người đảm nhận nhiệm vụ này - quá ít để xử lý hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày. Và ngay cả khi Morente và đồng nghiệp có thể xoay xở để tìm được các bệnh nhân tiềm năng, những người ngày vẫn phải đợi một tuần mới có thể thực hiện xét nghiệm do các phòng xét nghiệm địa phương bị quá tải.
“Chúng tôi cần thêm nhân lực và trang thiết bị”, Morente cho biết. “Chúng tôi cần một đơn vị truy quét cố định ở từng trung tâm, chứ không phải là vài nhân viên được chỉ định tạm thời như hiện nay”.
Theo một số chuyên gia, việc thiếu thể chế hỗ trợ cho người nhập cư bất hợp pháp cũng góp phần đẩy nhanh lần bùng phát dịch lớn thứ hai này. Một số đợt bùng phát gần đây bắt nguồn từ người nhập cư sống trong các khu chung cư chật chội.
Không có hợp đồng lao động chính thức, không có trợ cấp thất nghiệp, người nhập cư bất hợp pháp không thể dễ dàng nghỉ việc một khi họ nhiễm bệnh. Họ cũng không có đủ tiền để chi trả cho những căn hộ riêng, cho phép họ tự cách ly.
María Perea, một lao công 50 tuổi người Colombia đang nơm nớp chờ kết quả xét nghiệm, tâm sự: “Nếu phải cách ly, tôi sẽ không thể làm việc. Nếu vậy, tôi sẽ không có thu nhập để chi trả cho bất cứ dịch vụ nào”.
Công nhân vệ sinh đường phố tại Málaga. Ảnh: New York Times. |
Nhìn chung, tuy là quốc gia có tốc độ lây lan nhanh nhất hiện tại, nhưng những con số về dịch bệnh ở Tây Ban Nha đã khả quan hơn đáng kể so với lần đầu bùng dịch.
Độ tuổi trung vị của người bệnh giảm từ 60 xuống khoảng 37. Tỷ lệ tử vong giảm gần một nửa so với thời kỳ đỉnh điểm của khủng hoảng, còn 6,6% so với mức đỉnh 12% hồi tháng 5. 50% số bệnh nhân mới được phát hiện dương tính ngay từ khi chưa có triệu chứng.
Con số khả quan này một phần là nhờ chính quyền và các cơ quan y tế đã chuẩn bị tốt hơn. Khoảng 2.000 binh sĩ đã được đặc phái làm nhiệm vụ truy tìm và liên lạc với bệnh nhân tiềm năng. Tốc độ xét nghiệm được đẩy nhanh: tại Málaga, bệnh viện lớn nhất có thể xử lý xét nghiệm trong vòng một buổi sáng nhờ vào loạt robot y tế mới đầu tư. Một số bệnh viện dã chiến tạm thời cũng được gấp rút xây dựng từ tháng 4 và đang sẵn sàng tiếp ứng.
“Hiện tại chúng tôi đã có kinh nghiệm. Chúng tôi có nhiều thiết bị dự trữ hơn, chúng tôi có phác đồ điều trị, chúng tôi có chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Sắp tới, các bệnh viện sẽ kín chỗ, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng”, bác sĩ María del Mar Vázquez, Giám đốc Bệnh viện Málaga, cho biết.