Dựa vào các vòng cây có niên đại từ thời La Mã, một nghiên cứu đã phân tích và đánh giá hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo nghiên cứu này, châu Âu đã trải qua nhiều đợt hạn hán, nắng nóng nghiêm trọng nhất trong hơn 2.000 năm, Guardian đưa tin.
Nghiên cứu, mới được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, đã phân tích 27.000 vòng sinh trưởng từ 147 cây sồi. Các mẫu gỗ được thu thập từ nhiều quốc gia như Cộng hòa Czech hay Đức, nhằm đại diện cho nhiều loại hình khí hậu trên khắp Trung Âu.
Từ mật độ gỗ và chiều rộng thân cây, nhóm nghiên cứu đã tái tạo được mô hình khí hậu trong quá khứ.
Giáo sư Ulf Büntgen từ Đại học Cambridge, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Trong vài năm qua, chúng ta đều cảm thấy mùa hè nóng và khô hanh hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện tượng này chưa từng có tiền lệ trong hơn 2.000 năm qua”.
Bảng đo nhiệt độ tại thành phố Paris, Pháp, trong ngày 25/7/2019. Ảnh: Getty. |
Nghiên cứu chỉ thu thập dữ liệu đến năm 2018, song mùa hè ở châu Âu vào năm 2019 và 2020 có nhiệt độ cao tương tự. Các nhà khoa học dự đoán hiện tượng nắng nóng, hạn hán sẽ còn khắc nghiệt hơn trong tương lai.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, các đợt nắng nóng đã gây ra nhiều hậu quả tàn khốc, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, phá hủy mùa màng và gây cháy rừng. Mực nước sông thấp còn làm giao thông đình trệ, ảnh hưởng đến công suất của các nhà máy điện hạt nhân.
Giáo sư Mrislav Trnka từ Trung tâm Nghiên cứu CzechGlob, cũng là một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết hạn hán gia tăng là lời cảnh báo với ngành nông nghiệp và lâm nghiệp. Ông Trnka nói: “Thiệt hại về rừng tại phần lớn vùng Trung Âu là minh chứng rõ ràng nhất”.